Trung Quốc : Những thách thức đối với Tập Cận Bình trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 20

Đăng ngày: 04/10/2022

Tổng bí thư, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Samarkand, Uzbekistan ngày 16/09/2022. AP – Sergei Bobylev

Phan Minh

Trong bối cảnh Bắc Kinh tổ chức Đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20 vào ngày 16/10 tới, tổng bí thư Tập Cận Bình đang đối mặt với nhiều trở ngại về mặt kinh tế, xã hội, chính trị và chiến lược. Tuy nhiên, ông vẫn tự tin sẽ đắc cử nhiệm kỳ thứ ba. Đó là nội dung của bài viết trên trang mạng Asialyst ngày 07/09/2022. RFI xin trích dịch.

Thiên tai gần đây nhất là một trong những đợt nắng nóng tồi tệ nhất đã ảnh hưởng đến một phần lớn lãnh thổ Trung Quốc kể từ cuối tháng 8 tới mức đe dọa đến thu hoạch mùa thu và gây ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng ở nhiều thành phố trên cả nước. Đợt hạn hán này kết hợp với những khó khăn kinh tế mà Trung Quốc đã phải trải qua kể từ năm ngoái và đang tiếp tục gia tăng. Theo tờ New Scientist, đợt nắng nóng ập vào Trung Quốc vừa qua là đợt “khắc nghiệt nhất từng được ghi nhận trên hành tinh”, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất năng lượng, phân phối nước và sản xuất nông nghiệp. 

Cùng với nắng nóng khắc nghiệt là những cơn mưa nhỏ đã khiến mực nước sông, hồ giảm mạnh, trong đó có 66 sông hồ đã bị khô cạn hoàn toàn. Theo New Scientist, tại một số nơi trong lưu vực sông Dương Tử, mực nước giờ đây đã cạn xuống đến mức thấp nhất kể từ năm 1985. Tại thung lũng này, 2,2 triệu hec-ta cây trồng bị ảnh hưởng. Mặt hồ Bà Dương ở Giang Tây, hồ dự trữ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, hiện giảm 67% so với mức trung bình của 10 năm qua. 

Khả năng sản xuất thủy điện toàn quốc đã giảm mạnh. Tứ Xuyên, nơi thủy điện chiếm 80%, đã bị ảnh hưởng trầm trọng, với sản lượng thủy điện giảm 50%. Riêng tỉnh này đã có 47.000 hec-ta mùa màng bị mất trắng. Ở một số vùng, các điểm dự trữ nước ở địa phương đã cạn kiệt và nước uống phải được chở đến bằng xe tải. 

Nhà chức trách Trung Quốc hiện yêu cầu người dân, các trung tâm thương mại và các sân bay giảm mạnh việc sử dụng điều hòa không khí. Theo New Scientist, hàng nghìn nhà máy đã phải đóng cửa do thiếu điện. Nhưng cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đến mức, nhà chức trách đã quyết định khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than cực kỳ ô nhiễm ở một đất nước mà tình trạng ô nhiễm tàn khốc có thể nhìn thấy ở khắp mọi nơi. 

Tăng trưởng quá thấp, nhu cầu èo uột

Tình trạng trên diễn ra cùng với hệ quả của việc chính quyền đối phó tồi tệ với đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang có những dấu hiệu rất đáng lo ngại về nguy cơ giảm mạnh. Dự báo chính thức về tăng trưởng GDP là 5,5% vào năm 2022 có khả năng không đạt được. Một số chuyên gia dự đoán con số này sẽ chỉ đạt mức 3%. 

Trong 40 năm qua, tăng trưởng trung bình hàng năm của Trung Quốc là gần 10%, thì giờ đây, tốc độ tăng trưởng đã giảm xuống dưới 5% trong quý cuối cùng của năm 2022. Tăng trưởng của Trung Quốc chỉ đạt 0,4% trong quý 2 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. 

Dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang lo lắng là vào ngày 15/08, ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã hạ lãi suất chỉ đạo để tái thúc đẩy mức cầu đang yếu kém. Lãi suất giảm 5 điểm đối với các khoản vay dài hạn, từ 3,7% xuống còn 3,65%, trong khi đó lãi suất các khoản vay 5 năm giảm 15 điểm, từ 4,45% xuống mức 4,3%. 

Nhưng rủi ro vẫn còn đó. Nhiều thành phố của Trung Quốc, bao gồm cả những thành phố rất mạnh về sản xuất, đã tiếp tục áp dụng các biện pháp phong tỏa hà khắc. Đây là điều xảy ra hôm 05/09 tại thành phố Thẩm Quyến ở miền nam Trung Quốc, nơi các biện pháp phong tỏa một lần nữa lại được ban hành. 

Người gióng lên hồi chuông cảnh báo trong nước là nhà sáng lập tập đoàn viễn thông khổng lồ Hoa Vi, Nhậm Chính Phi. Trong một tài liệu mật bị rò rỉ, ông Nhậm nhấn mạnh rằng « tất cả mọi người » ở Trung Quốc « sẽ cảm nhận được » sự suy giảm của nền kinh tế quốc gia. Theo tài liệu nội bộ của đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông chủ Hoa Vi cho rằng, « Thập kỷ tới sẽ đi vào lịch sử với một giai đoạn đau đớn khi nền kinh tế toàn cầu suy thoái » và « trong quá khứ, chúng ta theo đuổi lý tưởng toàn cầu hóa và khát vọng của chúng ta là phục vụ toàn thể nhân loại. Lý tưởng của chúng ta ngày nay là gì ? Sống sót và kiếm một số tiền ở những nơi chúng ta có thể kiếm. Từ quan điểm này, chúng ta cần điều chỉnh cơ cấu của thị trường và suy nghĩ xem điều gì có thể làm và điều gì nên từ bỏ ». 

Nhật báo Nhật Bản Nikkei Asia cho biết, ngay sau khi được công bố, những nhận xét này của ông Nhậm Chính Phi lập tức lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, gây ra phản ứng hoảng sợ đối với hơn 100 triệu người dùng Internet, trước khi bị kiểm duyệt và gỡ bỏ. 

Các nhà đầu tư nước ngoài

Thiệt hại về kinh tế do cách ứng phó chống dịch Covid-19 cũng khiến nhiều nhà đầu tư phương Tây rời Trung Quốc. Nhiều người trong số họ hiện đang suy nghĩ xem có nên đầu tư vào quốc gia này hay không. Theo cuộc khảo sát do Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Trung thực hiện hàng năm, việc phong tỏa hàng trăm triệu người Trung Quốc và những biện pháp hạn chế tới Trung Quốc đã trở thành thách thức nghiêm trọng đối với hoạt động của các nhà máy nước ngoài tại nước này. Trong số 117 công ty đa quốc gia được hỏi trong cuộc khảo sát, hơn một nửa cho biết hiện “ít lạc quan hơn” về tương lai kinh doanh của họ ở Trung Quốc. 

Cuộc chiến chống Covid-19 dường như kéo dài bất tận ở Trung Quốc. Hầu như mỗi ngày, người dân đều được thông báo về việc lại thêm một thành phố bị phong tỏa. Kể từ cuối tuần trước, hàng chục triệu người một lần nữa đã được yêu cầu ở nhà và tổng cộng, khoảng 100 triệu người Trung Quốc vẫn đang bị phong tỏa, mặc dù số lượng ca nhiễm bệnh không còn nhiều. 

