Lính Mỹ vượt biên sang Bắc Hàn: Mỹ sẽ đàm phán ra sao?

Travis King, mặc áo sơ mi đen và đội mũ lưỡi trai đen, được trông thấy trong chuyến tham quan khu phi quân sự trước khi vượt biên
Chụp lại hình ảnh,Travis King, mặc áo thun đen và đội mũ lưỡi trai đen trong chuyến tham quan Khu phi quân sự DMZ trước khi vượt biên sang Bắc Hàn

  • Tác giả,Chelsea Bailey
  • Vai trò,BBC News, từ Washington
  • 26 tháng 7 2023

Số phận của Travis King, một người lính Mỹ vượt biên sang Bắc Hàn cho đến nay vẫn là một ẩn số. Các chuyên gia nhận định Mỹ đang trong giai đoạn quan trọng để đàm phán đưa người lính này về nước.

Thách thức trong chuyện này là Mỹ chưa bao giờ có quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Hàn.

Do đó, Mỹ dựa vào một mạng lưới các kênh không công khai để đàm phán về việc trao trả các công dân của họ bị giam giữ tại quốc gia này.

Người lính 23 tuổi được cho đang bị chính quyền Bắc Hàn giam giữ và thẩm vấn.

Binh nhì King được nhìn thấy lần cuối cách đây một tuần khi chạy qua khu phi quân sự DMZ phân định hai miền Bắc và Nam Triều Tiên. Kể từ đó, căng thẳng đã leo thang trong khu vực, với việc Bắc Hàn phóng hai tên lửa đạn đạo ra biển vào cuối ngày 24/7 sau khi một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ cập cảng ở Hàn Quốc.

“Tất cả các bên đang cố gắng hiểu chuyện gì đã xảy ra và phải làm gì”, Mickey Bergman, Giám đốc điều hành của trung tâm Richardson Center for Global Diplomacy cho biết.

Ông Bergman, người có gần 20 năm đàm phán để trao trả công dân Mỹ từ các quốc gia đối địch, cho biết cơ hội tốt nhất để phóng thích một tù nhân là ngay sau khi họ bị giam giữ. Đây là lúc họ có khả năng bị các quan chức thẩm vấn nhưng trước khi họ đã bị buộc tội, chẳng hạn như làm gián điệp.

Chính vào thời điểm trước khi mọi chuyện ngã ngũ, các nhà đàm phán có thể tranh thủ tinh thần nhân đạo một cách tốt nhất, ông Bergman cho hay.

“Tôi nghĩ có một quan niệm sai lầm về đàm phán là gì,” ông nói.

“Nếu chúng ta vỗ ngực, lật bàn và yêu cầu những người Bắc Hàn ác độc trao trả binh lính của chúng ta, chúng ta có thể sẽ khiến họ phải dàn trận địa.”

Đây là cách Mỹ đã đàm phán trước đây để các công dân Mỹ được phóng thích.

Kênh New York

Bởi vì Mỹ chưa bao giờ xác lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Hàn, nên trong các sự kiện liên quan đến tù nhân, Thụy Điển đã đóng vai trò trung gian từ đại sứ quán của họ ở Bình Nhưỡng và giúp chuyển tiếp thông tin liên lạc tới các quan chức Bắc Hàn.

Nhưng cũng có những kênh không chính thức. Bắc Hàn duy trì một phái bộ tại Liên Hiệp Quốc ở New York. Khi khủng hoảng xảy ra, nhiệm vụ – được mệnh danh là Kênh New York (The New York Channel) – đã trở thành nơi các quan chức từ hai nước tổ chức các cuộc đàm phán.

Đại sứ Robert King, ảnh năm 2014, là cựu đặc phái viên của Mỹ về các vấn đề nhân quyền của Bắc Hàn
Chụp lại hình ảnh,Đại sứ Robert King, ảnh năm 2014, là cựu đặc phái viên của Mỹ về các vấn đề nhân quyền của Bắc Hàn

Trong nhiều năm, ông Robert King là một trong những người đầu tiên được liên lạc khi một người Mỹ bị Bắc Hàn bắt giữ. Với tư cách là cựu đặc phái viên về Nhân quyền Bắc Hàn tại Bộ Ngoại giao Mỹ, đại sứ đã giúp đàm phán để trả tự do cho nhiều người bị giam giữ bao gồm sinh viên Otto Warmbier và nhà truyền giáo người Mỹ Kenneth Bae.

Sau 17 tháng bị giam cầm, sinh viên đại học Mỹ Otto Warmbier đã được Bắc Hàn trả tự do vào năm 2017 trong tình trạng hôn mê. Anh trở về Mỹ với tổn thương não nặng và qua đời vài ngày sau khi đoàn tụ với gia đình.

Cái chết của Otto Warmbier đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn thế giới và gia đình anh đã đưa ra những cáo buộc ngược đãi và tra tấn đối với người Bắc Hàn.

