Chuyện vui cuối năm

Chuly sưu tầm

Chuyện vui cuối năm
Tác Giả: Ngô Nhân Dụng

Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019 đã cận kề, tại làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) không khí làm việc những ngày cuối năm hối hả hơn hẳn.

Theo tín ngưỡng dân gian, con heo mang ý nghĩa may mắn, phồn thịnh và đủ đầy.
Tượng heo đất luôn nổi bật với thần thái tươi vui, dáng hình hoan hỉ hướng tới cuộc sống an nhiên, để khởi đầu một năm mới vạn sự như ý, ấm no, sung túc.

Trước Tết, nghe một tin vui, chắc là có điềm lành, chúng ta có thể chia mừng với nhau!
Câu chuyện có thể gọi là “Cướp giật nhưng trả lại tiền vì thương nạn nhân!”

Chắc quý vị đã đọc câu chuyện trên báo này rồi.
Một cô ở tỉnh Bình Dương đi xe gắn máy, bị một thanh niên áp sát xe, giật giỏ xách.

Ngày hôm sau, người ta thấy một cái túi ni lông đặt trước trụ sở phường An Phú, xã Thuận An. Mở ra, là một bọc tiền 100 triệu đồng Việt Nam và hai điện thoại loại mới, đắt tiền.
Kèm theo một lá thư của “tên ăn cướp” nhờ trả lại tiền cho cô khổ chủ! Lý do: anh ta không cần nhiều tiền đến thế!

Cướp giật nhưng chỉ lấy đúng số tiền mình cần, còn dư đem trả lại! Trên thế giới này lại có chuyện lạ như vậy sao?
Đọc xong, chúng tôi muốn nói một lời cảm ơn anh bạn cướp giật rồi trả lại! Anh cho thấy không phải những người đi ăn trộm, ăn cướp đều xấu.

Anh giúp chúng tôi thêm tin tưởng rằng ở nước Việt Nam mình còn nhiều người muốn sống lương thiện, nhất định sống lương thiện. Anh làm tôi nhớ một câu chuyện gia đình.

Ông già tôi sống trước đây cả thế kỷ, là một nhà nho từng đỗ đạt, khi lớn tuổi còn dạy chữ Nho cho mấy chục học trò từ các làng chung quanh.
Một buổi sáng thầy tôi ra đình, bỗng nghe một thanh niên kêu cứu: “Cụ Mền ơi! Cụ cứu con với! Họ sắp chặt ngón tay con, cụ ơi!”
Anh nông dân bị trói vào cây cột trước đình. Đêm qua anh bị bắt khi đang ăn trộm bắp ngô trong mấy thửa ruộng ngoài lũy tre làng.

Sáng ra, các vị chức sắc bàn nhau: Chặt ngón tay cho nó chừa thói ăn trộm!
Ông già tôi tìm các vị hào lý, xin tha cho anh ăn trộm.
Trong một làng nhỏ ở Thuận Thành, Bắc Ninh, ai cũng biết nhau hết; một ông đồ Nho thường được người làng kính trọng.
Thầy tôi đề nghị họ phạt anh ăn trộm nhưng đừng chặt tay, cụ biện hộ:
“Chặt tay nó, nó còn làm lụng gì được để nuôi vợ con nó? Bắt nó phải đi ăn trộm suốt đời hay sao?”

Các vị chức sắc không chịu. Nếu không trừng phạt nghiêm khắc thì làm sao giữ được trật tự an ninh làng xóm?
Thầy tôi là một người rất điềm đạm, nói chuyện với các con cũng gọi là “anh” là “chị” và không bao giờ xưng “tao.”
Nhưng, tôi nghe kể, đến lúc cụ phải lớn tiếng:
“Nếu vợ con tao đói, tao cũng đi ăn trộm!”
Nghe ông đồ nói thế, các vị chức sắc đã tha, không chặt ngón tay anh ăn trộm nữa.

