Khí đốt, vũ khí chiến lược để Vladimir Putin phản công Liên Âu

Đăng ngày: 27/07/2022

Tổng thống Vladimir Putin tại diễn đàn kinh tế Saint-Petersbourg ngày 18/06/2022. Điện Kremlin dùng khí đốt như một loại vũ khí để phản công phương Tây trừng phạt kinh tế của Nga. AP – Gavriil Grigorov

Anh Vũ

Điều khiển đóng mở van cấp khi đốt cho Châu Âu theo ý muốn như đòn cân não phương Tây, tổng thống Nga Vladimir Putin đang có trong tay thứ vũ khí chiến lược để phản công lại các trừng phạt kinh tế của Liên Âu.

Sau 10 ngày ngừng để bảo dưỡng, đường ống dẫn khí đốt Nga Nord Stream 1 trở lại hoạt động. Nhưng chỉ được chưa đầy 5 ngày sau, hôm 25/07/2022, Gazprom, nhà cung cấp khí đốt duy nhất của Nga cho Châu Âu thông báo ngay từ ngày 27/07/2022 giảm 33 triệu mét khối khí đốt cung cấp cho Châu Âu mỗi ngày qua đường ống Nord Stream 1. Lý do là bị cấm vận liên quan đến tua-bin nén khí đang bảo trì.

Trong tháng 6, Nga đã hai lần cắt giảm khối lượng khi cung cấp cho Châu Âu cũng với lý do tương tự. Các nước Liên Hiệp Châu Âu, giờ đây rơi vào hoàn cảnh không biết lúc nào bị Nga cắt hẳn nguồn cung cấp khí đốt, đang đôn đáo tìm đủ mọi giải pháp ứng phó, từ việc đổ xô đi tìm nguồn cung thay thế từ Azerbaïdjan, Algeri, đến các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh, hay gần đây là quyết định cắt giảm tiêu thụ để tích trữ cho mùa đông tới cũng như về lâu dài.

Trước cuộc chiến tranh tại Ukraina, hơn 40% nhiên liệu tiêu thụ tại châu Âu là do Gazprom cung cấp, giờ đây khối lượng này chỉ còn 20%. Con số giảm còn một nửa này không phải là nỗ lực của Liên Âu muốn thoát khỏi lệ thuộc vào khí đốt Nga, mà đó là do trò chơi đóng mở van cấp khí đốt cho các nước Liên Âu của ông chủ điện Kremlin để phản công các trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga.

Trong cuộc đọ sức với phương Tây, ông Vladimir Putin đã nhanh chóng hiểu được rằng khí đốt Nga là thứ vũ khí hiệu quả để chống lại Châu Âu, lúc này đang tìm cách cô lập, gây áp lực tối đa để Kremlin dừng cuộc phiêu lưu quân sự ở Ukraina.

Thế nhưng, điện Kremlin tin rằng với lá bài khí đốt, Nga có thể đẩy châu Âu vào hoàn cảnh bất định về năng lượng. Kinh tế bất ổn tất sẽ dẫn đến bùng phát phong trào xã hội chống chính phủ, như kiểu phong trào « Áo vàng » ở Pháp. Mặt khác, rơi vào tình trạng bất an về năng lượng sẽ khiến các nước châu Âu bị chia rẽ, đặc biệt trong các chủ trương trừng phạt mới đối với Nga. 

Theo giới quan sát, các nước Liên Hiệp Châu Âu đang rơi vào cái bẫy khí đốt Nga do chính mình giăng ra. Từ đầu cuộc chiến tranh xâm lược của Nga, Bruxelles đã nhiều lần dọa Matxcơva rằng Liên Âu sẽ chấm dứt hoàn toàn lệ thuộc vào khí đốt của Nga. Nhưng những hậu quả về kinh tế, xã hội nhãn tiền của một chính sách triệt để như vậy đã khiến một số nước, đặc biệt là Đức hay Hungary, ngăn cản hoặc do dự.

Với nước Nga, hậu quả tài chính không phải là lớn khi bị giảm hay không còn nguồn xuất khẩu khí đốt sang Châu Âu. Trái lại, tạo ra tình trạng khan hiếm khí đốt sẽ đẩy giá khí đốt lên cao, bù đắp cho khối lượng xuất khẩu giảm. Nhờ vào việc hạn chế hay đe dọa ngừng cấp khí đốt mà năm nay Nga có thể sẽ tăng gấp đôi thu nhập từ khí đốt, theo đánh giá của giới chuyên gia.

