Prayuth Chan-ocha: Thủ lĩnh đảo chính ở Thái Lan rời chính trường

REUTERS
Chụp lại hình ảnh,Chính quyền quân sự của Prayuth Chan-ocha không khoan nhượng trước giới bất đồng chính kiến ​​và chỉ trích hoàng gia

  • Tác giả,Jonathan Head
  • Vai trò,BBC News, Bangkok

Prayuth Chan-ocha, Tổng Tư lệnh quân đội Thái Lan, người đã lật đổ chính phủ do dân bầu nên cách đây chín năm và nắm quyền kể từ khi đó, đã tuyên bố rời chính trường.

Tướng Prayuth đã ra tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng Năm vừa rồi với tư cách là ứng cử viên thủ tướng của một đảng chính trị theo trường phái bảo thủ mới, nhưng đảng này chỉ đạt được kết quả kém cỏi, giành được 36 trên 500 ghế trong quốc hội.

Ông được biết đến như một tổng tư lệnh quân đội có phong cách nói chuyện thẳng thừng, cực kỳ trung thành với hoàng gia khi lên nắm quyền vào ngày 22 tháng 5 năm 2014, trong một cuộc đảo chính được lên kế hoạch khéo léo, đảm bảo có ít sự phản kháng mang tính tổ chức.

Không như những gì đã xảy ra sau cuộc đảo chính trước đó tám năm, Tướng Prayuth lên nắm quyền và tự trao cho mình chức vụ thủ tướng.

Bất chấp những lời hứa hẹn rằng nhiệm kỳ của mình chỉ mang tính tạm thời, ông vẫn đảm nhận chức vụ thủ tướng kể từ thời điểm đó và định hình lại cơ cấu quyền lực của Thái Lan một cách sâu sắc.

Chính phủ quân sự của ông đã thông qua một hiến pháp mới vào năm 2017, đảm bảo rằng những người lãnh đạo cuộc đảo chính sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng của họ, phần lớn là thông qua thượng viện với 250 ghế do ông chỉ định, ngay cả sau khi quay trở lại chế độ dân chủ.

Ngày nay, thượng viện đó, gồm hầu hết là những người trung thành với hoàng gia thuộc tư tưởng bảo thủ như Tướng Prayuth, vẫn có quyền ngăn chặn liên minh theo chủ nghĩa cải cách đã giành được chiến thắng rõ ràng trong cuộc bầu cử gần đây.

Tướng Prayuth là một nhà lãnh đạo cộc tính, đôi khi dễ nổi cáu, ban đầu không quen với việc bị các nhà báo chất vấn về những quyết định của mình, những người từng bị ông đùa rằng lẽ ra đã nên tử hình họ.

Ông từng thể hiện sở thích ca hát của mình sau cuộc đảo chính bằng việc chấp bút cho những bản ballad với lời hứa hẹn mang lại hạnh phúc ấm no cho mọi người dân, và có thể thấy rõ sự thất vọng khi điều đó không xảy ra.

Chế độ của ông là một hình thức độc tài tương đối nương tay, nhưng chính phủ của ông không dung thứ cho những người bất đồng chính kiến, và hàng trăm người đã bị truy tố và bỏ tù theo một loạt các sắc lệnh quân sự và luật an ninh quốc gia, đáng chú ý nhất là luật khi quân hà khắc, được sử dụng rộng rãi để nhắm vào những người dám chất vấn về vai trò của chế độ quân chủ.

Tướng Prayuth tuy vẫn được lòng nhiều người dân Thái Lan lớn tuổi, nhưng lại trở thành ‘cái gai’ trong mắt những người biểu tình trẻ tuổi chống lại sự cai trị của quân đội.

Việc ông không có khả năng vực dậy nền kinh tế đang trì trệ của Thái Lan và tình trạng tham nhũng dai dẳng trong chính quyền của ông đã khiến nhiều người dân Thái Lan tin rằng – ông và phong cách lãnh đạo độc đoán của ông phải bị chấm dứt, giúp đảng mới Move Forward đầy sức trẻ với lời hứa chấm dứt sự can thiệp của quân đội bước vào chính trường, đạt vị trí số một gây rúng động sau cuộc bầu cử vừa qua.

Prayuth có thể coi thành tựu lớn nhất của mình là giúp điều hành một quá trình chuyển đổi đầy khó khăn của Hoàng gia Thái Lan từ vị Vua Bhumibol được tôn kính, người đã trị vì ngai vàng trong suốt 70 năm sang người con trai kém được lòng dân hơn, Vua Vajirusongkorn.

Đây cũng có thể đã là lý do chính cho cuộc đảo chính của ông.

Bài Liên Quan