Đặc sứ Mỹ về khí hậu John Kerry gặp đồng nhiệm Trung Quốc tại Bắc Kinh

Đặc sứ Mỹ về khí hậu John Kerry hôm nay, 17/07/2023, đã gặp đồng nhiệm Trung Quốc Giải Chấn Hoa (Xie Zhenhua) tại Bắc Kinh, đánh dấu việc nối lại đối thoại về hồ sơ này giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới và cũng là hai nước gây ô nhiễm nhiều nhất. 

Đăng ngày: 17/07/2023

Đặc sứ Mỹ về khí hậu John Kerry (T) gặp đồng nhiệm Trung Quốc Giải Chấn Hoa (Xie Zhenhua) tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 17/07/2023.
Đặc sứ Mỹ về khí hậu John Kerry (T) gặp đồng nhiệm Trung Quốc Giải Chấn Hoa (Xie Zhenhua) tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 17/07/2023. REUTERS – VALERIE VOLCOVICI

Thanh Phương

Đây là lần thứ ba ông Kerry đến Trung Quốc kể từ khi nhậm chức đặc sứ về khí hậu. Theo đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV, cuộc họp giữa ông John Kerry với ông Giải Chấn Hoa đã kéo dài 4 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, hiện chưa có chi tiết nào được công bố về nội dung cuộc họp.

Bắc Kinh đã đình chỉ cuộc đối thoại Mỹ-Trung về khí hậu cách đây gần một năm để phản đối chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ lúc đó là bà Nancy Pelosi. Nay hai nước đều có vẻ sẵn sàng mở lại các cuộc trao đổi, tuy rằng Washington tỏ thái độ cứng rắn với Bắc Kinh.

Trên đài CNN hôm qua, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết ông John Kerry sẽ kêu gọi Trung Quốc “không nên núp đằng sau vỏ bọc một nước đang phát triển để hạ thấp những cam kết chống biến đổi khí hậu”. Ông Sullivan tuyên bố: “ Mỗi quốc gia, kể cả Trung Quốc, đều phải có trách nhiệm cắt giảm lượng khí phát thải. Thế giới phải khuyến khích hơn nữa, thậm chí gây áp lực với Trung Quốc để nước này thi hành các biện pháp triệt để hơn giảm bớt lượng khí phát thải.

Theo hãng tin AFP, chính quyền tổng thống Joe Biden xem khí hậu là một trong hai lĩnh vực mà hai siêu cường có thể hợp tác với nhau. 

Là quốc gia phát ra lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới, Trung Quốc đã hứa đạt đến trung hòa carbon từ đây đến năm 2060. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã cam kết Trung Quốc sẽ giảm sử dụng than đá ngay từ năm 2026. Nhưng chính quyền Bắc Kinh vào tháng 4 vừa qua đồng ý cho tăng sản lượng điện than, khiến quốc tế nghi ngờ về thực tâm của Trung Quốc về chống biến đổi khí hậu.

Trả lời hãng tin AFP, bà Lauri Myllyvirta, nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu về năng lượng và không khí sạch, hy vọng chuyến đi của ông Kerry ít ra sẽ giúp đạt được tiến bộ trong kế hoạch hành động về khí methane. Đây là vấn đề mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận trong bản tuyên bố chung của hai nước sau các cuộc thương lượng về khí hậu ở Glasgow năm 2021. Nhưng theo bà Myllyvirta, từ đó cho đến nay, Trung Quốc chưa có tiến bộ nào trong vấn đề này

Bài Liên Quan