KGB của Khrouchtchev, gốc rễ ảnh hưởng Nga tại châu Phi

Gần đây dư luận nói nhiều đến ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga tại châu Phi. Vladimir Putin không phát triển mạng lưới ảnh hưởng của mình ở lục địa đen một cách ngẫu nhiên. Ông ta dựa  trên lịch sử quan hệ phong phú mà Liên Xô đã tạo dựng với các nước châu Phi kể từ những năm 1960 cùng những nỗ lực mà các điệp viên Nga đã triển khai trong bối cảnh Chiến tranh lạnh.

Đăng ngày: 19/07/2023

Người ủng hộ cuộc đảo chính của Ibrahim Traore tại Ouagadougou, Burkina Faso, mang cờ Nga diễu hành, ngày 02/10/2022
Người ủng hộ cuộc đảo chính của Ibrahim Traore tại Ouagadougou, Burkina Faso, mang cờ Nga diễu hành, ngày 02/10/2022 AP – Sophie Garcia

Anh Vũ

Mùa hè năm 1960 ở Cộng hòa Dân chủ Congo rất nóng. Đất nước này vừa giành được độc lập từ Bỉ vào tháng 6, một chính phủ được bầu cử dân chủ đầu tiên được thành lập. Tranh giành quyền lực  sau đó đã lên đến đỉnh điểm với cuộc đảo chính đầu tiên của Joseph-Désiré Mobutu vào tháng 9. Vài tháng sau đó thủ tướng Patrice Lumumba bị ám sát.

Nhận thấy Patrice Lumumba có thể là người bạn đường lý tưởng của Liên Xô, Matxcơva đã tìm cách cứu ông ta nhưng không thành vì họ  chỉ có được vài nhân viên tình báo tại chỗ. Cuộc đảo chính của Joseph-Désiré Mobutu năm 1960 được CIA hậu thuẫn tích cực là một thất bại đau đớn của tình báo Liên Xô KGB.

Tại Nga, chính sách đối ngoại của Điện Kremlin có bước ngoặt mới do cuộc khủng hoảng ở Congo thuộc Bỉ. Alexandre Chélépine, khi đó là người đứng đầu KGB, nhận ra rằng ông ta hầu như không có điệp viên nào trong vùng nam Sahara.

Với ông trùm gián điệp Liên Xô, một mạng lưới như vậy là không đủ. Nhất là khi với Nikita Khrushchev, đang nắm quyền ở Matxcơva, mở cửa với các nước thế giới thứ ba, đặc biệt là ở châu Phi, là một ưu tiên nhằm ghi dấu ấn đoạn tuyệt với người tiền nhiệm Joseph Stalin.

Và như thế, cuộc khủng hoảng Congo trở thành “trường hợp đầu tiên xác nhận sự can thiệp của KGB vào công việc nội bộ của một quốc gia châu Phi cận Sahara“, Natalia Telepneva, chuyên gia về lịch sử của các cơ quan tình báo Liên Xô ở châu Phi tại Đại học Strathclyde tại Glasgow, ghi nhận. Sự can thiệp này đánh dấu bưới khởi đầu cuộc đua giành ảnh hưởng của Nga ở châu Phi hiện nay.

Chiến tranh lạnh  “giá rẻ » tại châu Phi

Liên Xô  đã chậm chân trong lĩnh vực tình báo cho chiến lược gây ảnh hưởng. Cuộc khủng hoảng ở Congo là một bài học. “Matxcơva hiểu rằng Liên Xô không có nguồn lực như các cường quốc phương Tây hiện có ở châu Phi.

Các hoạt động tình báo là cách tốt nhất để tiến hành Chiến tranh lạnh ” giá rẻ “, Natalia Telepneva nhận xét. Hình ảnh  thân thiện của Liên Xô với châu Phi đã được củng cố bằng sự ủng hộ của cho đảng Đại hội Dân tộc Phi – ANC của Nelson Mandela, lúc đó đang đương đầu đấu tranh với chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid.

Các điệp viên Nga phải vất vả vun đắp hình ảnh này. Đó là sự khởi đầu của một chiến dịch lớn  “các biện pháp tích cực” – bao gồm những thứ mà ngày nay hay được gọi là các chiến chịch bóp méo thông tin và tuyên truyền – để vẽ lên một Liên Xô như là nhà ủng hộ không vụ lợi châu Phi phi thực dân hóa, trong khi Washington sẽ đại diện cho kẻ điều khiển rối, đứng trong bóng tối bày mưu chỉ để bảo vệ lợi ích của mình.

KGB triển khai mọi phương tiện: thao túng các phương tiện truyền thông địa phương, ngụy tạo tài liệu giả để biến CIA thành kẻ thù.

Từ giấc mơ Liên Xô đến thất vọng

Có thể dễ dàng nhận ra  những “biện pháp tích cực” chính là ông tổ của các hoạt động xuyên tạc trực tuyến của các “nhà máy tin giả troll” của Evgeny Prigozhin, trùm công ty đánh thuê Wagner. Nước Nga của Putin sử dụng phiên bản mới của câu chuyện Liên Xô ở châu Phi: Liên Xô thể hiện mình là nhà vô địch của quá trình phi thực dân hóa, trong khi ngày nay “Nga tuyên bố là đồng minh của chủ trương  liên Phi chống lại các cường quốc thực dân cũ“, Marcel Plichta giải thích . Chiến dịch của Nga nhằm khơi dậy tình cảm chống Pháp ở Cộng hòa Trung Phi (và Mali) chỉ là một ví dụ.

