Thứ Tư, 31 Tháng Năm 2023
Cánh Đồng Chum, tỉnh lị Xiêng Khoảng (Lào) là một trong những địa điểm hứng chịu nhiều trận bom khốc liệt của Mỹ trong chiến tranh; đến nay vẫn là một trong những địa điểm khảo cổ nguy hiểm nhất thế giới.
Địa điểm khảo cổ nhiều biển cấm
Khởi hành từ bến xe Nước ngầm, sau hành trình 18 tiếng, kể cả thời gian làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu Nậm Cắn, đúng 12h trưa chúng tôi có mặt tại Xiêng Khoảng thuộc nước bạn Lào địa danh nổi tiếng với cái tên Cánh Đồng Chum.
Trong chiến tranh Việt Nam, Cánh Đồng Chum được nhắc đến như là một địa danh đặc thù để chỉ cả vùng cao nguyên Xiêng Khoảng, chứ không chỉ riêng khu di tích chứa hàng nghìn chum cổ; nơi tướng phỉ Vàng Pao được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng Xiêng Khoảng trong thời kỳ chính phủ trung lập của Lào.
Từ Phonesavanh, thủ phủ Xiêng Khoảng, bắt tuk tuk với giá 45.000 kip (khoảng 115.000 đồng) cho quãng đường 7km tới cánh đồng chum một là một trong ba địa điểm được tham quan.
Toàn cảnh cánh đồng Chum, khu vực số 1 nhìn từ trên cao.
Cánh Đồng Chum gồm ba khu vực, trong thời kỳ chiến tranh đây là một trong những địa điểm hứng chịu nhiều trận bom khốc liệt của Mỹ và đến ngày nay vẫn là một trong những địa điểm khảo cổ nguy hiểm nhất thế giới.
Du khách có thể tham quan ba địa điểm với những chỉ dẫn của MAG (Mines Advisory Group – Tổ chức phòng chống bom mìn quốc tế). Tuy nhiên, vẫn có những du khách không tuân theo hoặc không để ý những cột mốc chỉ dẫn và thỉnh thoảng thương vong vẫn xảy ra.
Một số người trong nhóm chúng tôi khi mải mê chụp ảnh đã quên cả những cột mốc an toàn hai màu trắng đỏ in dấu của MAG, mà bước ra khỏi khu vực an toàn tới cả mét trong khi không nhận được sự nhắc nhở cần thiết nào.
Cánh đồng bí ẩn
Tồn tại nhiều truyền thuyết về cánh đồng Chum nhưng các nhà khảo cổ tin rằng, các chum này có niên đại 1.500 đến 2.000 năm, được những người thuộc nhóm Môn-Khmer mà nền văn hóa của họ ngày nay vẫn còn nhiều bí ẩn.
Trong một số cuộc khai quật, việc tìm thấy hài cốt và tro cốt tại đây khiến một số nhà nhân chủng và khảo cổ học cho rằng có thể các chum này đã được sử dụng để đựng di cốt, vật dụng của người quá cố theo phong tục của một dân tộc Lào cổ là người Puôn, hoặc chứa thực phẩm.
Trong khi đó một số câu chuyện huyền thoại của người Lào cho rằng, có những người khổng lồ đã từng định cư ở khu vực này. Và theo một trong những truyền thuyết nổi tiếng và được nhiều du khách lẫn dân bản địa nhắc đến nhất thì vị vua cổ đại tên là Khun Cheung đã cho tạo lập cánh đồng chum để ủ lên men và chứa số lượng lớn rượu gạo lao lao để ăn mừng chiến thắng sau khi ông đánh bại kẻ thù.
Tại cánh đồng Chum số một có hai khu vực lớn có thể chiêm ngưỡng những chum đá, men theo cổng vào khoảng 3-400 m dốc lên một quả đồi là địa điểm tồn tại chiếc chum lớn nhất với đường kính 2,5 m cao 2,57 m nặng hàng tấn.
Địa điểm này có thể nhìn bao quát xuống dưới nơi có hàng trăm chum cổ kích thước tương tự nhau và đặc biết là có một chum duy nhất còn tồn tại nắp đậy tuy đã bị vỡ một phần.
Trên những quả đồi mọc toàn cỏ dại đã được đốt dọn còn lẻ tẻ những cụm chum vài ba chiếc ẩn dưới tán cây.