Mối đe dọa về khủng hoảng tài chính có hệ thống

Hơn nữa, cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đang trải qua trong một năm qua cũng trở nên trầm trọng hơn. Nếu không có trợ giúp của Nhà nước, sẽ có một phần ba các nhà phát triển bất động sản chính có thể vỡ nợ vào cuối năm nay… 

Cuộc khủng hoảng bất động sản này thực ra chỉ là phần nổi của tảng băng minh họa cho tình trạng mắc nợ khổng lồ của Trung Quốc. Điều này làm dấy lên mối đe dọa về một cuộc khủng hoảng tài chính có hệ thống ở Trung Quốc. Nếu nổ ra, cuộc khủng hoảng này có thể gây ra hiệu ứng domino đối với các nền kinh tế trên thế giới bởi vì Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. 

Đài Loan : thị uy phản tác dụng ?

Mặt khác, trên mặt trận địa chiến lược, chính quyền Trung Quốc chắc chắn phải thấy là những đe dọa can thiệp vũ trang vào Đài Loan và nhiều hoạt động dọa nạt nhắm vào hòn đảo không tạo ra hiệu quả như mong đợi. Ngược lại, người dân Đài Loan hơn bao giờ hết ủng hộ hòn đảo độc lập. 

Do đó, tờ New York Times đã đưa tin vào ngày 19/01 về sự gia tăng của số người dân cảm thấy mình là người Đài Loan chứ không phải người Trung Quốc. Nếu hơn 90% người dân biết rằng nguồn gốc của mình ở Trung Quốc, thì hơn bao giờ hết, họ vẫn tự cảm thấy mình là người Đài Loan, đi kèm với một bản sắc văn hóa khác với bản sắc văn hóa của Trung Quốc đại lục. Điều này đã trở nên rõ ràng hơn kể từ đầu năm với sự gia tăng của các cuộc tập trận không quân và hải quân của quân Giải phóng Nhân dân (PLA) gần bờ biển Đài Loan cũng như với sự gia tăng của chủ nghĩa độc tài ở Trung Quốc đại lục. Hồi tháng 1 năm ngoái, 60% trong số 23 triệu dân của hòn đảo tự nhận mình là người Đài Loan chứ không phải người Trung Quốc, gấp ba lần so với năm 1992, theo kết quả một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Bầu cử của Đại học Chenchi ở Đài Bắc và được nhật báo Mỹ trích dẫn. Ngày nay, chỉ có 2% người được hỏi xác định mình là người Trung Quốc, so với 25% cách đây 30 năm. 

Một hệ quả khác, ngân sách quân sự của Đài Loan cho năm 2023 đạt mức kỷ lục 523,4 tỷ NTD (17,3 tỷ đô la), tăng 14,9% so với năm 2021. Ngân sách này vẫn còn chờ Quốc Hội Đài Loan thông qua. Theo bộ Quốc phòng Đài Loan, 446 máy bay Trung Quốc, chủ yếu là máy bay chiến đấu, đã đi vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan trong tháng 8, so với 380 máy bay được ghi nhận trong năm 2020. 

Về phần Hoa Kỳ, ngày 02/09, Washington thông báo hợp đồng bán vũ khí cao kỷ lục cho Đài Loan, trị giá 1,1 tỷ đô la. Kể từ năm 2010, tổng số tiền vũ khí mà Mỹ bán cho hòn đảo lên tới 35 tỷ đô la. 

Như thường lệ, Bắc Kinh yêu cầu Washington “hủy bỏ ngay lập tức” các thương vụ bán vũ khí, vì lo ngại các giao dịch này « ảnh hưởng nhiều đến quan hệ với Mỹ cũng như hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết. Các phát biểu này phản ánh luận điệu mà chính quyền Trung Quốc thường xuyên sử dụng. 