Nhưng tất cả những nỗ lực của KGB , đều không đạt được thành công, ít ra là không đạt được tầm như Matxcơva hy vọng. Natalia Telepneva nhận định : Liên Xô “nghĩ rằng những quốc gia này sẽ xích lại gần hệ tư tưởng cộng sản một cách tự nhiên và sẽ gần gũi với khối Xô Viết. Nhưng điều này phức tạp hơn dự kiến“.

Người bạn” đầu tiên của Liên Xô ở châu Phi cận Sahara, Kwame Nkrumah, cầm quyền ở Ghana trong sáu năm, đã bị lật đổ vào năm 1966. Hai quốc gia khác đã công khai đứng về phía Matxcơva – Mali dưới thời Modibo Keïta và Guinea dưới thời Ahmed Sékou Touré – đã không để lại ký ức nào về những thiên đường cộng sản. Lãnh đạo Mali bị lật đổ vào năm 1968, sau 8 năm cầm quyền, trong khi đó tổng thống Guinea nắm quyền hơn 25 năm, cho đến năm 1984, đứng đầu một chế độ tàn bạo.

Phải đợi đến khi có làn sóng phi thực dân hóa thứ hai và sự sụp đổ của đế chế  Bồ Đào Nha cũ ở châu Phi – Mozambique, Guinea-Bissau, Angola – vào những năm 1970, các hoạt động gây ảnh hưởng của Liên Xô mới được nối lại. Lần này, nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev khuyến khích các cơ quan tình báo “triển khai lại các nỗ lực của họ để tăng cường hợp tác quân sự và an ninh với quân đội của các quốc gia ’’bạn hữu“, Natalia Telepneva cho biết. Điện Kremlin thực sự đã nhận thức được đã đánh giá thấp vai trò của quân đội trong các cuộc tranh giành quyền lực ở châu Phi.

Liên Xô và quyền lực mềm

Liên Xô sau đó trở thành một trong những nhà cung cấp vũ khí quan trọng nhất cho các nước châu Phi.

Trong suốt mùa đông năm 1977, Ethiopia, được Liên Xô hậu thuẫn chống lại Somalia, đã chứng kiến ​​​​”cứ 20 phút lại có một máy bay Liên Xô chở đầy thiết bị quân sự cùng các chuyên gia quân sự“, theo tài liệu lưu trữ của Mitrokhine.

Phương pháp này làm ta liên tưởng đến cách tiếp cận của Vladimir Putin và nhóm Wagner. “Chiến lược chính của Matxcơva để mở rộng ảnh hưởng của mình ở châu Phi, ngoài việc gửi lính đánh thuê của Wagner, là nhân rộng các thỏa thuận hợp tác quân sự”, chuyên gia Marcel Plichta nhấn mạnh.

Trong Chiến tranh lạnh, hỗ trợ quân sự không chỉ giới hạn ở việc cung cấp vũ khí. Liên Xô cũng đã đào tạo hàng nghìn “chiến sĩ của tự do” tại nhà mình. Trung tâm huấn luyện -165 ở Perevalnoe tại Crimée, bán đảo của Ukraina bị Nga sáp nhập, là ví dụ rõ nhất nhất.

Sử dụng vũ khí chỉ là một trong số các bài huấn luyện khác. Chuyên gia Natalia Telepneva cho biết : “Ngoài ra còn có các khóa huấn luyện chính trị, bao gồm các chuyến du ngoạn đến các điểm du lịch, thăm các trang trại tập thể hoặc chiếu phim. Các khóa học cũng bao gồm phần giới thiệu về chủ Mác – Lênin và các cuộc thảo luận về lịch sử  thực dân hóa”.

Ngoài ra, Matxcơva đã sớm nhìn ra vai trò quan trọng của giáo dục trong việc thắt chặt quan hệ với châu Phi. Đây là mục đích thành lập Đại học Patrice-Lumumba, được Khrushchev khánh thành tại Matxcơva vào năm 1961. Trường đã đào tạo hơn 7.000 sinh viên từ 48 quốc gia châu Phi trong 50 năm ở các lĩnh vực khác nhau như vật lý, kinh tế hoặc hành chính công. Các sinh viên châu Phi cũng được nhận vào các cơ sở đào tạo  khác ở Liên Xô.

Đối với các điệp viên Nga, đó là nơi tuyệt vời để tìm kiếm những tân binh tiềm năng. Phó giám đốc Đại học Lumumba cũng làn người của KGB. Nhưng “đó không phải là điều quan trọng nhất đối với Matxcơva”, Konstantinos Katsakioris, chuyên gia về các vấn đề giáo dục ở châu Phi và Liên Xô cũ tại Đại học Bayreuth (Đức) nhận định. Quan trọng hơn là cải thiện hình ảnh của Liên Xô đối với người châu Phi. Tất cả những sinh viên này phải truyền bá những lời tốt đẹp nhất về Liên Xô khi họ trở về đất nước mình.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Matxcơva, quá bận rộn với chuyện nội bộ, đã dần dần rút khỏi châu Phi. Nhưng tất cả những cựu sinh viên được đào tạo ở Liên Xô cũ này còn ở đó. Vào năm 2014, tổng thống Vladimir Putin quyết định trở lại vào lục địa châu Phi để tìm kiếm các đồng minh mới nhằm thoát thế cô lập ngoại giao sau vụ  sáp nhập Crimée. Ông biết rằng các điệp viên của mình có thể tìm thấy bạn bè ở đó. Marcel Plichta nhấn mạnh: “Các binh sĩ và sinh viên thời trẻ đã học ở Liên Xô. Một số người trong số họ giờ đã là những người có ảnh hưởng ở đất nước mình ». Ở đó có nhiều người có thể trở thành tai, mắt của  Vladimir Putin ở châu Phi.

(Tóm lược từ france24.com)

Bài Liên Quan