Dưới đây là một số hình ảnh về cánh đồng chum:
Truyền thuyết về những chiếc chum đá rằng, đây là những bình ủ rượu mà vị vua cổ đại Khun Cheung đã dùng để khao quân sau khúc khải hoàn. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học nghiêng về giả thuyết cho rằng, Cánh đồng Chum là một nghĩa trang khổng lồ, mỗi một chiếc chum là một chiếc quách dùng để an táng một xác người. Trong khi đó Soulivan Vincent, người Pháp, chủ khách sạn ở Phonesavanh – người đã sống ở Xiêng Khoảng nhiều năm – lại cho rằng, khu vực Cánh đồng Chum trước đây có thể là nơi trung chuyển hàng hóa từ các nơi đổ về. Các chum to nhỏ có thể dùng để chứa thóc gạo, muối hoặc hàng hóa khác. Vincent lập luận: “Xiêng Khoảng nằm đúng ngã ba miền Trung Lào, muốn tới Luong Prabang hay Viientiane đều phải dừng chân nghỉ ở đây”.
Cũng suốt những năm tháng bom đạn khốc liệt, hàng chục nghìn bộ đội Việt Nam, bộ đội Lào đã ngã xuống mảnh đất này. Không xa khu cánh đồng Chum ở Bản Ang, những người con Việt Nam tới Phonesavanh cần phải tới Đài tưởng niệm liệt sỹ Việt Lào.
Trải dài mấy trăm mét, men theo triền đồi, gần 400 cái chum đá cổ to, nhỏ đủ cỡ nằm rải rác. Không ai rõ chúng được làm ra như thế nào, nằm ở đó từ bao giờ và được dùng vào việc gì.
Gần 2.000 chum đứng riêng lẻ hay đứng thành nhóm nằm rải rác trong 50 địa điểm thuộc tỉnh Xieng Khouang, với hình dáng cao 1-3m và đường kính 1-3m. Hình dạng của chúng cũng không điển hình. Cái thắt núm, cái miệng thẳng, cái vuông vức, cái lại như quả dưa… Chạm tay vào những khối đá sần sù, lên “mốc” xanh thời gian đang nằm yên lặng trên nền đất, người ta mơ hồ cảm nhận được những bí ẩn lịch sử to lớn mà nó chứa đựng.
Các nhà khảo cổ đồng ý rằng, các chum này liên quan đến các mộ táng, nhưng không nhất trí về niên đại của chúng. Trước đây, các nhà khoa học ước tính niên đại của chum là từ năm 500 trước Công nguyên đến năm 500, nhưng các tính toán gần đây cho rằng chúng có niên đại từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 10.
Bà Julie Van Den Bergh, nguời của tổ chức MAG cho biết: “Chỉ sau khi cánh đồng Chum được gỡ sạch mìn và việc này phải mất nhiều năm, lúc ấy các nhà khảo cổ mới có thể tự do nghiên cứu để đưa ra lời giải đáp chính xác cho các câu hỏi: ai làm chum, làm khi nào và tại sao làm.
Cụm chum nằm trên đỉnh đồi ngay cổng vào có hình thù khác nhau. Qua thời gian và chiến tranh, nhiều chiếc chum đã không còn nguyên vẹn và xiêu vẹo. Cái lớn nhất có đường kính 2,5 m và cao tới 2,57 m, nặng đến hàng tấn. Cái nhỏ nhất chỉ cỡ một người ôm. Đa phần những chiếc chum không có nắp với đủ dạng vuông tròn, không cái nào giống cái nào.
Một nhà sư Lào tham quan trên cánh đồng chum. Rất nhiều năm trước, người bản xứ còn chưa rõ giá trị của những chiếc chum cổ. Nhiều người vận chuyển chum về nhà để đựng đồ đạc hay đơn giản để… trồng hoa. Chỉ sau khi cơ quan hữu quan phát lời kêu gọi, người dân mới biết giá trị văn hóa lớn lao của những chiếc chum và đem trả lại đúng vào vị trí cũ. Hiện, cánh đồng Chum được các chuyên gia thuộc Tổ chức UNESCO nghiên cứu, khảo sát lại vị trí, đánh dấu toàn bộ số chum để có thể trở thành di sản văn hoá thế giới – một di sản bằng đá ở Đông Dương.