Sau F-16V Viper, Đài Loan muốn sở hữu F-35 của Mỹ để tăng cường năng lực tác chiến

Sau F-16V Viper, Đài Loan muốn sở hữu F-35 của Mỹ để tăng cường năng lực tác chiến

Ngày đăng 09-09-2019

Hãng tin Sputnik của Nga cho biết, sau thương vụ mua 66 chiếc máy bay chiến đấu F-16V Viper của Mỹ, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã yêu cầu Washington bán tiếp tiêm kích tàng hình đa năng F-35, nhưng tới thời điểm này Mỹ chưa đồng ý.

Đài Loan muốn sở hữu F-35

Theo thông tin trên, bà Thái Anh Văn muốn mua F-35 nhằm nâng cao năng lực tác chiến và phòng không để đối phó với các mối uy hiếp về an ninh từ Trung Quốc. Tuy nhiên, theo nhận định của giới truyền thông và chuyên gia quốc tế, ít khả năng Mỹ sẽ đồng ý bán F-35 cho Đài Loan trong bối cảnh hiện nay.

F-35 Lightning II là máy bay chiến đấu hiện đại hàng đầu của Mỹ, nó là tên gọi chung cho 3 biến thể máy bay khác nhau dựa trên thiết kế cơ sở X-35 của dự án phát triển máy bay tiêm kích bom phối hợp (JSF) một chỗ ngồi, có khả năng tàng hình, có thể thực hiện đa nhiệm vụ như: yểm trợ cận chiến (CAS), ném bom chiến thuật và chiến đấu không đối không. Dự án JSF là dự án nghiên cứu và chế tạo vũ khí lớn nhất cho Mỹ và các nước đồng minh kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thể hiện qua số lượng máy bay dự tính chế tạo trong khoảng thời gian tới năm 2035 lên tới hàng nghìn chiếc, trung bình dự kiến chế tạo hơn 100 chiếc mỗi năm. Việc phát triển F-35 đã được đưa vào kế hoạch tài chính của Mỹ, Vương quốc Anh và các chính phủ liên minh khác. Nó được thiết kế và chế tạo bởi tập đoàn Lockheed Martin và các nhà thầu quốc phòng chủ chốt khác là Pratt & Whitney, BAE Systems và Northrop Grumman. Tổng kinh phí ước tính phục vụ nghiên cứu phát triển, thử nghiệm và chế tạo số lượng máy bay 2,456 chiếc (trong đó có 14 chiếc dùng để thử nghiệm) của cả ba biến thể lên tới 406.1 tỷ đô la Mỹ. Trong đó, F-35A CTOL – loại cất và hạ cánh bình thường, thay thế F-16; F-35B STOVL – loại cất cánh khoảng cách ngắn và đáp thẳng xuống, thay thế AV-8B; F-35C phiên bản trang bị cho hàng không mẫu hạm thay thế F-18.

Về cấu tạo, F-35 dài 15,37 m (50 ft 6 in), sải cánh 10,6 m (35 ft), cao 4,33 m (17 ft 4 in); diện tích bề mặt cánh 42,7 m² (459.6 ft²); trọng lượng không tải 12.000 kg (26.000 lb); trọng lượng có tải 20.100 kg (44.400 lb); trọng lượng cất cánh lớn nhất 27.200 kg (60.000 lb). F-35 được trang bị 01 động cơ General Electric/Rolls-Royce F136 có đốt sau, lực đẩy > 178 kN (40.000 lbf); 01 động cơ nâng (STOVL) kết hợp với cả hai loại động cơ F135 hay F136, lực nâng 80 kN (18.000 lbf); Tốc độ lớn nhất 1,6 Mach (1.930 km/h; 1.200 mph), tầm bay tối đa 2.200 km (1.200 nmi; 1.400 mi), bán kính chiến đấu 1.100 km (600 nmi; 690 mi); Lực nâng của cánh 526 kg/m² (91,4 lb/ft²), tỉ lệ lực đẩy/khối lượng khi đầy nhiên liệu 0,968; khi nạp 50% nhiên liệu: 1,22. F-35 được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, gồm: 1 × pháo GAU-12/U 25 mm gắn trong thân F-35A với 180 quả đạn hoặc gắn bên ngoài cánh F-35B và F-35C với 220 quả đạn; tối đa 8.100 kg bom, tên lửa hoặc vũ khí khác; trong thân máy bay, tối đa 4 tên lửa đối không AIM-120 AMRAAM, AIM-9X Sidewinder hay AIM-132 ASRAAM hoặc 2 tên lửa đối không và 2 tên lửa đối đất (tối đa 2 vũ khí nặng đến 2.000 lbs trên các kiểu A và C; 2 vũ khí nặng đến 1.000 lbs trên kiểu B) trong khoang chứa bom. Chúng có thể là kiểu AMRAAM, Joint Direct Attack Munition (JDAM) – cho đến 2.000 lb (910 kg), Joint Standoff Weapon (JSOW), Small Diameter Bombs (SDB) – tối đa 4 đơn vị vũ khí cho mỗi khoang, tên lửa chống tăng Brimstone, Cluster Munitions (WCMD) và High Speed Anti-Radiation Missiles (HARM). Tên lửa đối không MBDA Meteor đang được cải biến để lắp vừa bên trong và có thể trang bị cho F-35. Đáng chú ý, bằng cách đánh đổi tính năng tàng hình (dễ phát hiện hơn bằng radar), nhiều tên lửa, bom và thùng nhiên liệu phụ có thể gắn trên 4 đế dưới cánh và 2 vị trí đầu chót cánh. Vị trí đầu chót cánh chỉ mang được tên lửa đối không tầm ngắn (AIM-9), trong khi Storm Shadow và tên lửa hành trình JASSM có thể được mang bổ sung ở các vị trí khác. Vũ khí đối không có thể mang (cả trong và ngoài thân) gồm 12 tên lửa AIM-120 và 2 tên lửa AIM-9; hoặc 6 bom 2.000 lb, 2 tên lửa AIM-120 và 2 tên lửa AIM-9. Không những vậy, F-35A CTOL còn được trang bị vũ khí năng lượng định hướng, bao gồm vũ khí laser bán dẫn và vũ khí chùm sóng ngắn năng lượng cao, sắp được đưa ra sử dụng.

