Mỹ rút 1.000 lính khỏi bắc Syria, nơi quân Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurdistan

Mỹ rút 1.000 lính khỏi bắc Syria, nơi quân Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurdistan

Trọng Thành-Đăng ngày 14-10-2019 

media

Lực lượng Kurdistan tại Syria (FDS) chuẩn bị ra chiến tuyến. Ảnh chụp ngày 10/10/2019, gần Hasakeh, bắc Syria.DELIL SOULEIMAN / AFP

Hôm qua, 13/10/2019, Washington tuyên bố rút 1.000 quân khỏi vùng biên giới phía đông bắc Syria, bốn ngày sau khi quân Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch tấn công vào vùng tự trị của người Kurdistan. Bị Mỹ bỏ rơi, lực lượng FDS Kurdistan mời quân đội Syria can thiệp chống xâm lăng.

Theo Reuters, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ thông báo khoảng 1.000 binh sĩ Mỹ tại vùng biên giới sẽ rút đi, sau khi có thông tin về tình hình chiến sự gia tăng. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS, bộ trưởng Quốc Phòng Mark Espert cho biết thêm là việc lực lượng vũ trang của người Kurdistan quyết định ngả sang Nga và chính quyền Damas, để kháng cự lại chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, là một trong các nguyên nhân khiến chính quyền Donald Trump đưa ra quyết định rút quân nói trên. Hai quan chức Mỹ cho Reuters biết việc triệt thoái quân sẽ diễn ra trong vài ngày tới.

Ngay sau thông báo rút quân của Mỹ, trong một cuộc họp báo hôm nay tại Ankara, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh quyết định ‘‘tích cực’’ của phía Mỹ.

Quân đội Syria bắt đầu triển khai tại biên giới

Khả năng chiến sự sẽ trở nên dữ dội hơn trong những ngày tới, nếu quân đội Syria trực tiếp đụng độ với quân Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm nay, 14/10, một số đơn vị Syria đầu tiên đã áp sát vùng biên giới, có nơi chỉ gần 6 km, theo Đài Quan Sát Nhân Quyền (OSDH). Phóng viên AFP có mặt tại chỗ cho biết nhiều đơn vị Syria cũng đã triển khai tại khu vực phía nam thành phố giáp biên Ras al Ain, nơi chiến sự diễn ra ác liệt. Phía Kurdistan thông báo đã đạt được thỏa thuận với chính quyền trung ương về việc triển khai quân đội tại khu vực này, để hỗ trợ các chiến binh FDS, vào hôm qua.

Về chiến sự tại chỗ, thông tín viên Paul Khalifeh từ Beyrouth cho biết thêm :

‘‘Tal Abyad là thành phố lớn nhất mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chiếm được cho đến nay, kể từ đầu chiến dịch tấn công, khởi sự hôm thứ Tư (09/10). Tuy nhiên, bất chấp việc đào ngũ của nhiều đơn vị Ả Rập trong Lực lượng Dân Chủ Syria (FDS), với người Kurdistan là nòng cốt, các chiến binh Kurdistan vẫn tiếp tục kháng cự mạnh mẽ lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm quân Syria chống Damas, được Ankara hậu thuẫn.

Với hỏa lực mạnh và lực lượng tấn công đông đảo, quân Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng đã phá vỡ các tuyến phòng ngự của FDS. Hôm qua, Chủ Nhật 13/10, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm binh sĩ Syria chống Damas cũng đồng thời kiểm soát được một xa lộ quan trọng tại vùng đông bắc Syria, vốn nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng FDS, nối liền hai tỉnh Raqqa và Hassake. Lực lượng tấn công đã cắt đứt xa lộ M-4 và tiến sâu vào lãnh thổ Syria đến 30 km.

Việc mất quyền kiểm soát đối với trục đường này đã làm suy yếu khả năng tác chiến của lực lượng FDS Kurdistan, gây khó khăn cho các hoạt động tiếp tế. Các phóng viên ghi nhận hàng chục xe thiết giáp Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai suốt dọc xa lộ này, đường vào duy nhất dẫn đến thành phố Kobani, giáp biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ. Các chiến binh người Kurdistan hiện đang phải đối mặt với tình thế khó khăn tại thành phố Ras al-Ain, bị quân Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm chiến binh Syria chống Damas bao vây’’.

Liên Âu lúng túng

Hôm nay, ngoại trưởng các nước châu Âu – họp tại Bruxelles – rất lo ngại về chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria, nhưng thừa nhận đang bất lực trong việc tìm ra biện pháp chung để gây áp lực với Ankara. Theo một số nguồn tin ngoại giao, Paris muốn thúc đẩy một lập trường chung châu Âu, với việc yêu cầu nhanh chóng triệu tập họp bàn về ‘‘cơ chế phối hợp’’ của Liên Âu. Về phần mình, ngoại trưởng Pháp yêu cầu triệu tập cuộc họp của liên quân quốc tế chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, trong đó Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên.