Liên Âu, trước nguy cơ khủng hoảng, hơn bao giờ hết cần đến sự đoàn kết. Thế nhưng ông Putin đã biết sử dụng khí đốt là vũ khí để chia rẽ các nước trong Liên Hiệp. Đơn cử một việc: Ngay sau khi Bruxelles đề nghị các nước đồng lòng cắt giảm 15% tiêu thụ khí đốt, lãnh đạo ngoại giao Hungary đã vội vàng có chuyến công du Matxcơva. Mục đích chính là để mua thêm khí đốt của Nga. Ai cũng đã thấy Budapest luôn phản đối chủ trương trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu và dường như chưa bao giờ có ý định thoát khỏi lệ thuộc vào dầu lửa và khí đốt Nga. 

Trước khả năng kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra là Nga cắt hoàn toàn khí đốt, chiến lược của Châu Âu nhằm vào 3 hướng : Thay thế nguồn khí đốt Nga, đoàn kết và tiết kiệm năng lượng. Kịch bản tồi tệ đó sẽ đẩy Châu Âu vào suy thoái kinh tế, khủng hoảng xã hội, rối ren chính trị và khiến Liên Hiệp Châu Âu suy yếu.

Ông Vladimir Putin giờ đây mắt hướng về chiến trường miền Đông Ukraina, nhưng tay luôn đặt trên khóa van đường ống dẫn khí sang châu Âu, sẵn sàng ra đòn cân não với phương Tây. Chuyên gia về chính sách năng lượng Châu Âu Simone Tagliapetra, được nhật báo Libération trích dẫn, nhận định : « Châu Âu đang ở giữa cơn bão năng lượng và có thể sẽ không có đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu cho mùa đông này. Giờ đây, rõ ràng là chiến lược của Putin là làm suy yếu sự hậu thuẫn của Châu Âu cho Ukraina bằng cách dùng khí đốt như một thứ vũ khí ». 

Khí đốt : Nga dồn châu Âu vào thế khó

Đăng ngày: 27/07/2022

Đường ống dẫn khí Nord Stream 1 (xanh) nối liền Greifswald-Đức với Vyborg-Nga xuyên qua lòng biển Baltic. Wiki Commons

Phan Minh

Châu Âu sống sót như thế nào qua mùa đông tới mà không có khí đốt của Nga ? Đây là chủ đề được các tờ báo Pháp chú ý nhiều nhất trong ngày 27/07/2022

Nhật báo thiên hữu Le Figaro tỏ ra bi quan với tựa trang nhất « Châu Âu khốn khổ trước lời đe dọa của Putin ». Châu Âu có thể sẽ chuẩn bị đối mặt với tình huống xấu nhất. Trong khi 12 quốc gia thành viên Liên Hiệp châu Âu (EU) đã bị cắt toàn bộ hoặc một phần khí đốt của Nga, tổng thống Vladimir Putin một lần nữa gia tăng áp lực với Liên Âu hôm 25/07/2022, khiến cho giả thuyết về một mùa đông không có khí đốt của Nga có thể trở thành hiện thực và điều này sẽ là một thảm kịch đối với lục địa già.

Chưa đầy một tuần sau khi đường ống dẫn khí Nord Stream 1 hoạt động trở lại, tập đoàn Gazprom đã thông báo sẽ giảm năng suất đường ống. Từ hôm nay, lưu lượng của đường ống vốn chỉ hoạt động 40% công suất, sẽ giảm xuống còn 20%. Theo chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, hành động này của Matxcơva càng khiến mọi người nhận thấy rằng Nga không phải là một nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy.

