Trung Quốc: Vương Hỗ Ninh đã trở thành ‘Đại quân sư’ như thế nào?

Vương Hỗ Ninh
Chụp lại hình ảnh,Ông Vương Hỗ Ninh tại lễ ra mắt Thường vụ mới Bộ Chính trị Trung Quốc sau Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 20 vào tháng 10 vừa qua

11 tháng 12 2022

Khi mọi ánh mắt đổ dồn xem chuyện gì đã thật sự diễn ra khi cựu lãnh đạo Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào bị dẫn ra khỏi phiên họp Đại hội Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh hồi tháng 10, một nhân vật quyền lực phía sau hậu trường đã nhẹ nhàng bước vào vị trí gây chú ý, theo một phân tích từ Reuters.

Vương Hỗ Ninh là một trong hai quan chức duy nhất trong Thường vụ cũ Bộ Chính trị được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái bổ nhiệm.

Ông Vương đã có một quan lộ khác thường để trở thành một ‘đại quân sư’ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đứng đằng sau hậu trường, Vương Hỗ Ninh được cho đã đóng một vai trò quan trọng trong vụ việc ông Hồ Cẩm Đào bị đưa ra khỏi Đại hội Đảng.

Khi đó, ông Lật Chiến Thư, ủy viên Bộ Chính trị mãn nhiệm, có vẻ như định đứng lên để giúp ông Hồ, 79 tuổi, dường như bối rối, nhưng sau đó ông Vương ở bên phải kéo ông Lật ngồi xuống.

Hành động tuy nhỏ nhưng lại được cho mang một ý nghĩa quan trọng. Dù cho đến nay chưa được diễn giải đầy đủ, nhưng hành động được nhìn nhận rộng rãi là sự kết thúc của bất kỳ tàn dư nào trong kỷ nguyên chính trị trước thời Tập Cận Bình.

Một điều mỉa mai là ông Vương, 67 tuổi, từng phụng sự trong thời của ông Hồ Cẩm Đào và người tiền nhiệm của ông Hồ là Giang Trạch Dân trước khi trở thành một trong những cố vấn thân cận nhất của Tập Cận Bình, với vai trò ‘đại quân sư’.

Đây là một đường hướng độc nhất trong một thời đại mà mọi thành viên thuộc Thường vụ Bộ Chính trị đều được xem là người trung thành với Tổng Bí thư Tập Cận Bình.

Ông Vương Hỗ Ninh, Hồ Cẩm Đào và Lật Chiến Thư tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20
Chụp lại hình ảnh,Ông Vương Hỗ Ninh, 67 tuổi, từng phụng sự trong thời của ông Hồ Cẩm Đào và người tiền nhiệm của ông Hồ là Giang Trạch Dân trước khi trở thành một trong những cố vấn thân cận nhất của Tập Cận Bình với vai trò ‘đại quân sư’

“Ông ta đã đi mọi chuyến công du, với Giang Trạch Dân, tôi tin vậy, bất kể nơi nào. Và với Hồ Cẩm Đào và sau đó với Tập Cận Bình cũng như vậy,” Kenneth Lieberthal, một chuyên gia về Trung Quốc, cựu quan chức cấp cao về vấn đề châu Á trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Bill Clinton từ năm 1998 đến 2000 và đã gặp ông Vương vài lần.

“Ông ấy rõ ràng có một khả năng kết nối về mặt tính cách cá nhân ở các cấp quyền lực cao nhất và tạo dựng mối quan hệ của lòng tin. Điều đáng chú ý.”

Trong nhiệm kỳ 5 năm tại Thường vụ Bộ Chính trị, ông Vương đã đóng vai trò Bí thư thứ nhất Ban Bí thư, phụ trách các vấn đề thường nhật của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong nhiệm kỳ lần thứ ba của Tập Cận Bình, thì ông Vương sẽ phụ trách Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, một cơ quan tham vấn.

Tuy nhiên, quyền lực của ông Vương vượt lên hẳn các vai trò cụ thể, giới phân tích nhận định.

Trong hơn ba thập niên, theo giới phân tích, ông Vương đã tự gầy dựng bản thân trở thành một nhà lập thuyết chính trị hàng đầu cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, ảnh hưởng đến các khái niệm chính sách và những khẩu hiệu thường được dùng để thúc đẩy các lợi ích của Trung Quốc và chính danh hóa sự cai trị của đảng trong một kỷ nguyên mà Tập Cận Bình tăng cường vai trò của đảng trong mọi mặt của đời sống xã hội.

Các ý tưởng như “hiện đại hóa theo kiểu Trung Hoa”, và “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” đã được định vị là triết lý cốt lõi của Tập – được giới phân tích nhận định đều có liên quan đến Vương Hỗ Ninh.

“Ông ta là một nhà thẩm mỹ chính trị, rất giỏi trong việc sử dụng mỹ phẩm để làm đẹp cho các chính sách và khẩu hiệu chính trị, bao gồm chính sách ngoại giao,” Willy Lâm, một nhà nghiên cứu cấp cao từ The Jamestown Foundation tại Washington nói.

“Tất cả các khẩu hiệu chính, từ thời Giang Trạch Dân cho đến Hồ Cẩm Đào, rồi đến Tập Cận Bình, dường như đều đến từ Vương Hỗ Ninh,” ông Willy Lâm nói.

‘Nước Mỹ chống lại nước Mỹ’

Trong khi hầu hết các thành viên trong Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc đều có kinh nghiệm điều hành một tỉnh thành lớn, thì Vương lại có xuất thân từ giới học thuật. Ông đã giảng dạy lý thuyết chính trị, trong số các bộ môn khác tại trường Đại học danh tiếng Phúc Đán ở Thượng Hải từ năm 1981 đến 1995 trước khi chuyển đến Trung Nam Hải, khu phức hợp của giới lãnh đạo cấp cao tại trung tâm Bắc Kinh, và ông đã ở đây từ khi đó.

