Mỹ khuyến nghị CSVN thả các tù nhân lương tâm

Mỹ khuyến nghị Việt Nam thả 4 tù nhân lương tâm và thành viên Hội Anh em dân chủ

.

Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc. AFP

Đại diện Hoa Kỳ tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Ông Jason Ross Mack, hôm 22/1 tại Geneva, Thụy Sĩ khuyến nghị Việt Nam trả tự do cho ít nhất 4 tù nhân lương tâm mà theo ông này thì đó là “những người đã bị bắt độc đoán hoặc không phù hợp với pháp luật chỉ vì thực hiện các quyền con người của mình”.

Bốn tù nhân lương tâm được đại diện Hoa Kỳ nêu tên trong phiên Kiểm định định kỳ phổ quát về nhân quyền gồm: Hồ Đức Hòa, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Thị Nga, Nguyễn Bắc Truyển và các thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ.

Mỹ cũng khuyến nghị “loại bỏ điều 8, 18, 26 của Luật An Ninh Mạng vì nó không phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam hoặc không phù hợp với Hiến pháp năm 2013.”

Quan chức đại diện Hoa Kỳ nêu rõ “Đảm bảo việc thực thi nhất quán luật về tín ngưỡng tôn giáo, đặc biệt ở cấp độ địa phương trong đó đặc biệt liên quan đến tôn trọng, ghi nhận đăng ký của các nhóm tôn giáo ở Tây Bắc. Chúng tôi quan ngại rằng vẫn có những hành động chống lại những cá nhân bày tỏ ý kiến một cách hòa bình.”

Tại phiên UPR ở Geneva, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Sơn – đại diện Bộ Công an Việt Nam, phủ nhận việc các cơ quan chức năng nước này “gia tăng bắt giữ kết án những người bảo vệ nhân quyền các nhà hoạt động chính kiến một cách hòa bình.”

Theo ông Sơn, chỉ có những cá nhân vi phạm pháp luật bị bắt và kết án theo đúng quy định pháp luật.

Trước thềm diễn ra cuộc kiểm điểm định kỳ phổ quát UPR hôm 22/1, một liên minh các tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động thúc giục Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nêu soi rọi tình trạng cấm cách nhân quyền tại Việt Nam.

Theo báo cáo của các tổ chức xã hội dân sự, mặc dù Việt Nam chấp nhận 182 trong 227 khuyến nghị được đưa ra tại chu kỳ kiểm điểm UPR 2014; chính phủ Hà Nội ngày càng gia tăng hạn chế các quyền tự do ngôn luận, thông tin và hội họp.

Cụ thể, chính phủ Hà Nội đã tiến hành đợt đàn áp chính trị chưa từng có vào năm 2017, bỏ tù hoặc trục xuất hơn 25 blogger và các nhà hoạt động ôn hòa.

Nhóm Làm việc về UPR Việt Nam cùng với các tổ chức xã hội dân sự khác kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc gây áp lực đối với Hà Nội yêu cầu xóa bỏ các luật để hạn chế quyền tự do ngôn luận hoặc hội họp dưới chiêu bài an ninh quốc gia gồm Điều 109 qui định các hoạt động chống lại nhà nước và Điều 117 qui định về tuyên truyền chống nhà nước; hủy bỏ Luật An Ninh Mạng có yêu cầu các công ty lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam và tuân thủ luật địa phương trong việc chia sẽ dữ liệu người dùng; và trả tự do ngay lập tức cho các nhà hoạt động đang bị giam cầm, cải thiện tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam.

Nguồn: RFA

Bài Liên Quan