Họp thượng đỉnh Đông Á, Mỹ nói muốn tránh xung đột với TQ, Nga cáo buộc phương Tây ‘quân sự hóa’ Châu Á

Getty Images

13 tháng 11 2022

Tổng thống Joe Biden hôm Chủ Nhật, trước lúc tới Bali dự Hội nghị thượng đỉnh G20, nói với các lãnh đạo Á châu rằng các đường dây liên lạc của Hoa Kỳ với Trung Quốc sẽ vẫn được duy trì nhằm tránh để xảy ra xung đột.

Tuyên bố của ông được đưa ra tại kỳ họp đầu tiên trong ba kỳ họp thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới được tổ chức trong tuần này.

Phát biểu tại kỳ họp Thượng đỉnh Đông Á được tổ chức ở Campuchia, ông Biden nói rằng Hoa Kỳ sẽ cạnh tranh với Trung Quốc và sẽ lên tiếng về tình trạng nhân quyền của nước này, nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình tại Eo biển Đài Loan và việc đảm bảo quyền tự do đi lại ở Biển Đông.

Ông Biden nói rằng “Hoa Kỳ sẽ cạnh tranh mạnh mẽ… trong lúc duy trì việc mở các đường dây liên lạc và đảm bảo để việc cạnh tranh không chuyển thành xung đột,” thông cáo của Tòa Bạch Ốc nêu.

Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình tại Eo biển Đài Loan và việc đảm bảo quyền tự do đi lại ở Biển Đông

Có 18 quốc gia, chiếm phân nửa nền kinh tế toàn cầu, tham dự Thượng định Đông Á hôm Chủ Nhật, gồm các nước thành viên ASEAN, Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nga, Úc và New Zealand.

Nga cáo buộc phương Tây

Có mặt tại Phnom Penh đại diện cho Tổng thống Putin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc phương Tây đang “quân sự hóa” Đông Nam Á nhằm chặn các lợi ích của Trung Quốc và Nga tại khu vực có vị trí địa chiến lược then chốt này.

“Hoa Kỳ và các đồng minh, cùng với Nato đang tìm cách chiếm lấy không gian này,” ông Lavrov được hãng thông tấn Nga Tass dẫn lời, bằng các cách “liên quan tới việc quân sự hóa khu vực, với mục tiêu hiển nhiên là nhằm chặn các lợi ích của Trung Quốc, chặn các lợi ích của Nga tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương,” Ngoại trưởng Nga lên tiếng sau khi dự họp Thượng đỉnh Đông Á.

Một trong những điều cho thấy rõ việc này, ông Lavrov được Tass trích lời nói, là “việc thành lập khối quân sự Aukus, thứ hiện đang tích cực tìm cách dụ dỗ New Zealand, Canada và Nhật Bản”.

Ông Lavrov nói rằng Nato đang di chuyển thứ mà khối quân sự này gọi là tuyến phòng thủ của họ tới Biển Đông, nhằm nắm vai trò dẫn dắt ở khu vực.

“Nato không còn nói về việc là một khối liên minh đơn thuần nhằm phòng thủ nữa. Đó là khối phòng thủ khi Liên bang Xô Viết và Hiệp ước Warsaw tồn tại,” ông nói.

Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (áo xanh) đại diện cho Tổng thống Putin dự các hội nghị thượng đỉnh tuần này

“Kể từ đó, họ đã dịch chuyển tuyến phòng thủ của họ… tới gần biên giới của chúng tôi nhiều lần, và nay họ tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh Madrid trong hè rồi rằng họ có nghĩa vụ toàn cầu và rằng vấn đề an ninh của châu Âu – Đại Tây Dương và vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương là không thể tách rời.”

“Điều đó có nghĩa là họ trên thực tế nói rằng họ sẽ đóng vai trò dẫn dắt tại đây, và cái được gọi là tuyến phòng thủ đang được đưa tới Biển Đông,” ông Lavrov nói thêm.

Một tuần nhiều cuộc họp

Trong tuần này, kỳ họp Thượng đỉnh Khối G20 sẽ khai mạc tại Bali của Indonesia, và ông Biden sẽ gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề hội nghị.

Đây sẽ là lần gặp mặt đầu tiên giữa hai ông kể từ khi ông Biden nhận nhiệm sở, và vào thời điểm quan hệ song phương giữa hai siêu cường đang ở mức tồi tệ nhất kể từ nhiều thập niên qua.

Vào cuối tuần, diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra tại Bangkok.

Chủ đề cuộc chiến Ukraine được trông đợi sẽ nằm cao trong nghị trình thảo luận tại Bali và Bangkok, bên cạnh các vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, căng thẳng giữa hai bên Eo biển Đài Loan, Biển Đông và chuyện Bắc Hàn phóng tên lửa.

Có mặt tại Phnom Penh dự họp, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói nước ông đánh giá cao quan điểm của Campuchia tại các kỳ họp Liên Hiệp Quốc liên quan tới cuộc chiến Ukraine, và ông thấy “Campuchia hiểu rất rõ vấn đề Ukraine”.

Bài Liên Quan