12 người bị bắt sau vụ hỏa hoạn chết người ở bệnh viện tại Bắc Kinh

Reuters

  • Tác giả,Kelly Ng
  • Vai trò,BBC News

Mười hai người bị cảnh sát tạm giữ để thẩm vấn sau vụ hỏa hoạn bệnh viện ở Bắc Kinh khiến ít nhất 29 người thiệt mạng, hầu hết là bệnh nhân.

Vụ hỏa hoạn, một trong những vụ gây chết người nhiều nhất trong những năm gần đây, bùng phát tại Bệnh viện Trường Phong vào khoảng 13:00 giờ địa phương hôm thứ Ba.

Thân nhân các bệnh nhân tức giận và lo lắng đã vội vã đến bệnh viện vài giờ sau đó. Họ chỉ biết thông tin về vụ cháy từ các bản tin địa phương.

“Khoảng bảy, tám giờ đồng hồ đã trôi qua mà tôi thậm chí không nhận được một cuộc gọi nào,” một người nói với China Youth Daily.

Nhiều người cho biết họ đã dành cả đêm để cố gắng xác định vị trí của người thân. Những người được giải cứu hiện đã được chuyển đến các bệnh viện khác để điều trị.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm thứ Tư, các quan chức cho biết cuộc điều tra sơ bộ cho thấy tia lửa phát ra trong quá trình sửa chữa, cải tạo tòa nhà, khiến lượng sơn được trữ tại chỗ phát hỏa.

Trong số những người bị bắt có giám đốc và phó giám đốc bệnh viện, và người đứng đầu công ty giám sát công tác cải tạo.

Các cảnh quay trên mạng xã hội cho thấy những bệnh nhân nhảy ra khỏi cửa sổ để thoát thân trong lúc khói dày đặc bốc lên từ tòa nhà. Một thiết bị bay tự động (drone) phát ra âm thanh kêu gọi các bệnh nhân bị mắc kẹt “hãy bình tĩnh và chờ [được] giải cứu”. Người ta nhìn thấy có một số người phải đeo bám giữ thăng bằng trên các cục máy điều hòa không khí gắn bên ngoài trong khi chờ được giải cứu.

Truyền thông địa phương đưa tin lính cứu hỏa đã sơ tán được khoảng 70 người và dập tắt đám cháy trong vòng một giờ sau khi đến nơi.

Nhưng thân nhân của những người đang điều trị tại Trường Phong đã rất giận dữ đối với ban lãnh đạo bệnh viện.

Họ cho biết thậm chí tám giờ sau, các quan chức bệnh viện vẫn chưa thể cung cấp tên tuổi của những người bị thương hoặc đã thiệt mạng.

“Chỉ cần cho tôi biết bệnh nhân còn sống hay đã chết,” một thân nhân nói với truyền thông địa phương. “Làm thế nào mà người đó có thể biến mất hoàn toàn được? Cả y tá và bác sĩ đều không bắt máy. Người họ hàng lớn tuổi của tôi không có điện thoại trên người.”

Các báo cáo cho thấy hầu hết bệnh nhân tại bệnh viện đều là người lớn tuổi và có một số người đã trải qua các cuộc phẫu thuật cắt bỏ chân hoặc tay, khiến họ giảm khả năng tự di chuyển.

Người dùng mạng xã hội Trung Quốc cũng chỉ trích việc trong hầu như cả ngày thứ Ba đã không có mấy báo cáo về vụ việc.

Các nhân chứng bắt đầu kể những điều mắt thấy tai nghe từ đầu giờ chiều, nhưng nhiều bài đăng trong số này đã bị gỡ xuống, theo FreeWeibo, một nền tảng chuyên giám sát những nội dung đã đăng trên trang tiểu blog Weibo nhưng rồi bị bị kiểm duyệt hoặc bị xóa.

“Điều gây sốc không chỉ là thiệt hại về người mà còn là sự im lặng khủng khiếp của báo chí. Các thông báo chính thức mà chúng tôi đọc được đã bỏ qua nỗi đau to lớn mà thảm họa này gây ra,” một người dùng Weibo viết.

“Truyền thông từng đóng vai trò giám sát, chỉ ra những tệ nạn xã hội. Nhưng ngày nay thì sao? Truyền thông ngày nay là gì?”

Bài Liên Quan