Putin sẽ gặp Tập Cận Bình và đưa Nga ‘xoay trục về châu Á’

Putin và Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 4/2/2022
Chụp lại hình ảnh,Putin và Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 4/2/2022

Sau các phát biểu quan trọng về định hướng châu Á của Nga tại Vladivostok, Tổng thống Vladimir Putin sẽ gặp mặt Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình tại Uzbekistan tuần tới.

Với Trung Quốc, cuộc gặp dự kiến diễn ra Uzbekistan bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organisation – SCO) vào các ngày 15-16 tháng 9 này cũng có ý nghĩa quan trọng cho hình ảnh của Chủ tịch Tập.

Vào tháng sau, Trung Quốc sẽ khai mạc Đại hội của Đảng Cộng sản lần thứ 20 để thông qua điều giới quan sát đã nói từ lâu: nhiệm kỳ ba của ông Tập ở vị trí lãnh đạo tối cao.

Đây là lần đầu tiên ông Tập xuất ngoại kể từ khi Trung Quốc có dịch Covid, không kể lần đi xe lửa sang Hong Kong gần đây, và chuyến thăm sẽ đưa ông tới Kazakhstan và Uzbekistan.

Dùng đồng nhân dân tệ và rouble

Cũng trong tuần này, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga tuyên bố họ sẽ dùng đồng tiền của Nga và Trung Quốc trong giao dịch bán khí đốt cho Trung Quốc.

Trang Al Jazeera hôm 08/09/2022 đánh giá việc Nga dùng đồng rouble và nhân dân tệ trong mua bán khí đốt với Trung Quốc “đánh dấu việc Nga tránh bị phụ thuộc vào hệ thống tài chính của Hoa Kỳ, vì kinh tế đang bị nhiều lệnh trừng phạt sau cuộc chiến của Nga ở Ukraine”.

Theo đánh giá của trang phân tích thời sự Geopolitical Futures (GPF) tại Hoa Kỳ thì các động thái của Nga, gồm cả việc ông Putin gặp thủ tướng chính quyền quân nhân Myanmar Min Aung Hlaing tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông, cho thấy Nga ngày càng nghiêng về châu Á. Myanmar đã ngỏ ý muốn mua dầu của Nga.

Trang này cũng nói Ấn Độ và Việt Nam “đều đã bày tỏ mong muốn phát triển hợp tác năng lượng với Nga” tại Diễn đàn Eastern Economic Forum diễn ra tại Vladivostok 5–8 tháng 9/ 2022.

Cũng tại sự kiện này, ông Putin công bố khai trương tuyến xe lửa chuyên trở ngũ cốc Zabaikalsky Grain Terminal ở Nga, với công suất vận chuyển 8 triệu tấn một năm.

“Nga mở các cánh cửa vào Trung Á, Trung Đông và Trung Quốc để bán ngũ cốc và các loại nguyên liệu, với ước tính doanh thu chỉ trong bảy tháng đầu năm nay đạt 93 tỷ USD, theo Bộ Phát triển Kinh tế Nga. Được biết, Nga sẽ hoàn tất thỏa thuận chuyển khí đốt sang Trung Quốc qua Mông Cổ,” trang GPF cho biết.

Nga ‘xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương’?

Trên thực tế, các phát ngôn mang tính định hướng của lãnh đạo Liên bang Nga về chiến lược “xoay trục về châu Á” đã được nêu ra từ lâu, ít nhất là từ các năm 2013-14.

Thế nhưng, đến 2019, Nga chưa có chính sách cụ thể cho chiến lược này, khiến một thinktank tại Úc, Viện Lowy, đặt câu hỏi “Liệu Kremlin có nghiêm túc về việc xoay chiều sang châu Á-TBD?”

Các phân tích của Phương Tây, Úc và Nhật Bản đánh giá rằng từ lâu nay Nga muốn xác lập vị trí như ‘thế lực thứ ba’ (the third force), trong địa chính trị châu Á-Thái Bình Dương, bên cạnh Trung Quốc và khối đồng minh Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc…

Cùng lúc, Nga tham gia khối BRIC với Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc, với hy vọng đa dạng hóa các tuyến tác động ngoại giao quốc tế. Việc xây đắp quan hệ của Moscow với ASEAN cũng cần được chú ý vì bị bỏ rơi lâu nay, theo đánh giá của GS Richard Javad Heydarian trong một bài hồi đầu 2022.

Nhưng cuộc chiến ông Putin phát động tại Ukraine tháng 2 năm nay và các lệnh trừng phạt hà khắc sau đó giáng vào kinh tế, ngoại giao Nga khiến việc xoay trục về châu Á được đẩy nhanh bất ngờ.

Thời điểm cho chiến lược này không phải là tốt cho Nga vì dịch Covid cho thấy khả năng ứng phó, sản xuất, tiêm vaccine của Nga kém hơn Phương Tây.

Nếu không xác lập được vai trò ‘thế lực thứ ba’, câu hỏi cho Nga là hiện bị cô lập và suy yếu ở phần châu Âu, việc xoay sang châu Á có khiến nước này rơi vào cảnh trở thành đối tác đàn em (junior partner) của Trung Quốc hay là không.

Thậm chí, như ý kiến của cựu đô đốc Mỹ James Stavridis bình luận trên Newsweek hôm 07/09/2022 về “nhà chiến lược tồi tệ Putin”, Nga có nguy cơ trở thành “đối tác đàn em rất bé” (very junior partner) của Trung Quốc trong những năm tới.

Drone
Chụp lại hình ảnh,Nga sản xuất nhiều vũ khí hạng nặng nhưng Trung Quốc lại dẫn trước Nga về drone vũ trang (trong hình)

Bài Liên Quan