Đảo chính tại Niger : Hoa Kỳ ủng hộ giải pháp ngoại giao và nỗ lực của Tây Phi

Trả lời phỏng vấn đài RFI hôm nay, 08/08/2023, đề cập đến tình hình Niger, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định ngoại giao là “cách tốt hơn” để giải quyết khủng hoảng ở Niger và Washington ủng hộ những nỗ lực của cộng đồng Tây Phi để vãn hồi dân chủ ở quốc gia này.

Đăng ngày: 08/08/2023

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken họp báo ở Jakarta, Indonesia, ngày 14/07/2023.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken họp báo ở Jakarta, Indonesia, ngày 14/07/2023. REUTERS – AJENG DINAR ULFIANA

Anh Vũ

Sau khi tối hậu thư của khối Tây Phi hết hạn, từ hôm qua đã xuất hiện những tín hiệu về khả năng hòa giải với phe quân sự đảo chính. Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (Cedeao) hôm qua thông báo triệu tập cuộc họp thượng đỉnh vào ngày 10/08 tới tại Abuja (Nigeria) để tìm giải pháp mới giải quyết tình hình Niger.

Tại cuộc họp thượng đỉnh lần trước hôm 30/07, cũng tại Abuja, lãnh đạo các nước Tây Phi đã ra tối hậu thư cho giới quân sự làm đảo chính tại Niger, trong 2 tuần phải phục hồi tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum, kèm theo đe dọa can thiệp quân sự. Nhưng tối hậu thư đã hết hạn đêm Chủ Nhật, phe đảo chính không có một nhượng bộ nào. Tuy nhiên cộng đồng Tây Phi cũng như nhiều cường quốc phương Tây vẫn chủ trương tìm kiếm giải pháp chính trị.

Hôm qua, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ , bà Victoria Nuland, với vai trò đặc sứ của chính quyền Washington, đã tới Niamey gặp được những lãnh đạo của phe đảo chính. Qua điện thoại, bà Nuland cho báo chí biết : “các cuộc thảo luận đã diễn ra cực kỳ thẳng thắn và đôi lúc khá khó khăn”.

Bà Nuland đã gặp các tướng lĩnh của phe đảo chính, đề nghị một số giải pháp. Tuy nhiên bà cho biết không tiếp xúc được thủ lĩnh đang nắm quyền, tướng Abdourahamane Tiani cũng như tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum.

Về phần mình, phe đảo chính hôm qua sau khi ra lệnh đóng không phận Niger, đã thông báo chỉ định thủ tướng mới, ông Ali Mahaman Lamine Zeine, cựu bộ trưởng Tài Chính dưới tổng thống Mamadou Tandja.

Nhiều nước châu Phi khác như Algerie, Mali, Burkina Faso trong những ngày qua đã lên tiếng phản đối giải pháp quân sự, cho rằng một cuộc can thiệp quân sự sẽ là tai họa khiến tình hình khu vực trở nên hỗn loạn.

Bài Liên Quan