Iran: Thế hệ Gen Z ‘biểu tình vì một tương lai khác, dù phải chết’

14 tháng 10 2022

Parham Ghobadi

BBC Iran

Iran
Chụp lại hình ảnh,Trước khi chết, Sarina Esmailzadeh, 16 tuổi, nói rằng thế hệ của cô muốn sống như những người trẻ ở New York

Các cuộc biểu tình chống lại sự cai trị mang tính tôn giáo đã lan rộng hơn bao giờ hết thông qua thế hệ trẻ của Iran.

Họ có cha mẹ và ông bà đã từng cố gắng nhưng không thay đổi được hệ thống từ bên trong.

Trong các tin nhắn video và trên mạng xã hội, các nạn nhân trẻ tuổi của một cuộc đàn áp bạo lực giải thích lý do tại sao họ lại liều mạng thách thức chính quyền.

Trên mạng xã hội đầy rẫy những đoạn video quay cảnh họ tháo bức chân dung của Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei xuống, xé toạc và rồi đốt nó.

“Nếu chúng ta không đoàn kết, từng người một, chúng ta sẽ trở thành Mahsa Amini tiếp theo” là một trong số những lời kêu gọi khác của họ.

Ý họ đề cập đến người phụ nữ trẻ người Kurd đã chết sau khi bị cáo buộc đội khăn trùm đầu “không đúng cách”.

Các cuộc biểu tình về cái chết không có dấu hiệu giảm bớt, bất chấp phản ứng bạo lực từ nhà chức trách.

Một TikToker 22 tuổi tên là Hadis Najafi đã quay video bằng điện thoại khi cô ấy đi đến một cuộc biểu tình, mơ về một tương lai tốt đẹp hơn.

“Tôi hy vọng trong một vài năm khi tôi nhìn lại, tôi sẽ hạnh phúc vì mọi thứ đã thay đổi theo chiều hướng tốt hơn”, cô nói, khi màn đêm buông xuống xung quanh mình, trong đoạn video mà BBC Iran có được.

Gia đình của Hadis nói với tôi rằng cô ấy đã bị bắn chết gần một giờ sau đó.

Trong một đoạn video trên mạng xã hội, mẹ của cô cho biết cô có những vết thương do đạn bắn vào tim, bụng và cổ.

“Cô ấy đi làm về và nói rằng cô ấy đói nhưng trước khi ăn, cô ấy đi ra ngoài để biểu tình cho Mahsa Amini”, mẹ của cô nói.

Các nhóm nhân quyền cho biết hàng chục thanh niên, bao gồm cả trẻ em, đã bị giết trong các cuộc đàn áp của chính phủ. Nhiều người khác đã bị bắt.

Thế hệ Gen Z của Iran đang phải trả cái giá cuối cùng.

Iran
Chụp lại hình ảnh,Hadis Najafi, TikToker 22 tuổi, hy vọng khi nhìn lại sẽ thấy một Iran thay đổi – nhưng đã bị bắn chết

Hosein Ghazian, một nhà xã hội học người Iran, nói rằng sự phổ biến của mạng xã hội là một yếu tố dẫn đến các cuộc biểu tình, cùng với sự thất vọng hoàn toàn về cơ hội thay đổi.

“Thế hệ này cập nhật và nhận thức rõ hơn về thế giới họ đang sống,” ông nói. “Họ nhận ra cuộc sống có thể khác đi.”

Ông nói thêm: “Họ không thấy có triển vọng nào cho một tương lai tốt đẹp hơn với chế độ này và điều này mang lại cho họ sự can đảm.”

Sarina Esmailzadeh, một blogger video 16 tuổi, đã tóm lược thái độ không sợ hãi này.

“Chúng tôi không giống như thế hệ trước 20 năm trước, những người không biết cuộc sống bên ngoài Iran như thế nào”, cô nói trong một video trên kênh YouTube của mình.

“Chúng tôi tự hỏi tại sao chúng tôi không được vui vẻ như những người trẻ tuổi ở New York và Los Angeles?”

Những phụ nữ trẻ này sẵn sàng mạo hiểm mọi thứ để họ có thể sống một cuộc sống phẩm giá.

Sarina đã đi biểu tình và tử vong do những cú đánh hiểm ác vào đầu cô ấy, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế.

Iran phủ nhận điều này và nói rằng cô đã tự kết liễu mạng sống của mình bằng cách nhảy lầu.

Gia đình cô đang phải chịu áp lực phải chấp nhận câu chuyện của nhà nước và không nói với truyền thông.

Trong một video, Sarina hát theo bài hát Take Me to Church của Hozier. Được viết ra vì thất vọng với ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo ở Ireland, bài hát đã trở thành một bài ca toàn cầu cho tự do.

Đối với Azadeh Pourzand, một nhà nghiên cứu nhân quyền, các cuộc biểu tình đại diện cho một thời điểm về sự thay đổi.

“Cách họ nói chuyện với nhau bằng những thuật ngữ đơn giản,” bà nói. “Họ thành công hơn nhiều so với chúng tôi trong việc truyền đạt yêu cầu và hy vọng của họ với thế giới.”

Bà nói rằng thế hệ trẻ này đã học hỏi từ cách cha mẹ và ông bà của họ tìm cách thay đổi hệ thống Hồi giáo từ bên trong nhưng thất bại.

Iran
Chụp lại hình ảnh,Azadeh Pourzand nói rằng những người trẻ tuổi đã học được từ những nỗ lực của cha mẹ và ông bà của họ để mang lại sự thay đổi

“Họ là tương lai của các thế hệ già hơn”, bà nói, ca ngợi lập trường dũng cảm của họ. “Họ muốn một cuộc sống mà họ không phải sợ hãi.”

Các cuộc biểu tình cũng có mối liên hệ cá nhân đối với bà.

Mẹ của bà, Mehrangiz Kar, là một trong những luật sư nhân quyền hàng đầu của Iran nhưng đã phải bỏ trốn khỏi đất nước.

“Mẹ đã nhận được món quà của mình, món quà cho cuộc đời đấu tranh của mẹ”, Azadeh cho biết mẹ của bà đã nói như vậy.

Giờ đây, tất cả các thế hệ của Iran đang theo dõi và chờ đợi.

Bài Liên Quan