Hoàng gia Anh qua lăng kính Vương Quyền
Sarah HughesBBCCulture
Trong bài diễn văn kỷ niệm 40 năm đăng quang, Nữ hoàng Elizabeth II gọi năm 1992 là “một năm kinh khủng” (“annus horribilis”).
Đó là năm xảy ra hai vụ ly hôn hoàng gia, sự kiện công bố cuốn hồi ký của Công nương Diana, ‘tell-all-memoir, Diana: Her True Story’ (‘kể mọi nỗi niềm, Diana: Câu Chuyện Thật Của Nàng’), và trận hoả hoạn tai hại tàn phá Windsor Castle, cung điện của Nữ hoàng ở ngoại ô London.
Vẫn chưa hết.
Năm năm sau, vào ngày 31/8/1991, Công nương Diana qua đời do tai nạn xe hơi. Việc Nữ hoàng phản ứng chậm trễ và không ngay lập tức từ Balmoral trở về khiến báo chí và công chúng thất vọng; độ yêu mến dành cho Hoàng gia rơi xuống mức thấp nhất chưa từng thấy.
22 năm trôi qua, và tình thế nay đã khác.
Bê bối chưa bao giờ tách khỏi Hoàng gia, mà bằng chứng mới đây nhất là cuộc phỏng vấn trong dịp cuối tuần đầu tháng 11 với Hoàng tử Andrew về mối quan hệ thân hữu của ông với một kẻ phạm tội tình dục, Jeffrey Epstein.
Tuy nhiên, riêng với Nữ hoàng, nay đã 93 tuổi, thì có thể nói rằng bà là người được yêu mến nhất trong Hoàng gia.
Bà được mô tả là một người “cực kỳ chú trọng vấn đề nữ quyền”, và được nêu trong vô số các danh sách, chẳng hạn như ’25 Lý do Khiến Chúng Ta Yêu Mến Nữ hoàng’.
Trang phục, mũ áo và thậm chí cả trâm cài áo của bà cũng được cả một thế hệ mới mổ xẻ, săm soi.
Điều gì đã dẫn tới sự thay đổi này?
Một phần đơn giản là nhờ tuổi thọ. Trong suốt 67 năm kể từ khi đăng quang tới nay, Nữ hoàng Elizabeth đã trải qua những cuộc biệt ly sinh tử, các cuộc ly hôn, và các thảm hoạ quốc gia. Sự tồn tại của bà khiến nhiều người cảm nhận thấy như một sự ổn định – với niềm tin rằng chừng nào Nữ hoàng còn sống thì sẽ không thể xảy ra điều gì quá tệ hại được.
Một yếu tố khác là Vương Quyền.
Loạt phim hào nhoáng của Netflix về sự tồn tại và những thời khắc quan trọng của Hoàng gia Anh vừa ra mắt series thứ ba, được đánh giá là hay nhất từ trước tới nay, với câu chuyện về Nữ hoàng Elizabeth, trong series này do Olivia Colman thủ vai, kiên cường chống lại những khó khăn tuổi trung niên cùng các áp lực về trách nhiệm và thực tế.
Tảng đá vững vàng nhất Anh Quốc?
“Hầu hết chúng ta chỉ biết về một thế giới với Nữ hoàng Elizabeth ngự trên ngai vàng. Tôi nghĩ rằng chúng ta đều hy vọng rằng Vương Quyền sẽ bóc bỏ bớt những lớp che phủ bên ngoài, để hé lộ một chút xem bà quan tâm lo lắng điều gì,” Heather Cocks, phóng viên người Mỹ và là một trong hai blogger viết chung the Fug girls chuyên về thời trang, đồng tác giả của cuốn tiểu thuyết ra hồi 2015 Hoàng Gia Chúng Tôi (The Royal We), tiểu thuyết hoá Hoàng gia Anh, nói.
“Đây là người đã chứng kiến nhiều tới mức không thể tin những sự kiện lịch sử, những thay đổi, biến động, những sự điên rồ, những niềm vui và những bi kịch. Trong gần bảy thập niên, trải qua không biết bao nhiêu đời thủ tướng, tổng thống và các nhà lãnh đạo thế giới khác, bà vẫn vững vàng.”
Ý niệm cho rằng Nữ hoàng giống như một tảng đá vững chắc ở tâm điểm một thế giới ngày càng nhiễu loạn là chủ đề lặp đi lặp lại trong mùa phim mới này, khi chúng ta xem cảnh Elizabeth đối ứng với tân thủ tướng Wilson đầy mưu mẹo (Jason Watkins thủ vai), và thảm hoạ quốc gia trong vụ tai nạn mỏ Aberfan, cũng như những đau đớn khi hai người con đầu của bà là Charles và Anne cùng em gái bà là Margaret (Helena Bonham Carter thủ vai) càng ngày càng trở nên xa cách.
