Ukraine bắt 2 cựu quan chức dính vụ phá hủy máy bay lớn nhất thế giới

March 11, 2023

Máy bay lớn nhất thế giới Antonov-225 đã bị phá hủy trong những ngày đầu Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022, khi đang đậu trong nhà chứa sân bay Hostomel, gần thủ đô Kiev.

Cơ quan an ninh Ukraine xác nhận vụ bắt giữ hai cựu quan chức hàng không vũ trụ liên quan vụ máy bay chở hàng lớn nhất thế giới bị phá hủy.

“Theo điều tra, trước lúc Nga mở cuộc xâm lược, các quan chức hàng đầu tại công ty quốc phòng Antonov, nhà sản xuất máy bay, đã không cho phép Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine vào khu vực sân bay Hostomel để phòng thủ”, Cơ quan An ninh Nội địa Ukraine (SBU) cho biết trong tuyên bố ngày 10/3.

Máy bay lớn nhất thế giới Antonov-225 đã bị phá hủy trong những ngày đầu Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022, khi đang đậu trong nhà chứa sân bay Hostomel, gần thủ đô Kiev. Giao tranh ác liệt đã xảy ra khi Nga cố kiểm soát sân bay này để vận chuyển vũ khí đến Kiev.

Theo SBU, vào tháng 1 và tháng 2, quan chức doanh nghiệp nhà nước Antonov đã ngăn quân đội Ukraine xây dựng các công sự phòng thủ trên sân bay và cấm họ ra vào. Một cựu phó tổng giám đốc Antonov “hiện trốn tránh công lý”, trong khi hai bị cáo khác, bao gồm cựu tổng giám đốc và người đứng đầu đơn vị an ninh hàng không, đã bị bắt.

Họ phải đối mặt mức án lên tới 15 năm tù nếu bị kết tội cản trở hoạt động hợp pháp của lực lượng vũ trang Ukraine.

An-225 là vận tải cơ chiến lược do Phòng thiết kế Antonov phát triển cuối thập niên 1980, nhằm phục vụ chương trình tàu vũ trụ con thoi Buran và hoạt động vận tải quy mô lớn của không quân Liên Xô. Chiếc đầu tiên và cũng là chiếc duy nhất được sản xuất mang biệt danh “Mriya” (Giấc mơ) cất cánh thử nghiệm năm 1988 và nằm trong biên chế Ukraine tới nay.

Máy bay cao 18 m và có sải cánh 88,4 m, khối lượng rỗng 285 tấn và khối lượng cất cánh tối đa 640 tấn. Phi cơ được lắp 6 động cơ turbine phản lực D-18T với tổng sức đẩy gần 141 tấn. Khoang chứa hàng của máy bay dài 43 m, rộng 6,4 m và cao 4,4 m, với thể tích lên tới 1.300 mét khối.

Tháng 11 năm ngoái, các nhà sản xuất xác nhận bắt đầu dự án tái sản xuất Antonov AN-225. Công ty Antonov ước tính họ sẽ cần hơn 532 triệu USD để đưa phương tiện cất cánh lần nữa.

Bài Liên Quan