Lãnh đạo ngoại giao Luxembourg Jean Asselborn thì lưu ý đến khía cạnh hết sức khác thường sau cuộc can thiệp quân sự Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nhấn mạnh đến việc một thành viên NATO bị nhiều nước NATO trừng phạt, bằng việc cấm vận vũ khí (Pháp và Đức đã thông báo ngừng bán vũ khí cho Ankara). Một viễn cảnh đáng lo ngại khác cũng đặt ra : NATO sẽ làm gì, khi Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của khối, trong trường hợp bị quân đội Syria tấn công, yêu cầu NATO kích hoạt điều 5 Hiến chương của khối, coi việc một thành viên NATO bị tấn công là toàn khối bị tấn công.

Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Kurdistan làm thay đổi « thế cờ » tại Syria

Minh Anh-Đăng ngày 14-10-2019 

media

Chiến binh thuộc Lực lượng Dân chủ Syria (FDS) chuẩn bị ra mặt trận chống lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, gần Hasakeh, bắc Syria, ngày 10/10/2019DELIL SOULEIMAN / AFP

Chiến sự tại Syria lại bước vào một giai đoạn mới. Chủ Nhật ngày 13/10/2019, Damas và lực lượng FDS người Kurdistan tại Syria thông báo đạt được một thỏa thuận liên minh với sự trung gian của Nga. Bước ngoặt này lập lại những thế cờ của một cuộc xung đột dai dẳng kéo dài từ gần chín năm qua.

Đây chính là hệ quả đầu tiên của việc Hoa Kỳ quyết định bỏ rơi đồng minh Kurdistan trong cuộc chiến chống khủng bố. Thông báo quyết định rút quân ra khỏi Syria của Mỹ chẳng khác gì « lộc trời ban » cho Syria.

Tổng thống Bachar al-Assad, mà phương Tây vẫn xem như là « đao phủ » cần phải bị lật đổ, nay « đường đường chính chính » trở lại bàn cờ địa chính trị thế giới. Bị Hoa Kỳ « phản bội » và trước sức tấn công như vũ bão của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng chống thánh chiến người Kurdistan không còn chọn lựa nào khác đành phải thỏa hiệp với chế độ Damas.

Một « thỏa hiệp đau đớn » như tuyên bố của lãnh đạo FDS. Theo đó, Kurdistan phải chấp nhận hai điều kiện chính : Từ bỏ vũ khí và một phần lớn quyền tự trị mà người Kurdistan xây dựng tại vùng đông bắc này.

Với thỏa hiệp này, chế độ Damas có thể tái lập chủ quyền của mình tại vùng lãnh thổ đông bắc, chiếm đến 1/3 diện tích đất nước. Damas thông báo điều hai binh đoàn đến vùng biên giới để ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ « xâm lược ».

Dù vậy, giới quan sát vẫn tỏ ra hoài nghi cho diễn tiến gần đây tại Syria. Chiến sự tại Syria rồi sẽ đi về đâu ? Liệu rằng một cuộc đối đầu trực diện Syria – Thổ Nhĩ Kỳ có thể xảy ra hay không ? Phản ứng của Nga và Iran ra sao ?

Mọi cặp mắt giờ đều đổ dồn về Nga, cho đến lúc này, vẫn làm chủ cuộc chơi tại Syria. Tuy nhiên, với quyết định trên của Mỹ, một câu hỏi được đặt ra : Liệu Matxcơva có thể nào thuyết phục được Ankara hạn chế cuộc tấn công nhắm vào Tall Abyad và Ras al-Ain hay không, tức những vùng có đông người Ả Rập Syria sinh sống ?

Điều này khó xẩy ra. Bởi vì ông Putin cần đến Erdogan trong cuộc chiến mà Damas và Matxcơva tiến hành chống phe nổi dậy đa phần là quân thánh chiến tập trung ở vùng cửa ngõ Idlib, sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở phía tây. Trong khi các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào vùng lãnh thổ do người Kurdistan kiểm soát nằm ở phía đông bắc Syria.

Một hệ quả khác cũng làm cho châu Âu đau đầu : Việc kiểm soát hàng ngàn tù nhân thánh chiến do người Kurdistan giam giữ. Các đợt tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào các khu vực này đã làm phân tán nhiều tên thánh chiến nguy hiểm. Nguy cơ tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo hồi sinh trong khu vực ngày càng lớn. Châu Âu giờ có nguy cơ phải trả giá đắt cho việc phớt lờ lời kêu gọi của đồng minh Kurdistan sớm đưa những tù binh thánh chiến hồi hương.

Bài Liên Quan