Sau quãng thời gian công tác ngoại giao ngắn dưới thời chính quyền Trump, ông King cho biết những căng thẳng chính trị mới giữa hai nước thường ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán, khiến những người bị giam giữ trở thành quân cờ trong các cuộc chiến địa chính trị lớn hơn.

“[Người Bắc Hàn] coi việc này là ‘làm thế nào để chúng ta tận dụng cơ hội này để làm xấu mặt nước Mỹ?’ Và bất cứ chuyện gì xảy ra sẽ không phải là một kết cục tốt đẹp,” ông King nói.

Ngoại giao bên lề

Trong gần 20 năm, ông Bergman đã làm việc cùng với cựu Thống đốc bang New Mexico, Bill Richardson để bảo đảm việc phóng thích các tù nhân từ các quốc gia đối địch với Mỹ.

Mặc dù Trung tâm Richardson Center không liên quan đến vụ Travis King, nhưng ông Bergman cho biết theo kinh nghiệm của mình, khi nói đến Bắc Hàn, không có một sách lược nào cho các cuộc đàm phán.

Thay vào đó, ông nói, tốt nhất là tiếp cận các cuộc đàm phán căng thẳng thông qua cái mà ông gọi là “nền ngoại giao bên lề”.

Các tổ chức nhân đạo và phi lợi nhuận của Mỹ đã cung cấp viện trợ cho người dân Bắc Hàn trong nhiều thập niên. Khi các kênh chính thức bị đình trệ, các kênh phụ phi chính phủ này thường được huy động để đại diện gia đình người bị bắt giam để thương lượng.

Một tổ chức phi chính phủ tách biệt khỏi chính phủ Mỹ sẽ có lợi, theo ông Bergman, vì họ cho phép các cuộc đàm phán chỉ tập trung vào người bị giam giữ có ổn không và có được quay về không, thay vì chính trị toàn cầu.

“Mọi người có thể nói với chúng tôi về các vấn đề chính sách nhưng chúng tôi không thể làm gì cả”, ông cho biết. “Chúng tôi có nhiều khả năng để giải quyết vấn đề và đưa ra các cách giải quyết cho một số tình huống hơn.”

Theo ông Bergman, thế giới thường tập trung vào thời điểm “can thiệp”, khi một tù nhân chính trị được giải cứu và trở về nhà. Nhưng khoảnh khắc đó không thể xảy ra nếu không có nhiều năm cùng tham gia mang tính thực chất, ông nói.

“Cần phải xây dựng các mối quan hệ để khi cuộc khủng hoảng xảy đến, bạn không phải bắt đầu lại từ đầu.”

Các yếu tố phức tạp

Nhưng dịch Covid đã khiến cả hai con đường đàm phán này trở nên khó khăn hơn.

Bắc Hàn đã đóng cửa biên giới hoàn toàn trong đại dịch và ông Bergman cho biết không rõ liệu Đại sứ quán Thụy Điển tại Bình Nhưỡng có hoạt động bình thường trở lại hay không.

Vấn đề còn phức tạp hơn nữa, sau một thời gian ngắn nỗ lực ngoại giao, chính quyền Trump đã áp đặt lệnh cấm người dân đi lại tới Bắc Hàn, khiến hộ chiếu và thị thực của Mỹ trở nên vô hiệu.

Ông Bergman cho biết lệnh cấm vẫn được áp dụng dưới thời chính quyền Biden và đã chấm dứt hiệu quả của các con đường nhân đạo.

“Bắc Hàn là quốc gia duy nhất trên thế giới mà người Mỹ nếu đi du lịch đến đó là bất hợp pháp,” ông nói. “Người Bắc Hàn coi đó là một sự xúc phạm.”

Otto Warmbier qua đời vài ngày sau khi trở về Mỹ sau thời gian bị giam giữ ở Bắc Hàn
Chụp lại hình ảnh,Otto Warmbier qua đời vài ngày sau khi trở về Mỹ sau thời gian bị giam giữ ở Bắc Hàn

Ông Bergman, người đã tham gia vào các cuộc đàm phán để trả tự do cho sinh viên Warmbier, cho biết ông tin rằng phản ứng quốc tế về cái chết của Otto Warmbier đã thay đổi quan điểm của Bắc Hàn về những người bị giam giữ vì chính trị, và quốc gia này có thể dễ dàng thỏa hiệp hơn.

“Sau khi giải quyết các cuộc đàm phán của Otto Warmbier, và kết quả rất bi thảm, tôi tin rằng người Bắc Hàn đã chọn không chơi trò tù nhân chính trị nữa”, ông nói.

Nhưng liệu điều đó có nghĩa là binh nhì Travis King của quân đội Mỹ sẽ được trả tự do nhanh chóng hay không, vẫn còn phải chờ xem, ông cho biết.

Bài Liên Quan