- Danny Vincent
- BBC News, Hong Kong
Hơn hai năm kể từ khi luật an ninh quốc gia được công bố, phong trào đấu tranh đòi dân chủ của Hong Kong đã bị bóp nghẹt.
Đa số các nhà hoạt động nổi bật bị bắt giữ hoặc buộc phải sống lưu vong. Lo sợ bị bắt giữ, nhiều người đã bỏ trốn sang Đài Loan, quốc gia đang đối mặt với các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Bắc Kinh.
Những nhà hoạt động ở Hong Kong
Trương Bá Doanh chắc chắn rằng bản thân bà đang bị theo dõi. Nhóm các nhà hoạt động của bà là đảng chính trị sót lại cuối cùng, thường xuyên tiến hành biểu tình phản đối tại Hong Kong.
“Bạn không bao giờ biết được khi nào họ sẽ sử dụng bất kỳ tài liệu nào để làm bằng chứng nhằm vào bạn,” bà Trương nói. “Lằn ranh đỏ theo luật pháp rất mập mờ. Chúng tôi cố gắng hết sức cất lên tiếng nói cho đến khi họ ngăn chặn chúng tôi vào một ngày nào đó,” bà cho biết
Bà Trương không còn biết lằn ranh đỏ đó nằm ở đâu. Các khẩu hiệu biểu tình mà bà mang ra đường phố đều trắng xóa. Công chúng phải hiểu ý nghĩa sâu xa đằng sau chúng.
Chồng của bà Trương, ông Lương Quốc Hùng, có nickname là Long Hair (Tóc Dài), một trong 47 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ bị bắt giam, chuẩn bị đối mặt với phiên xử án với cáo buộc tội lật đổ chính phủ.
“Nếu bạn đòi hỏi việc thả các tù nhân chính trị, bạn có thể vi phạm luật an ninh quốc gia,” ông Tăng Kiện Thành, một nhà hoạt động thâm niên cùng với ông Lương Quốc Hùng cho biết.
Luật an ninh quốc gia
Tháng Ba đánh dấu bắt đầu phiên tòa xét xử theo luật an ninh quốc gia lớn nhất tại Hong Kong. 47 nhân vật ủng hộ dân chủ nổi bật nhất của thành phố cảng này đối mặt với mức án tù chung thân nếu bị kết tội lật đổ nhà nước.
Vào năm 2021, một số lượng các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ – bao gồm những nhà lập pháp, giới học thuật và nhân viên xã hội – đã bị bắt giữ trong các đợt truy quét lúc sáng sớm khi tham gia vào một cuộc bầu cử không chính thức. Đa số đã bị từ chối đóng tiền bảo lãnh để được tại ngoại và bị bắt tạm giam trong hơn hai năm.
Giới chỉ trích cho rằng hệ thống pháp lý đã được sử dụng để bịt miệng những tiếng nói bất đồng.
Vào năm 2020, Bắc Kinh đã áp đặt luật an ninh quốc gia tại Hong Kong theo sau vài tháng xảy ra liên tiếp các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Giới chức cho biết luật này đã phục hồi trật tự cho Hong Kong. Những người chỉ trích thì nói luật này đã làm xói mòn những quyền tự do được hứa hẹn cho thuộc địa cũ của Anh Quốc.
Di dân
Ngày nay, đa số nhân vật lãnh đạo phong trào vì dân chủ ở Hong Kong đã bị bắt giữ hoặc phải rời khỏi lãnh thổ.
Hơn 1% dân số thành phố này đã ra đi kể từ khi luật an ninh quốc gia xuất hiện, đánh dấu mức sụt giảm kỷ lục trong dân số thành phố. Hơn 100.000 cư dân Hong Kong đã đến Anh kể từ khi chính phủ Anh đưa ra bản kế hoạch nhập tịch cho công dân Hong Kong.
Đài Loan
Trong khoảng năm 2019 và 2021, hơn 27.000 người Hong Kong đã đến Đài Loan theo dạng visa tạm thời, nhiều người hy vọng sẽ được định cư tại hòn đảo này.
“Hong Kong là một nơi đã sụp đổ. Mặc dù bạn bè và thành viên gia đình tôi ở đó, tôi không thể về nhà và không thể chứng kiến bất kỳ điều gì mà tôi còn có thể nhận ra,” Harry* nói, một người từng đi đầu trong các cuộc biểu tình, trả lời BBC trong điều kiện ẩn danh từ quận Gia Nghĩa ở Đài Loan.