Phản ứng của Trung Quốc

Ngay sau khi Mỹ đồng ý bán 66 máy bay F-16 cho Đài Loan, Trung Quốc đã đưa ra những phản ứng cứng rắn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (16/8) chỉ trích “phía Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc một nước Trung Quốc và 3 thông cáo chung Trung-Mỹ, can thiệp vào các công việc nội bộ của Trung Quốc và hủy hoại các lợi ích chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hối thúc Mỹ ngừng hoạt động bán vũ khí và giao thiệp quân sự với Đài Loan, nếu không, phía Trung Quốc chắc chắn sẽ triển khai các biện pháp trả đũa và Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm đối với tất cả những hậu quả liên quan.Người phát ngôn Văn phòng Sự vụ Đài Loan thuộc Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc Mã Hiểu Quang cũng cảnh báo phía Mỹ cần phải chấm dứt việc phát đi tín hiệu sai lầm nghiêm trọng cho thế thực ly khai chủ trương Đài Loan độc lập. Theo ông Mã Hiểu Quang, “bất cứ thế lực nào đều không được đánh giá thấp quyết tâm và năng lực của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.

Thượng tá Tào Nghiêm Trung, nhà nghiên cứu tại Viện hàn lâm khoa học quân sự thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA)cho rằng các chiếc F-16 mới sẽ “vô dụng” trong việc cải thiện khả năng tác chiến của Đài Loan để chống lại quân đội đại lục. Theo ông Tào Nghiêm Trung, “thỏa thuận này chỉ tăng thêm gánh nặng tài chính cho người dân Đài Loan và chỉ có lợi cho những nhà buôn bán vũ khí Mỹ. Đài Loan đang chi trả cho người Mỹ để mua sự bảo vệ, nhưng điều này sẽ không có tác dụng và không thể bảo vệ họ”, đồng thời nhấn mạnh “không ai có thể nghi ngờ quyết tâm và khả năng của PLA trong việc bảo đảm an ninh quốc gia, tái thống nhất và chủ quyền của chúng tôi”.Ngoài ra, thiếu tướng Trần Dung Đế, đứng đầu về nghiên cứu chiến tranh ở Viện hàn lâm khoa học quân sự thuộc PLA, cảnh báo Bắc Kinh sẽ không “ngồi yên” về thương vụ mua bán F-16. “Như tôi biết, Trung Quốc sẽ trừng phạt những công ty liên quan đến vụ mua bán này. Và tất nhiên, chúng tôi không loại trừ lựa chọn sử dụng các biện pháp khác”.

Trong khi đó, Giáo sư trợ lý Diệp Diệu Nguyên thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế của Đại học St. Thomas ở Texas (Mỹ) cho rằng trong quan hệ quốc tế, biện pháp trả đũa phổ biến nhất là trừng phạt kinh tế.Tuy nhiên, hiện nay, Trung Quốc không có nhiều khả năng để trừng phạt kinh tế Mỹ, bởi Trung Quốc vẫn cần dựa vào Mỹ để phát triển kinh tế. Hơn nữa, đa số doanh nghiệp tham dự vào chương trình bán vũ khí cho Đài Loan không có quan hệ thương mại với Trung Quốc.Cho nên, phản ứng của Trung Quốc một mặt nhằm biểu lộ sự bất mãn với việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, mặt khác muốn nói với người dân trong nước rằng “chính phủ đã kịch kiệt phản đối việc Đài Loan tăng cường mua sắm vũ khí gây ra xung đột và phá hoại hòa bình giữa hai bờ eo biển”.Nhiều chuyên gia cho rằng tuy hiện nay Trung Quốc gần như không có biện pháp trả đũa Mỹ, nhưng có thể hướng mũi nhọn vào Đài Loan. Vấn đề ở chỗ cùng với các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ rầm rộ ở Hồng Kông, các biện pháp trừng phạt Đài Loan có thể làm gia tăng tinh thần rời xa Trung Quốc ở hòn đảo này.

Bài Liên Quan