Ukraina: Nhà máy điện hạt nhân không được thiết kế để chống hành động chiến tranh

Đăng ngày: 19/08/2022

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở thành phố Enerhodar (Ukraina) bị Nga kiểm soát. Ảnh chụp ngày 04/08/2022. REUTERS – Alexander ErmochenkoAugust 4, 2022. REUTERS – Alexander Ermochenko

Phan Minh

Các tờ báo Pháp hôm nay 19/08/2022 quan tâm đến nhiều chủ đề khác nhau. 

Nhật báo kinh tế Les Echos có bài phỏng vấn Olivier Gupta, chủ tịch Hiệp Hội Hạt Nhân Dân Sự Châu Âu. Ông Gupta giải mã những rủi ro treo lơ lửng trên các nhà máy điện hạt nhân của Ukraina bị « mắc kẹt » trong chiến tranh và những băn khoăn về điều kiện hoạt động của nhà máy Zaporijjia, nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu, hiện đang do lực lượng Nga kiểm soát. 

Khi được hỏi về tình hình hiện tại ở các nhà máy điện hạt nhân của Ukraina, ông Gupta nhận định rằng an toàn của các cơ sở hạt nhân ở Ukraina đã bị suy yếu, mặc dù hiện này vẫn chưa xảy ra một vụ tai nạn hoặc « tiền tai nạn » nào. Sau mỗi sự kiện có thể ảnh hưởng đến an toàn của nhà máy, các chuyên gia sẽ phân tích tình hình trong khuôn khổ Hiệp hội các cơ quan có thẩm quyền về an toàn hạt nhân của các nước Tây Âu. 

Đã có những thiệt hại ở khu vực lân cận của các trạm phát điện. Các đường dây điện cung cấp cho nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu với 6 lò phản ứng đang hoạt động, đã bị ảnh hưởng. Đây là một vấn đề không nhỏ, bởi một nhà máy điện hạt nhân cần liên tục được cung cấp nước và điện để làm mát, ngay cả lúc lò phản ứng không hoạt động. 

Zaporijjia vẫn chưa bị ngắt hoàn toàn khỏi mạng lưới điện, và còn có các máy phát điện khẩn cấp chạy bằng dầu diesel. Tuy nhiên, đây là những sự kiện làm suy yếu sự an toàn của nhà máy. Ở giai đoạn này, không có hiện tượng phóng xạ bất thường nào được phát hiện bởi các máy cảm biến ở Ukraina hay các nơi khác ở châu Âu. Nếu có một hiện tượng phóng xạ dù chỉ là nhỏ, chúng ta sẽ biết rất nhanh. 

Theo ông Gupta, ngoài thiệt hại về vật chất, chiến tranh có khả năng làm mất ổn định chuỗi cung ứng, có thể gây ra hậu quả đối với an toàn hạt nhân. Điều cần phải làm bấy giờ là tăng cường nhân công từ nước ngoài để có đủ nhân lực làm công tác bảo trì nhà máy, cũng như nhập các vật tư tiêu hao cần thiết phục vụ việc duy trì hoạt động nhà máy. Chuỗi hậu cần hiện đang bị gián đoạn ở nhà máy Zaporijjia, nhưng các chuyên gia vẫn chưa xác định được ở mức độ nào. 

Mức độ an toàn của nhà máy Zaporijjia có thể sánh ngang với các nhà máy điện khác của châu Âu. Đây là một nhà máy do Nga thiết kế, nhưng Ukraina cũng đã nhiều lần sửa chữa. Ở đây có 6 lò phản ứng nước áp lực, cùng loại với những lò phản ứng ở những nơi khác ở châu Âu, và không sử dụng công nghệ RBMK như ở Tchernobyl. Zaporijjia, giống như tất cả các nhà máy điện ở châu Âu, đã trải qua các cuộc kiểm tra khắt khe sau khi xảy ra sự cố nhà máy Fukushima ở Nhật. Nhà máy Zaporijjia đã có các cải tiến, đặc biệt là với việc bổ sung máy phát điện diesel và các phương tiện khẩn cấp di động khác nhau. Hơn nữa, Hiệp hội các cơ quan có thẩm quyền về an toàn hạt nhân đã soạn thảo các thông số kỹ thuật cho các thử nghiệm khắt khe này. 

Các nhà máy điện hạt nhân là một trong những hệ thống công nghiệp vững chắc nhất, chúng được thiết kế để chống lại sét, gió mạnh hay động đất. Tường của các nhà máy hạt nhân được xây bằng bê tông dày, và chúng cũng sở hữu nhiều hệ thống an ninh khác. Tuy nhiên, các nhà máy không được thiết kế để chống chọi với những hành động chiến tranh và đây là điều cần phải lưu ý. 

Bài Liên Quan