Điện Kremlin đã hành động như vậy vào lúc châu Âu đang phải vật lộn để lấp đầy kho dự trữ khí đốt của mình, vốn phải đạt 80% trước khi mùa đông bắt đầu, so với mức 65% vào thời điểm hiện tại. Theo tính toán của Ủy Ban Châu Âu, 2/3 lượng khí đốt dự trữ sẽ chỉ đủ tiêu thụ trong vòng 46 ngày vào mùa đông. Nhà nghiên cứu tại viện Jacques Delors Nguyễn Phúc Vinh giải thích : « Vladimir Putin đang gia tăng áp lực đối với Liên Âu. Với việc Nga giảm bớt lượng khí đốt cung cấp cho EU, các quốc gia thành viên sẽ không thể lấp đầy kho dự trữ khí đốt của mình lên 80%, cùng lắm lượng khí dự trữ sẽ chỉ đạt 70% và điều này là không đủ. »

Về phần mình, nhật báo thiên tả Libération có bài phỏng vấn chuyên gia năng lượng Thierry Bros, trường Khoa Học Chính Trị Paris (Sciences Po Paris). Ông cho rằng, Nga sẽ không dại gì mà cắt toàn bộ khí đốt cung cấp cho châu Âu, bởi nếu đưa ra quyết định này, tổng thống Putin sẽ tự mình đánh mất thu nhập 100 triệu euro mỗi ngày, một khoản tiền không hề nhỏ. Nhưng quan trọng nhất là điều đó sẽ chứng minh cho dự báo của Liên Âu, vốn đã lường trước một viễn cảnh như vậy.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraina, tổng thống Nga đã chơi trò mèo vờn chuột với những nguyên tắc bất định. Putin là bậc thầy của trò chơi này và đó là điều mà các nước châu Âu đã thấy, khi ông yêu cầu họ thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Và nhiều nước do sợ bị cắt khí đốt đã đồng ý làm theo yêu cầu của ông.

Cũng theo chuyên gia Bros, Liên Âu sẽ phải tìm cách giảm lượng tiêu thụ và tìm lượng khí đốt bổ sung. Châu Âu đang chuyển sang mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Bangladesh hay Pakistan. Các nước sản xuất khí đốt khác, như Na Uy, Azerbaijan hoặc Algeri cũng đang được châu Âu để ý và nhiều hợp đồng đã được ký kết trong những tuần gần đây, điển hình là việc bà Ursula von der Leyen đã ký một thỏa thuận ở Baku để tăng gấp đôi lượng khí đốt nhập khẩu từ Azerbaijan. Hoa Kỳ đã phần nào giúp EU vượt qua cuộc khủng hoảng này, cam kết vào cuối tháng 3 sẽ cung cấp thêm 15 tỷ mét khối cho châu Âu vào cuối năm.

« Chính trị thực dụng » của phương Tây

Vẫn về chủ đề khí đốt, xã luận tờ Libération nói về « chính trị thực dụng » của các nhà lãnh đạo phương Tây. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, các nhà lãnh đạo vốn bị chỉ trích về các hành động vi phạm nhân quyền hay tham nhũng nay đã trở thành những người bạn yêu quý của các nước phương Tây. Tổng thống Mỹ Joe Biden trong mấy tháng gần đây đã tay bắt mặt mừng với Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed ben Salmane, vốn bị liệt vào danh sách đen kể từ sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, trong khi cựu thủ tướng Ý Mario Draghi trước khi từ chức đã được tổng thống Algeri Abdelmadjid Tebboune tiếp đón nồng hậu ở Alger.

Về phần mình, nguyên thủ quốc gia Pháp Emmanuel Macron đã tiếp đón « người anh em », đồng nhiệm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất Mohammed ben Zayed Al Nahyane. Thực ra không phải phương Tây đã thay đổi đường lối chính trị, mà đây chỉ là realpolitik (chính trị thực dụng). Cuộc chiến ở Ukraina đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện năng lượng thế giới. Phương Tây và châu Âu đã chợt nhận ra rằng họ đã quá phụ thuộc vào Nga. Do việc các nước thành viên EU không phụ thuộc vào cùng một tỷ lệ khí đốt của Nga, nhiều nước đã quyết định tự đàm phán riêng với các nhà cung cấp khác. Liệu việc EU ký một hợp đồng 30 năm (một điều kiện do các nhà cung cấp yêu cầu) với các quốc gia như Algeri hoặc Ả Rập Xê Út  có hợp lý hay không khi mục tiêu cuối cùng là giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch ? Vì không lường trước được những gì sẽ xảy ra, châu Âu giờ đây sẽ chỉ có một lựa chọn là đoàn kết và giảm tiêu thụ năng lượng.

Bài Liên Quan