‘Kinh nghiệm hối lộ’ qua vụ án Thanh Nhàn- AIC ở Đồng Nai

Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Chụp lại hình ảnh,Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

23 tháng 12 2022

TAND TP Hà Nội từ ngày 21/12 mở phiên sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.

36 bị cáo bị xét xử về các tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ”. 

Trong số 36 bị cáo, có 8 người đang bỏ trốn và bị truy nã. Trong đó có nữ doanh nhân nổi tiếng Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC).

Các tình tiết thể hiện trong cáo trạng, và tường thuật báo chí về phiên tòa, tới nay cung cấp nhiều chi tiết về cách thức một doanh nghiệp đưa hối lộ ở Việt Nam.

Dự án bệnh viện ở Đồng Nai

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai được phê duyệt năm 2007.

Năm 2010, dự án được phê duyệt lại với tổng vốn đầu tư 1.904 tỷ đồng.

 Sau đó, qua 5 lần phê duyệt điều chỉnh, dự án có tổng vốn đầu tư 2.076 tỷ đồng.

Dự án khởi công ngày 27/11/2008, hoàn thành ngày 30/1/2018 và đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quyết toán số tiền hơn 1.977 tỷ đồng.

Trong số 26 gói thầu được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt kế hoạch đấu thầu, Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng thầu 16 gói thầu.

Quen biết từ trước

Trả lời tòa, bị cáo Trần Đình Thành cho biết quen bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Công ty AIC từ năm 2003, khi đang là Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. 

Ra Hà Nội làm việc năm 2003, AIC mời 2 bên gặp gỡ, đây là lần đầu tiên ông Thành biết bà Nhàn và AIC.

Năm 2007, trước khi Đồng Nai phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai, bà Nhàn nhờ ông Trần Đình Thành (đang là Bí thư Tỉnh ủy) mời lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở, ngành ăn trưa để giới thiệu Công ty AIC.

Sau đó, bà Nhàn nhiều lần gặp gỡ ông Trần Đình Thành, ông Đinh Quốc Thái (khi đang là Phó Chủ tịch tỉnh), bà Bồ Ngọc Thu (Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư), đề nghị tạo điều kiện để Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai.

Năm 2010, khi Bệnh viện Đồng Nai chuẩn bị thực hiện thủ tục bổ sung vốn đầu tư thiết bị y tế chuyên môn vào dự án, bà Bồ Ngọc Thu báo cáo Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành về khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư thiết bị.

Ông Thành điện thoại cho bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đề nghị giúp tỉnh Đồng Nai xin vốn Trung ương hỗ trợ cho dự án.

Dự án sau đó được tăng 30% tổng mức đầu tư, lên hơn 2.000 tỉ đồng.

Gặp gỡ ở nhà hàng

Theo cáo trạng, vào tháng 7/2010, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành được bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (Phó tổng giám đốc Công ty AIC) mời đi ăn cơm tại nhà hàng Nhã Viên Quán.

Ông Thành đã gọi điện thoại cho ông Phan Huy Anh Vũ khi đó là Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai, đến.

Tại đó, ông Thành giới thiệu và giao ông Vũ tạo điều kiện cho AIC trúng thầu.

Bản tường trình ông Thành khai có nội dung: “Những lần gặp gỡ, Nhàn và Nga nhờ tôi quan tâm ủng hộ để Công ty AIC tham gia các gói thầu. Tôi hiểu là họ muốn giúp họ trúng thầu”.

Khi ra tòa, ông Anh Vũ cho rằng sau này mới biết các công ty như TNT, BMS là “quân xanh” của AIC.

Quân xanh, quân đỏ

Cáo trạng nói để Công ty AIC được tham gia dự thầu và trúng thầu 16 gói thầu tại dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã thiết lập mạng lưới “quân xanh”, “quân đỏ”.

Bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới mua hồ sơ mời thầu, làm thủ tục dự thầu cho các công ty này để nộp hồ sơ dự thầu.

Trong đó có Công ty TNT do bị cáo Lê Thị Bích Thủy làm Giám đốc.

Tại tòa, bà Thủy thừa nhận TNT đồng ý tham gia làm “quân xanh”, “quân đỏ” trong 11 gói thầu.

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn thành lập các công ty thuộc hệ sinh thái AIC để làm “quân xanh” trong đấu thầu.

Trong đó có Công ty MOPHA do bố đẻ của bà Nhàn đứng tên thành lập và bà Nhàn chiếm 70% cổ phần. Công ty CP Thiết bị y tế và Môi trường do cháu ruột của bà Nhàn làm tổng giám đốc.

Hối lộ

Theo cáo trạng, bà Nhàn thành lập một ban thư ký tài chính, có chức năng thực hiện việc thu chi đối ngoại theo chỉ đạo của bà Nhàn.

Mọi việc thu chi đều được ghi chép vào sổ sách, cập nhật trên máy tính riêng của ban nhưng không được hạch toán vào phần mềm kế toán của AIC.

Từ năm 2011-2020, một số nhân viên của AIC đã nhận tiền từ quỹ của ban và chuyển đến tài khoản của Hoàng Thị Phương Anh – nhân viên của một công ty khác do bà Nhàn lập ra và điều hành.

Mỗi lần nhận được chỉ đạo, bà Phương Anh rút tiền mặt để giao cho bà Nhàn và thuộc cấp.

Với cách trên, theo cáo trạng, Chủ tịch AIC đã chi tiền hối lộ cho các ông Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ tổng số 43,8 tỷ đồng.

Bà Nhàn trực tiếp 6 lần đưa tiền cho ông Thành, tổng cộng 14,5 tỷ đồng.

Có ba lần bà Nhàn cho nhân viên đón ông Thành đến trụ sở AIC để đưa tiền, những lần còn lại nhận ngay tại trụ sở tỉnh ủy.

Lần ông Thành nhận nhiều nhất là vào năm 2012, khi đó bà Nhàn đưa 5 tỉ trong phòng làm việc của bà tại Hà Nội.

“Sau năm 50 năm hoạt động, cuối đời không ngờ bị cáo lại mắc một sai lầm như thế này”, ông Thành khai trước tòa.

Ngoài ra, bà Nhàn cùng cấp dưới 14 lần đưa Chủ tịch Đồng Nai Đinh Quốc Thái với tổng số 14,5 tỷ đồng; đưa ông Phan Huy Anh Vũ 6 lần, tổng cộng 14,8 tỷ đồng.

Ông Thái nói ở tòa: “Nhàn và các bị cáo khác đưa cho bị cáo khi đến thăm, chúc Tết. Bị cáo cũng hiểu là các bị cáo cũng có ý định muốn nói giúp đỡ để AIC thực hiện công việc của mình trên địa bàn tỉnh.”

Cùng tham gia trả lời xét hỏi, bà Lê Vũ Huyền My (vợ ông Thái) trình bày: “Tôi không có ý kiến gì về số tiền đó, chồng tôi khai một phần số tiền này dùng cho con cái học ở Mỹ. Tôi đã cung cấp đủ tài liệu hồ sơ đóng học cho con.”

Ba cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ.

Bài Liên Quan