Philippines mua tàu chiến, tàu ngầm nhằm hiện đại hóa hải quân

Philippines mua tàu chiến, tàu ngầm nhằm hiện đại hóa hải quân

Ngày đăng 09-09-2019

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã phê duyệt kế hoạch mua hai tàu ngầm và nhiều tàu chiến mới nhằm hiện đại hóa lực lượng hải quân để đối phó với những mối đe dọa an ninh hàng hải và bảo vệ chủ quyền trên biển.

Tàu ngầm Type 212 do Đức sản xuất

Hải quân Philippines (28/8) cho biết, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã phê duyệt kế hoạch mua hai tàu ngầm, tám tàu tấn công nhanh mới có khả năng mang tên lửa với tốc độ lên tới 40 hải lý/giờ, sáu tàu tuần tra xa bờ mới, hai tàu hộ tống mới, tân trang, sửa chữa hai tàu hộ tống lớp Pohang và tàu BRP Conrado Yap. Bên cạnh việc trang bị thêm các tàu này, Hải quân Philippines cũng đang cố gắng thúc đẩy khả năng tự đóng tàu. Bốn trong số tám tàu tấn công nhanh có khả năng mang theo tên lửa cũng sẽ được chế tạo tại nước này.

Theo Philstar, Chính phủ Philippines đã quyết định mua 2 chiếc tàu ngầm thông thường tối tân hàng đầu hiện nay là Type 212 do Đức sản xuất. Dù không rõ bản hợp đồng đã chính thức được ký kết hay chưa nhưng Hải quân Philippines đã điều đến Đức (một số lượng không xác định) sĩ quan hải quân để học vận hành tàu ngầm. Theo giới thiệu của nhà sản xuất, Type 212 được trang bị hàng loạt công nghệ quân sự đỉnh cao NATO. Đặc biệt nhất là hệ thống đẩy không khí độc lập AIP giúp tàu ngầm Type 212 có lặn với thời gian lâu hơn, vượt xa thời gian lặn tối đa của lớp tàu ngầm Kilo 636 của Nga hay Scorpene của Pháp. Điều làm nên sự khác biệt của Type 212 là việc chúng được thiết kế thủy động lực học độc đáo cho phép tàu ngầm này hoạt động ở những vùng nước sâu chỉ 17m. Điều đó cho phép nó tiếp cận bờ biển gần hơn so với bất kỳ loại tàu ngầm nào trên thế giới.

Về hỏa lực, tàu ngầm Type 212 được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533mm có thể triển khai nhiều loại ngư lôi hiện đại như ngư lôi dẫn đường bằng cáp quang DM2A4 có tầm bắn lên tới 50km; ngư lôi WASSS A184 Mod 3; ngư lôi Black Shark và tên lửa hành trình chống hạm Harpoon. Tuy kém hơn Kilo 636 ở hệ thống tên lửa hành trình, nhưng bù lại Type 212 sở hữu hảo lực phòng không đáng gờm với hệ thống tên lửa IDAS dẫn đường bằng cáp quang có tầm phóng tới 20km (xa hơn hệ thống phòng không kiểu vác vai trên các tàu ngầm Nga). Đặc biệt hơn, Type 212 thiết kế bệ phóng cho 3 UAV làm nhiệm vụ trinh sát, cũng như một khẩu pháo nhỏ 30mm Murane có thể hỗ trợ hoạt động tác chiến dưới nước. Căn cứ vào nhiệm vụ có thể hoàn thành của Type 212 cho thấy, một khi Philippines chính thức được trang bị, Type 212 sẽ là tàu ngầm điện-diesel hàng đầu thế giới vùng vẫy tại Biển Đông.

Trong khi đó, BRP Conrado Yap được đánh giá là tàu chiến mạnh nhất của Hải quân Philippines. BRP Conrado Yap dài 88,3m, trục ngang 10m, độ mớn nước 2,9m; khi đầy tải, trọng lượng của con tàu vào khoảng 1.216 tấn. Nó có thể chở theo một thủy thủ đoàn gồm 118 người và hoạt động liên tiếp trong 20 ngày; được trang bị 2 tuabin khí, con tàu có thể đạt tốc độ tối đa là 59 km/h với tầm hoạt động lên tới 7.400 km.  Hệ thống vũ khí được trang bị trên BRP Conrado Yap gồm 2 khẩu pháo OtoMelara 76mm, 2 khẩu pháo Otobreda 40 mm, 2 ống phóng ngư lôi giúp tàu có khả năng chống hạm, chống ngầm và phòng không mạnh mẽ. 

Tư lện Hải quân Philippines, Phó Đô đốc Robert Empedrad cho biết, “Philippines sẽ cải thiện năng lực của nhà máy đóng tàu hải quân và Manila có khả năng đóng các con tàu trong tương lai”; khẳng định việc này rất quan trọng vì Bộ trưởng Quốc phòng đang củng cố năng lực phòng thủ để cải thiện khả năng của lực lượng vũ trang; nhấn mạnh với sự xuất hiện của những con tàu này, Hải quân Philippines sẽ có khả năng “tuần tra vùng biển của mình”.

Được biết, Bộ Quốc phòng Philippines đang huy động 554 triệu USD ngân sách cho hải quân vào năm 2020, tăng 4,3% so với khoản ngân sách năm nay. Nỗ lực hiện đại hóa của Hải quân Philippines diễn ra trong bối cảnh nước này đang gặp phải các vấn đề an ninh hàng hải như việc tàu chiến Trung Quốc đi lại trái phép trong vùng biển Philippines và tranh chấp trên biển Đông vẫn đang diễn biến căng thẳng.

Bài Liên Quan