Qua toàn bộ những diễn biến này, Colman đem đến cho chúng ta hình ảnh một người phụ nữ đặt nhiệm vụ lên trên hết, quyết không để cho ai biết cảm xúc thực của bà là gì. Nhưng điều đó chính xác tới mức nào?
Như lẽ thường, nói ra điều đó là chuyện không thể. Nhưng điều rõ ràng là Vương Quyền sẽ tiếp tục đem đến cho chúng ta những cảm xúc về Nữ hoàng cũng như các thành viên khác của Hoàng gia, khiến chúng ta cảm thấy mình hiểu họ một cách hết sức sâu sắc, trong khi trên thực tế thì hầu như ta không biết gì.
“Không nghi ngờ gì, Vương Quyền đã làm thay đổi nhận thức của chúng ta đối với vương triều,” sử gia đồng thời là chuyên gia nghiên cứu về Hoàng gia, Robert Lacey, nói. Ông là cố vấn lịch sử cho loạt phim Vương Quyền và là tác giả của cuốn sách mới ra, Vương Quyền: Thâm Cung Bí Sử (The Crown: The Inside History), được viết để đi kèm với loạt phim.
“Nó được làm theo một dạng phục vụ nhu cầu giải trí, khác với trước, nhưng tôi nghĩ rằng nó cũng cho phép mọi người đánh giá được rõ hơn về cả những thách thức lẫn những ích lợi của việc là thành viên Hoàng gia.”
Lacey nói rằng một trong những khía cạnh then chốt của màn trình diễn là cách thức nó cho phép chúng ta xem xét lại cả quá khứ lẫn cả cảm xúc của mình đối với quốc gia.
“Vương triều là một phần vô cùng quan trọng trong bản sắc Anh, cả ở khía cạnh tốt lẫn xấu, và tôi nghĩ rằng Vương Quyền đã khiến mọi người phải nghĩ tới điều đó,” ông nói.
“Điểm mạnh của Nữ hoàng là nền quân chủ lập hiến rốt cuộc là để nhằm làm chỗ dựa cho nhân dân trong trường hợp các vị thủ tướng quyền uy cần phải giải đáp khúc mắc cho nhân dân. Kỹ năng vĩ đại của Nữ hoàng là bà đã thể hiện điều đó cực tốt, và Vương Quyền đến lượt mình đã truyền tải được thách thức đó một cách thực sự tài tình.”
Giải độc báo chí
Không phải là chỉ nói về toàn bộ những mưu mô đằng sau hậu trường, series phim còn nói một cách vô cùng khéo léo.
Sức hấp dẫn lớn nhất của Vương Quyền nằm ở chỗ nó đời thường hoá Hoàng gia, thường là theo những cách đáng ngạc nhiên nhất.
“Có một yếu tố tàn nhẫn vô cùng lớn trên báo chí Anh khi họ đưa tin về các thành viên Hoàng gia Anh,” Reny nói.
“Nữ hoàng thì không bị đụng đến, nhưng rõ ràng là Meghan [vợ Hoàng tử Harry] đã bị báo chí ‘đánh’ cho tơi bời. Loạt phim đã vô cùng xuất sắc trong việc nhắc nhở chúng ta rằng họ là những con người. Tập thứ hai của series mới, Margaretology, tập trung vào Công chúa Margaret, và nó thực sự miêu tả tình trạng khó xử của bà, người luôn bị gạt ra rìa và không có vai trò thực sự – miêu tả theo cách khiến mọi người thấy đồng cảm.”
“Tương tự như thế, [trong tập thứ ba] cách thức Nữ hoàng tránh thể hiện cảm xúc sau vụ Aberfan chắc chắn sẽ gợi ra câu trả lời, bởi nó thực sự cho phép chúng ta nhìn thấy cả điểm mạnh và điểm yếu của bà. Bạn thực sự sẽ chứng kiến việc bà được định hình ra sao trong những năm Đệ nhị Thế Chiến, toàn tâm toàn ý đặt vào việc thực hiện bổn phận và luôn kín miệng.”
Tuy nhiên, trong khi chương trình đã đời thường hóa Hoàng gia, liệu có phải nó cũng làm thay đổi không thể đảo ngược cách chúng ta nhìn vào họ theo những cách kém lợi hơn? Rốt cuộc, người ta từng nói rằng các thành viên Hoàng gia đứng trên những người nổi tiếng; ngày nay, họ dường như sống trong giai tầng xã hội của riêng họ.