“Đây là quê hương của chúng tôi, nhưng không còn là nhà của chúng tôi nữa.”
Harry đã rời khỏi Hong Kong vào năm 2019 sau khi tham gia vào việc cuộc biểu tình chiếm Hội đồng Lập pháp Hong Kong, trong khi hàng trăm người biểu tình tràn vào các văn phòng chính phủ để cố gắng ngăn chặn việc thông qua dự luật dẫn độ gây tranh cãi.
Vào năm 2020, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã cam kết hỗ trợ các nhà hoạt động vì dân chủ của Hong Kong sau khi luật an ninh quốc gia được công bố
Thế nhưng những người Hong Kong sống lưu vong tại Đài Loan thất vọng. Đài Loan không có luật tị nạn và đối với nhiều nhà hoạt động Hong Kong, họ không có một lộ trình rõ ràng để trở thành công dân. Nhiều người quan ngại răng Đài Loan sẽ đối mặt với các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Bắc Kinh – vốn xem hòn đảo này là một tỉnh ly khai – giới chức có thể xem sự hậu thuẫn cho Hong Kong là một khiêu khích không cần thiết.
Thống nhất Đài Loan – Trung Quốc
Bắc Kinh xem sự thống nhất với Đài Loan là điều phải xảy ra và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực.
“Đài Loan vẫn còn tự do. Chúng tôi đối mặt với cùng một kẻ thù và đứng trên cùng một chiến tuyến. Là một người đã rời bỏ gia đình đến đây, nếu một ngày Đảng Cộng sản Trung Quốc xâm lược Đài Loan, tôi sẽ không ra đi một lần nữa,” Harry nói.
Trong một phòng gym tầng cao một tòa nhà, ở con phố sáng đèn neon tại Đài Bắc, một nhóm những người trẻ tuổi từng tham gia biểu tình tại Hong Kong đang sống lưu vong tham gia và buổi huấn luyện tự vệ.
Họ mặc trang phục đen, màu sắc chính thức trong phong trào biểu tình năm 2019. Một số người có các khẩu hiệu chính trị trên áo.
Lo sợ nếu quay về
“Nếu tôi phải trở về Hong Kong, tôi sẽ bị kết án theo luật an ninh quốc gia, xét về tình trạng hiện tại và trước đây của tôi,” Simon*, một sinh viên sống lưu vong ở Đài Bắc cho biết. “Có thể ít nhất 5 năm tù giam,”
Anh đã rời khỏi Hong Kong sau khi những người cùng chung nhóm biểu tình của mình bị bắt giữ cách đây hai năm. Nếu xảy ra chiến tranh, anh nói sẽ sẵn sàng chiến đấu cho Đài Loan, nhưng lo sợ rằng người dân Đài Loan có thể “không có sự chuẩn bị” cho mối đe dọa từ Bắc Kinh.
“Nếu bạn được sinh ra trên hòn đảo, chiến đấu chống đảng cộng sản trước khi bạn thậm chí được sinh ra, vì thế bạn trở nên lãnh cảm trước tình hình,” Kacey Vương, một nghệ sĩ phản kháng sống tại thành phố Đài Trung cho biết.
Tác phẩm nghệ thuật biểu tình năm 2019 của anh được trình bày rộng khắp trong ngôi nhà kho của người nghệ sĩ, để kỷ niệm cho phong trào biểu tình. Hình vẽ trên khắp tường là các khẩu hiệu được cho là bất hợp pháp tại Hong Kong.
Anh đã chạy khỏi Hong Kong vào năm 2021 sau vụ bắt giữ 47 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ theo luật an ninh quốc gia.
“Hệ thống pháp lý của chúng tôi đã bị biến thành vũ khí chống lại người dân Hong Kong. Giống như một nhà nước cảnh sát trị,” Kacey Vương nói.
Ủng hộ luật
Tương phản là những quan điểm của giới lập pháp thân Bắc Kinh, những người ủng hộ các biện pháp theo sau các cuộc biểu tình.
“Có luật. Mọi người phải tuân thủ luật pháp, dù muốn hay không. Cơ quan lập pháp Hong Kong đã thông qua và chúng ta cần phải tuân thủ luật,” Tommy Trương, một thành viên Hội đồng Lập pháp thân Bắc Kinh ở Hong Kong nói.
“Nếu bạn phạm luật thì phải chịu những hậu quả nhất định,” ông Trương cho biết.
*Tên nhân vật đã được thay đổi để bảo vệ danh tính