Sương mù Indonesia khiến bầu trời trở nên đỏ rực

Sương mù Indonesia khiến bầu trời trở nên đỏ rực

Village of Mekar Sari in Jambi province
Image captionTình trạng sương mù ở tỉnh Jambi của Indonesia trông như một cảnh trong phim sau ngày tận thế

Bầu trời trên một tỉnh của Indonesia chuyển màu đỏ ối hồi cuối tuần, do các vụ cháy rừng lan rộng đang hoành hành ở nhiều vùng nước này.

Một người dân tỉnh Jambi, người chụp các bức ảnh bầu trời đỏ ối, cho biết khói mù đã “làm bà đau mắt và đau họng”.

Hàng năm, cháy rừng ở Indonesia tạo một lớp khói sương mù thường bao phủ cả khu vực Đông Nam Á.

Một chuyên gia khí tượng nói với BBC bầu trời khác thường này là do một hiện tượng được gọi là tán xạ Rayleigh.

Eka Wulandari, từ làng Mekar Sari, tỉnh Jambi, chụp được bầu trời đỏ rực trong loạt ảnh chụp vào lúc trưa hôm thứ Bảy ngày 21/9. Tình trạng sương mù đặc biệt “dày đặc vào hôm”, bà cho biết.

Village of Mekar Sari in Jambi province
Image captionNgười chụp ảnh bác bỏ tin đồn cho rằng những bức ảnh là giả

Cô gái 21 tuổi đăng các bức ảnh trên Facebook. Chúng đã được chia sẻ hơn 34.000 lần.

Nhưng cô nói với BBC Indonesia nhiều người trên mạng nghi ngờ liệu các bức ảnh có thật hay không.

“Nhưng chúng là thật. Đó là ảnh và video thật mà tôi chụp bằng điện thoại của tôi,” cô nói, và cho biết thêm tình trạng sương mù vẫn rất nghiêm trọng hôm thứ Hai.

Village of Mekar Sari in Jambi province
Image captionLàng Mekar Sari có màu đỏ sẫm

Một người dùng Twitter đăng một video cũng cho thấy bầu trời màu đỏ tương tự.

“Đây không phải là sao hỏa. Đây là [tỉnh] Jambi,” người dùng có tên Zuni Shofi Yatun Nisa viết. “Loài người chúng ta cần không khí sạch, chứ không cần khói”.

Cơ quan khí tượng BMKG nói những hình ảnh vệ tinh cho thấy một số điểm nóng và “có phân bổ khói dày đặc” trong khu vực quanh tỉnh Jambi.

Giáo sư Koh Tieh Yong, thuộc Đại học Khoa học Xã hội Singapore, giải thích rằng hiện tượng này, còn gọi là tán xạ Rayleigh, là do những loại hạt nhất định xuất hiện nhiều hơn trong giai đoạn xảy ra sương mù.

“Trong sương mù đặc khói, những hạt phổ biến nhất có kích thước khoảng 1 micromet, nhưng những hạt này không làm thay đổi màu của ánh sáng mà chúng ta nhìn thấy,” ông cho BBC biết.

“Có những hạt nhỏ hơn, khoảng 0,05 micromet hay nhỏ hơn nữa, thường không chiếm nhiều trong thành phần sương mù nhưng vẫn xuất hiện nhiều hơn trong giai đoạn sương mù [hơn là trong giai đoạn không có sương mù]… cũng đủ để dễ gây tán xạ ánh sáng đỏ theo hướng từ trước ra sau hơn so với ánh sáng xanh lam – và đó là lý do vì sao bạn sẽ thấy màu đỏ nhiều hơn màu xanh lam.”

Ông cho biết thời điểm các bức ảnh được chụp vào buổi trưa cũng có thể khiến bầu trời trông đỏ rực hơn.

“Nếu mặt trời ở trên đỉnh đầu và bạn nhìn lên, [bạn sẽ nhìn] về hướng mặt trời, vì thế trời trông có vẻ đỏ hơn.”

Giáo sư Koh nói thêm rằng hiện tượng này “không làm thay đổi nhiệt độ không khí”.

‘Như là thở trong bếp lò’: sống trong sương mù ra sao?

Sương mù năm nay là một trong những năm tồi tệ nhất.

Sương mù được gây ra do cháy rừng ở Indonesia, và ở mức độ thấp hơn, một số vùng của Malaysia. Tình trạng cháy rừng cao điểm xảy ra từ tháng Bảy đến tháng Mười trong mùa khô của Indonesia. Theo cơ quan phòng chống tai ương quốc gia Indonesia, khoảng 328.724 hecta rừng đã cháy trong tám tháng đầu năm.

Một phần lý do của tình trạng sương mù là do các công ty lớn và nhà nông nhỏ lợi dụng thời tiết khô để đốt rừng lấy chỗ làm trang trại trồng dầu cọ, cây làm giấy và bã giấy theo phương thức du canh du cư.

Canh tác theo kiểu du canh du cư, được nhiều cộng đồng ở khu vực này áp dụng, là cách dễ dàng nhất cho nhà nông dọn đất canh tác và giúp họ diệt các loại bệnh dịch có thể gây hại cho mùa màng.

Tuy nhiên, việc đốt rừng làm nương thường vượt khỏi tầm kiểm soát và lan sang những khu vực rừng được bảo tồn.

Phương thức du canh du cư là bất hợp pháp ở Indonesia, nhưng trên thực tế vẫn được cho tiếp tục trong nhiều năm nay. Một số người nói ô nhiễm và quản lý chính phủ yếu kém cũng góp phần dẫn đến vấn nạn này.

Bài Liên Quan