Gần 40 doanh nghiệp gỗ dán cứng Việt Nam bị Bộ Thương Mại Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp

2023.07.21

Gần 40 doanh nghiệp gỗ dán cứng Việt Nam bị Bộ Thương Mại Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp

Theo phán quyết cuối cùng liên quan của DOC, Bộ này giữ nguyên kết luận trong phán quyết sơ bộ cho năm kịch bản sản xuất thuộc phạm vi sản phẩm điều tra.

Công Thương

Bộ Thương Mại Hoa Kỳ (DOC) sẽ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với 37 doanh nghiệp gỗ dán cứng Việt Nam.

Hiệp hội Gỗ & Lâm sản (HHGLS) Việt Nam thông báo như vừa nêu. Cụ thể vào ngày 17/7 vừa qua, DOC ban hành phán quyết cuối cùng về vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mặt hàng gỗ dán cứng nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ. Phán quyết cuối cùng được đưa ra sau bảy lần trì hoãn.

Theo phán quyết cuối cùng liên quan của DOC, Bộ này giữ nguyên kết luận trong phán quyết sơ bộ cho năm kịch bản sản xuất thuộc phạm vi sản phẩm điều tra. Tuy vậy DOC xem xét lại ba kịch bản: ván mặt trước và sau, có các thành phần lõi đã lắp ráp (ví dụ: các tấm ván lõi) sản xuất tại Trung Quốc và lắp ráp tại Việt Nam; các tấm ván lõi đã lắp ráp hoàn chỉnh được sản xuất tại Trung Quốc sau đó kết hợp lớp với lớp ván mặt trước và/hoặc mặt sau được sản xuất ở Việt Nam hoặc một nước thứ ba; tấm lõi dán nhiều lớp được sản xuất tại Trung Quốc được kết hợp ở Việt Nam để sản xuất các tấm ván lõi và được kết hợp với tấm mặt trước và/hoặc mặt sau sản xuất tại Trung Quốc, Việt Nam, hoặc một quốc gia thứ ba.

Hai kịch bản còn lại bị cho lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp gồm: tấm mặt trước, sau và các tấm lõi riêng biệt được sản xuất ở Trung Quốc và được lắp ráp thành gỗ dán cứng tại Việt Nam; những tấm lõi riêng lẻ được sản xuất tại Trung Quốc và chế biến thành một tấm lõi ở Việt Nam và được kết hợp với một tấm mặt trước và/hoặc sau được sản xuất ở Việt Nam và quốc gia thứ ba khác.

Phán quyết cũng đưa hai doanh nghiệp ra khỏi danh sách 22 doanh nghiệp thất bại trong trả lời bảng câu hỏi đối với doanh nghiệp bị áp dụng dữ liệu thực tế bất lợi (AFA). Có bốn doanh nghiệp từng được xác định có hợp tác trong phán quyết sơ bộ bị liệt vào danh sách các công ty từ chối và không xác minh trong phát quyết cuối cùng.

37 doanh nghiệp bị áp mức thuế dựa vào thông tin bất lợi sẵn có (AFA) gồm mức đặt cọc nêu trong phán quyết sơ bộ là hơn 183% đối với thuế chống bán phá giá, và gần 23% cho thuế chống trợ cấp. Ngoài ra các doanh nghiệp này không được hưởng cơ chế tự xác nhận.

Bài Liên Quan