Lãnh đạo Tây Tạng cho rằng lời nói của Đức Đạt Lai Lạt Ma là ‘thái độ yêu thương’

Đức Đạt Lai Lạt Ma
Chụp lại hình ảnh,Lãnh đạo chính phủ lưu vong Tây Tạng, ông Penpa Tsering cho rằng những hành động của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bị diễn giải sai lệch

  • Tác giả,Cherylann Mollan
  • Vai trò,BBC News, Mumbai
  • 16 tháng 4 2023

Nhà lãnh đạo Tây Tạng đã lên tiếng bảo vệ Đức Đạt Lai Lạt Ma sau khi một video cho thấy lãnh đạo tinh thần đã yêu cầu một bé trai liếm lưỡi của Ngài.

Ông Penpa Tsering, người đứng đầu chính phủ lưu vong Tây Tạng, cho rằng những hành động của nhà lãnh đạo tinh thần là “vô tư” và cho biết đã thể hiện “thái độ yêu thương” của Ngài.

Video này đã gây giận dữ khi lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, nhiều người xem hành động này là không phù hợp.

Văn phòng của Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã xin lỗi về vụ việc.

QUẢNG CÁO

Vào ngày thứ Năm 12/04, ông Tsering cũng nói những hành động của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bị diễn giải một cách sai lệch và tranh cãi đã khiến những tín đồ của Ngài bị tổn thương.

Ông Tsering cho biết Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn sống trong “sự thánh thiện và ly dục” và những năm tháng tu tập đã khiến ngài “vượt khỏi những khoái lạc trần tục”.

Ông Tsering cũng cho rằng các cuộc điều tra cho thấy “những lực lượng thân Trung Quốc” đã đứng đằng sau video lan truyền rộng khắp trên mạng xã hội. Ông không đưa bằng chứng về tuyên bố này. Nhà lãnh đạo chính phủ Tây Tạng cho biết “những góc cạnh chính trị của vụ việc này không thể bị bỏ qua.”

Mặc dù hình ảnh từ video dường như đã diễn ra trong đền thờ của Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Dharamshala vào ngày 28/02, video gây tranh cãi này lại lan truyền trên mạng xã hội hồi đầu tháng này. Video thu hút đến cả triệu lượt xem trên Twitter.

Trong video, có thể nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma yêu cầu một bé trai hôn vào má và sau đó là môi của Ngài sau khi cậu bé hỏi nếu có thể ôm Ngài được không.

Lãnh đạo tinh thần sau đó đặt trán của mình vào trán của bé trai, trước khi đưa lưỡi ra, và nói “hãy liếm lưỡi của ta”.

Video này đã gây một làn sóng chỉ trích quốc tế khi một số nhà hoạt động nói rằng hành động của vị lãnh đạo tinh thần là xâm hại trẻ em.

Trong một tuyên bố, văn phòng Đức Đạt Lai Lạt Ma nói Ngài muốn xin lỗi cậu bé và gia đình vì “những tổn thương mà ngôn từ của Ngài có thể đã gây ra”.

“Ngài thường trêu chọc người khác mà Ngài gặp một cách vô tư và hài hước, thậm chí công khai trước ống kính. Ngài hối tiếc về vụ việc,” tuyên bố nêu.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã sống lưu vong tại Ấn Độ kể từ khi rời khỏi Tây Tạng vào năm 1959, theo sau một cuộc khởi nghĩa bất thành chống lại quân đội Trung Quốc tại đây.

Ngài cũng từng gây tranh cãi một lần trước đó vào năm 2019, khi trong một cuộc trả lời phỏng vấn với BBC, Ngài nói bất kỳ nữ Đạt Lai Lạt Ma nào trong tương lai thì phải nên “hấp dẫn”.

Văn phòng của Ngài sau đó cũng xin lỗi về những bình luận này.

Đức Đạt Lai Lạt Ma là ai?

Đức Đạt Lai Lạt Ma

Đạt Lai Lạt Ma là người đứng đầu Phật giáo Tây Tạng và theo truyền thống là người cai quản Tây Tạng, cho đến khi chính phủ Trung Quốc nắm quyền kiểm soát vào năm 1959. Trước năm 1959, nơi ở chính thức của Ngài là Điện Potala ở Lhasa, thủ phủ Tây Tạng.

Theo đức tin của Phật giáo Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện tại là một hóa thân của một vị lạt ma trong quá khứ, người đã quyết định tái sinh một lần nữa để tiếp tục công việc quan trọng của mình.

Tên gọi ‘Đạt Lai Lạt Ma’ có nghĩa là Đại dương Trí tuệ.

Sau khi một Đạt Lai Lạt Ma qua đời, theo truyền thống, các vị Cao tăng Lạt Ma Phái Gelugpa và chính quyền Tây Tạng sẽ đi tìm người mà Ngài hóa thân vào.

Các Cao tăng Lạt Ma sẽ đi tìm kiếm một cậu bé được sinh ra vào khoảng cùng thời điểm qua đời của Đạt Lai Lạt Ma.

Có thể mất khoảng hai hoặc ba năm để tìm đúng được Đạt Lai Lạt Ma, và người ta đã phải mất bốn năm mới tìm thấy vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 hiện nay.

Bài Liên Quan