Cái anh ở Bình Dương cướp giật không phải vì vợ con anh đói! Trong bức thư trả lại tiền anh giải thích, “Cũng chỉ vì tôi đã lỡ mượn tiền của tín dụng đen và không trả được. Chỉ có mấy triệu, lãi cứ lên từng ngày.
Họ điện thoại rồi nhắn tin cả ngày, tôi không thể chịu nổi. Họ còn dọa sẽ cho người đến tận phòng siết nợ!
Mà vợ tôi chỉ mới sinh bé gái được ba tháng; nếu bọn họ mà đến có lẽ vợ tôi chết mất…”

Anh ăn cướp chỉ đi cướp để lấy tiền trả nợ. Nghĩ cho cùng, cũng chỉ vì lo cho vợ, cho con!
Tại sao anh ta đi vay “tín dụng đen?” Chắc không phải chuyện làm ăn bình thường.

Trong xã hội Việt Nam bây giờ, có nhiều tổ chức “tín dụng đen” lắm. Họ thường đi kèm với “xã hội đen,” các tổ chức cờ bạc, buôn bán ma túy và cướp bóc.
Anh ta thiếu nợ bao nhiêu?
Trong bọc anh cướp được, có 107 triệu đồng, trả lại 100 triệu, tức là anh cướp giật này chỉ cần 7 triệu, khoảng hơn $300!

Ở một xứ nhiều người có thể mua chai rượu hàng ngàn đô la, nhưng cũng có người chỉ thiếu $300 phải đi cướp giật! Tội nghiệp quá!
Ước chi chúng ta biết anh ăn cướp này ở đâu để giúp anh $300 trả lại cho khổ chủ ngay.

Xin giúp anh thêm một chút tiền để cùng vợ con ăn Tết! Ước chi cô khổ chủ bị cướp tiền cũng nghĩ như vậy.
Nếu như cô có dịp gặp anh ăn cướp, cô có thể mời anh làm việc cho mình, trả công anh, cho anh có việc làm.
Bởi vì anh rõ ràng là một người không tham!

Một người đang thiếu $300 trả nợ, cướp được tiền rồi mà “Cả buổi chiều tôi ân hận cắn rứt lương tâm!”
Anh còn nghĩ và thương người bị mình cướp giật! Trong bức thư anh ngỏ lời xin lỗi khổ chủ bị cướp, giải thích hành động trả lại của mình, “…

Tôi không ngờ số tiền quá lớn. Chắc họ (người mất tiền) cũng đang có việc cần tiền nên mới mang nhiều tiền như vậy.
Có lẽ giờ đây người bị tôi cướp rất buồn và đau khổ… ”
Trả lại 100 triệu, với hai cái máy điện thoại trị giá mấy chục triệu, chỉ vì thương người bị mình cướp giật!

Có mấy ai ngày nay biết thương người như thể thương thân?
Ước chi các quan chức cướp đất của dân đem bán cũng động tâm nghĩ tới các nạn nhân của họ, lương tâm cũng biết cắn rứt, như anh này.
Đặc biệt, những quan chức trong “xã hội đỏ” đang thông đồng và khai thác “xã hội đen” để kiếm lời.

Khi xã hội đỏ nuôi dưỡng xã hội đen, họ không phải chỉ làm hại các nạn nhân trực tiếp sa chân vào các ổ cờ bạc, ma túy. Họ còn phá nát bao nhiêu gia đình, biến bao nhiêu người lương thiện thành quân trộm cướp.

Nhưng câu chuyện anh ăn cướp này trả lại cho chúng ta phần nào một niềm tin vào con người.
Đặc biệt, con người Việt Nam trong xã hội bây giờ. Rất nhiều người trong chúng ta vẫn ghi nhớ những lời cha mẹ, ông bà dạy:

Phải nghĩ đến người khác, không chỉ nghĩ đến mình. Không tham lam lấy của người khác.
Đừng chạy theo đồng tiền, đừng chạy theo thị dục.
Những lời dạy đó vẫn ẩn kín trong đáy lòng, chưa mất. Khi có dịp, các hạt giống lại nẩy mầm, lại mọc lên. Nền nếp đạo lý của chúng ta chưa tan rã hết.

Chúng ta có thể hy vọng. Nếu trong đám những người đi cướp giật vẫn có một người giữ được lương tâm thì chắc trong đám quan chức cũng phải có người như vậy.
Cái guồng máy độc tài đảng trị tạo ra đám “cướp ngày là quan;” nhưng trong guồng máy đó chắc cũng có nhiều người từng bị lương tâm cắn rứt.

Chúc quý vị độc giả một năm mới nhiều hy vọng!
(Ngô Nhân Dụng)

Bài Liên Quan