“Đó là một khái niệm thú vị, bởi vương triều và người nổi tiếng khác nhau rất nhiều – nhưng lại càng ngày càng được nhìn vào theo cùng một cách,” Greg Jenner, nhà sử học và tác giả của cuốn sách sắp ra, ‘Nổi tiếng Chết người: Lịch Sử Bất Lường của Người Nổi Tiếng từ Thời Đồ Đồng đến Màn Bạc’ (‘Dead Famous: An Unxpected History of Celebrity From Bronze Age to Silver Screen’), nói.
“Vương Quyền nhấn mạnh tới việc chế độ quân chủ bị loại bỏ ra sao, theo cách thức không thể biết được như thế nào, nhưng trong mức độ nhất định cũng miêu tả [cuộc sống của họ] như một vở opera xà phòng, điều này khiến chúng ta tin rằng chúng ta biết nhiều về Hoàng gia hơn chúng ta thực sự biết, và càng làm cho họ giống với những người nổi tiếng hơn.”
Thương hiệu Hoàng gia Anh
Cũng đúng là qua năm tháng, thương hiệu Hoàng gia đã trở nên ngày càng nổi tiếng toàn cầu, với những ‘ngôi sao’ trong đó nhận được mức độ phủ sóng quốc tế ngày càng cao – mà tất nhiên là điều đó cũng đưa lại những điểm bất lợi.
“Thương hiệu chế độ quân chủ Anh về mặt truyền thống là rất khác so với thương hiệu của những người nổi tiếng, một phần vì những người nổi tiếng không có di sản phong phú đi kèm,” Giáo sư Cele C Otnes, đồng tác giả với Giáo sư Pauline Maclaren viết cuốn Cơn Sốt Hoàng gia: Nền Quân Chủ Anh Trong Văn Hoá Tiêu Dùng (Royal Fever: The British Monarchy in Consumer Culture), cho biết.
“Chắc chắn có một mối gắn bó tình cảm mà nhiều người cảm thấy với Hoàng gia Anh mà những người nổi tiếng thường không có được, và điều đó ảnh hưởng tới cách chúng ta nhìn nhận thương hiệu. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng Hoàng gia Anh hiểu rất rõ rằng bản thân Hoàng gia chính là một thương hiệu…”
Theo nghĩa đó, Điện Buckingham giữ khoảng cách kín đáo với Vương Quyền, không bao giờ để chúng ta biết được là các thành viên của Hoàng gia nghĩ gì về loạt chương trình này (hoặc thậm chí là họ có xem nó hay không).
“Tôi nghĩ rằng người Mỹ có xu hướng coi Hoàng gia là một phần của một vở opera xà phòng dài đầy kịch tính,” Jessica Morgan, người đồng sáng tác Fug girl với Cocks, nói.
“Họ có ít ràng buộc trách nhiệm đối với chúng ta bởi họ không dùng tiền thuế dân, và vì vậy chúng ta có thể xem họ là một nhóm những người nổi tiếng thú vị (đôi khi là bất đắc dĩ). Bởi chúng ta đã biết họ từ khi mới lọt lòng, cho nên chúng ta cũng có cảm giác đầu tư tình cảm cá nhân vào họ nhiều hơn so với cảm tình và sự quan tâm dành cho một ngôi sao truyền hình.”
Jenner đồng ý rằng chương trình đã khiến nhận thức của chúng ta về Hoàng gia thay đổi – ngay cả khi các sự kiện đương đại có khả năng đảo ngược điều đó.
“Không thể tránh khỏi việc trong lúc xem Vương Quyền thì ta cũng ‘hâm nóng’ các nhân vật,” ông nói.
“Việc tưởng tượng ra xem những gì được thực sự yêu thích bên trong Điện Buckingham là điều gây nghiện, và tôi nghĩ nó có lẽ khiến chúng ta có thiện cảm hơn với Nữ hoàng và cả Công Chúa Margaret. Sẽ rất thú vị khi xem liệu nó có làm thay đổi cái nhìn của mọi người hay không đối với Thái Tử Charles, người được cho là một nhân vật gây tranh cãi.”
Về việc chương trình liệu có tạo ra bất kỳ thay đổi lâu dài nào trong mối quan hệ của chúng ta với chế độ quân chủ hay không, Lacey lưu ý một cách tinh nghịch rằng có một yếu tố quan trọng mà các nhà phê bình có lẽ bỏ qua.
“Trong suốt toàn bộ thời gian, chúng ta chứng kiến cảnh những nhân vật quyền thế, đầy tham vọng và sức mạnh cúi đầu trước một người phụ nữ,” ông nói.
“Một trong những điều hấp dẫn nhất của loạt chương trình là, bất kể họ có ý thức rõ ràng đến đâu về tầm quan trọng của bản thân, thì họ vẫn phải đến diện kiến Nữ hoàng, trình bày với bà và lắng nghe xem bà nghĩ gì.”
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.