Từ năm 2002 đến 2020, ông Vương đã đứng đầu Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương, một viện thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc phụ trách soạn thảo các tài liệu chính về tư tưởng và lý thuyết, cũng như cung cấp hướng dẫn về các vấn đề chính sách. Thời gian nhiệm kỳ của ông ấy thường kéo dài một cách bất thường trong một hệ thống mà giới chức luân phiên qua các vị trí khác nhau.

Cùng lúc đó, ông Vương đã nổi lên trong hệ thống thứ bậc của đảng, từ Ủy ban Trung ương cho đến Bộ Chính Trị, và vào Thường vụ Bộ Chính trị năm 2017, cơ quan quyền lực cao nhất.

Ông Lưu Kỳ Bảo, một thành viên của Ủy ban Trung ương Bộ Chính trị Trung Quốc nói chuyện với ông Vương Hỗ Ninh
Chụp lại hình ảnh,Năm 2015, ông Lưu Kỳ Bảo, một thành viên của Ủy ban Trung ương Bộ Chính trị Trung Quốc nói chuyện với ông Vương Hỗ Ninh tại phiên khai mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc

Theo Giá Minh, một giáo sư ngành khoa học chính trị từ Đại học City University of New York (CUNY) thì ông Vương đã tránh những đấu đá phe cánh hay gom góp tài sản, vốn đã khiến nhiều quan chức Trung Quốc bị bay chức.

Trong nhiệm kỳ đầu tại Ban Thường vụ, ông Vương là một thành viên duy nhất phát biểu tại các cuộc thảo luận cấp cao được tổ chức sau khi phần ba và phần bốn của tuyển tập “Quản lý đất nước Trung Quốc”, bao gồm những phát biểu và bài viết của Tập Cận Bình, vốn hiện diện ở mọi nơi tại các nhà sách tại Trung Quốc được ấn bản.

Ông Vương nổi tiếng tại Trung Quốc với quyển sách “America vs. America” (Nước Mỹ chống lại nước Mỹ), được ấn bản vào năm 1991. Dựa vào thời gian sống sáu tháng, và đi đến 30 thành phố, ông Vương đã tìm cách hiểu bí mật đối với sự thành công của Mỹ, với hy vọng giúp Trung Quốc trở thành một quốc gia hùng mạnh.

Trong khi ca ngợi một số khía cạnh của Mỹ, thì quyển sách cũng chỉ trích chủ nghĩa cá nhân quá mức, tiền bạc trong chính trị và các mối quan hệ sắc tộc.

“Nước Mỹ ngày nay đối mặt với những thách thức từ Nhật Bản, phần lớn bởi vì các định chế, văn hóa, và giá trị của Mỹ đối chọi với chính nước Mỹ,” ông Vương viết về thời gian mà Nhật là đối thủ kinh tế hàng đầu của Mỹ.

Tính cách của Vương Hỗ Ninh

Vương Hỗ Ninh
Chụp lại hình ảnh,Vương Hỗ Ninh tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2018, khi đó ông đang là thành viên của Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc

Giáo sư Giá Minh từ CUNY, người từng học tại Đại học Phúc Đán và có tham dự một lớp về lý thuyết chính trị Phương Tây do Vương Hỗ Ninh giảng dạy, trước khi trở thành đồng nghiệp của ông Vương vào những năm cuối 1980, mô tả ông Vương là một người nghiện công việc, hướng nội và bị chứng mất ngủ.

Lúc xảy ra làn sóng sinh viên biểu tình đòi dân chủ vào năm 1989, thì ông Vương nói với ông Giá là không nên ủng hộ sinh viên, một cảnh báo mà ông Giá không thèm lưu tâm.

“Hồi đó (ở Phúc Đán), ông Vương Hỗ Ninh rõ ràng là một người ủng hộ chủ nghĩa chuyên chế mới,” ông Giá cho biết.

Hai năm sau, khi ông Giá đi đến Mỹ, ông Vương đã cảnh báo ông về quê hương tương lai.

“Tôi đã đến đó. Quốc gia đó [Mỹ] như một cỗ máy hoạt động công suất cao, anh phải quen với một cỗ máy vào thời điểm anh bước chân vào hoặc không sẽ bị nghiền thành bột nêm”, ông Giá nhắc lại lời cảnh báo của ông Vương vào thời điểm đó.

Trong suốt các cuộc gặp chính thức giữa ông Clinton và ông Vương, cựu cố vấn chính trị của Mỹ, Lieberthal cho biết đã tìm cách bắt chuyện với ông ấy khi các quan chức ra khỏi phòng họp, nhưng ông ấy lại cư xử hơi xa cách mặc dù họ đã gặp nhau trong lúc ông Vương ở sáu tháng tại Mỹ.

“Vào thời điểm đó ông Vương được biết đến là người không bao giờ nói chuyện với người Mỹ. Tôi nghĩ là chính ông ấy đang tự cố gắng bảo vệ mình không có liên quan trực tiếp với người Mỹ – chắc chắn không theo nhóm người đó.”

Reuters dẫn lời một người từng họp chung với ông Vương thời ông ấy còn là Giám đốc của Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương nói đã vô tình bắt gặp ông Vương nổi giận với một nhân viên trong vài phút vì không mang đúng loại bút mà ông thích.

“Tôi không nghĩ ông ta chấp nhận những kẻ ngu ngốc, tôi có thể chắc chắn điều này.”

Bài Liên Quan