 Quan hệ nguy hiểm với Nga : mối đe dọa về các trừng phạt của phương Tây

Một vấn đề nóng bỏng khác là « con đường tơ lụa mới ». Dự án khổng lồ này được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố vào năm 2013, một năm sau khi ông nhậm chức. Dự án bao gồm việc xây dựng vô số cảng, sân bay, đường sắt và các cơ sở hạ tầng khác ở các nước mới trỗi dậy. Sự phá sản của Sri Lanka, hiện đang nợ chồng chất các ngân hàng Trung Quốc, minh họa cho mặt tối, bất lợi của dự án, khiến nhiều quốc gia rơi vào “bẫy nợ” này. Không thể trả được các khoản nợ, các nước này buộc phải từ bỏ chủ quyền khi ký với Trung Quốc các hợp đồng tô nhượng 99 năm đối với các cơ sở hạ tầng mà Bắc Kinh đã tài trợ. 

Để đối phó với tình trạng phá sản liên tiếp này, Liên Hiệp châu Âu (EU) và Hoa Kỳ đã công bố các chương trình viện trợ phát triển cho các nước châu Phi và Đông Nam Á. Chương trình châu Âu hiện đã lên tới 600 tỷ đô la. Dường như các chương trình này được lập ra quá muộn khi đối mặt với chương trình của Trung Quốc, vào lúc Bắc Kinh đã thu hút được hơn 150 quốc gia ? Terence Wood, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Phát triển, một tổ chức tư vấn của Úc, được Nikkei Asia trích dẫn cho biết : « Hiện tượng « cuồng Trung » khiến các nhà chính trị của chúng ta đưa ra những quyết định vội vàng. » Đối với nhà nghiên cứu này, một số nước là đối tác của Trung Quốc coi những chương trình viện trợ của phương Tây như là một phản ứng chính trị đối với những gì được coi là mối đe dọa từ Trung Quốc hơn là một kế hoạch viện trợ vô tư (không tư lợi). 

Một bài báo khác của Nikkei Asia đăng ngày 22/08 đã làm sáng tỏ những hậu quả to lớn đối với nền kinh tế Bắc Kinh do các biện pháp trừng phạt có thể được ban hành của phương Tây nhắm vào Trung Quốc nếu nước này bị phát hiện là đi quá xa trong việc hỗ trợ Nga trong cuộc xâm lược Ukraina. Theo một nghiên cứu của Quốc Vụ Viện Trung Quốc (chính phủ) được thực hiện vào tháng 4 năm ngoái và văn bản bị rò rỉ ở Nhật Bản, các lệnh trừng phạt này sẽ có « tác động thảm khốc đối với Trung Quốc » và nước này « sẽ quay trở lại một nền kinh tế kế hoạch hóa, cô lập với thế giới. Do vậy, điều này thực sự có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực » do những thiệt hại mà các lệnh trừng phạt này gây ra khi việc nhập khẩu các thực phẩm thiết yếu bị gián đoạn. 

Cụ thể, việc ngừng nhập khẩu đậu nành sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng cho các chuỗi thực phẩm của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào loại sản phẩm này, trong khi việc giảm hoặc ngừng xuất khẩu chúng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về doanh thu. Đậu nành cần thiết cho việc sản xuất dầu ăn cũng như để làm thức ăn cho lợn, chiếm 60% lượng thịt mà người Trung Quốc tiêu thụ. 

Theo Nikkei Asia, một cuộc khủng hoảng lương thực có thể dẫn đến bất ổn xã hội, đe dọa trực tiếp đến đảng Cộng Sản Trung Quốc. Một nhân viên giấu tên của một công ty môi giới Trung Quốc giải thích : “Việc tăng giá thịt lợn có tính chất chính trị bởi vì, thông qua tác động lây lan, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến giá thịt bò và gia cầm”. Điều này làm gợi nhớ đến cuộc khủng hoảng lương thực mà Trung Quốc từng đối mặt vào năm 1989. 

Năm đó, vụ thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn đã khiến giá cả ở Trung Quốc tăng rất mạnh, ước tính từ 20% đến 30%. Cuộc khủng hoảng này đã khiến nhà chức trách yêu cầu các công ty sản xuất thịt giảm giá, mức tăng đã lên tới hơn 40% trong vòng một tháng sau ngày 04/06/1989.

Bài Liên Quan