Giáo dục Phần Lan: Học và thi ít vẫn nhất thế giới
Claudia WallinBBC News Brazil
Dù mới nghe có vẻ như là một nghịch lý, nhưng Phần Lan đã phát triển một trong những phương pháp giáo dục thành công nhất thế giới bằng cách yêu cầu sinh viên dành ít thời gian ở trường và cho các em ít bài kiểm tra và bài tập về nhà.
Theo Chương trình Đánh giá Sinh viên Quốc tế (PISA), sinh viên Phần Lan đạt điểm số cao hơn về môn khoa học, toán và đọc so với mức trung bình ở các nước khác trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Nhưng ở cuối những năm 1960, chỉ có 10% sinh viên Phần Lan hoàn thành bậc trung học.
Cải cách sáng tạo
Câu chuyện thành công của peruskoulu – hệ thống giáo dục phổ cập và bắt buộc của Phần Lan – bắt đầu vào những năm 1970 và được đẩy mạnh vào những năm 1990 nhờ một loạt cải cách đổi mới.
Ngày nay, khi các đoàn chuyên gia quốc tế đến thăm đất nước này để tìm hiểu cách thức giáo dục “màu nhiệm” của Phần Lan, họ được nghe giáo dục công lập chất lượng cao là kết quả không chỉ của các chính sách giáo dục mà còn nhờ vào chính sách xã hội hiệu quả.
“Hệ thống giáo dục công bằng cao ở Phần Lan không phải chỉ riêng là kết quả của các yếu tố giáo dục”, Pasi Sahlberg, một nhà giáo dục Phần Lan, người vừa là giáo viên, huấn luyện giảng viên, nhà nghiên cứu và cố vấn chính sách, đã viết.
“Cấu trúc cơ bản về hệ thống phúc lợi quốc gia Phần Lan đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện công bằng cho tất cả trẻ em và gia đình một con đường giáo dục thành công ngay ở tuổi lên bảy.”
Nguyên tắc bình đẳng và nền giáo dục
Trong cuốn sách xuất bản năm 2014 ‘Bài học Phần Lan 2.0’ (Finnish Lessons 2.0), ông Sahlberg nói sự bất bình đẳng làm cản trở triển vọng phát triển của mọi người ở nhiều cách hơn là giảm sức mua của họ – vì vậy hệ thống giáo dục ở các xã hội có sự bình đẳng có hoạt động tốt hơn các nơi khác?
Ông đã so sánh dữ liệu thu nhập OECD và kết quả PISA và kết luận:
“Có mối liên quan không mạnh nhưng vẫn dễ nhận biết giữa sự giàu có và học tập của học sinh: trong xã hội bình đẳng hơn, học sinh dường như làm tốt hơn ở trường.”
“Các quốc gia có sự công bằng cao (theo thống kê), thì có nhiều công dân biết chữ hơn, học sinh bỏ học ít hơn, ít béo phì, sức khỏe tâm thần tốt hơn, và tỉ lệ có thai ở tuổi vị thành niên ít hơn so với những quốc gia mà khoảng cách thu nhập giàu nghèo cao. Bất bình đẳng có liên quan đến việc dạy và học ở trường.”
Bình đẳng và công bằng xã hội
Tại trường Viikki ở thủ đô Helsinki, con cái của tầng lớp giàu có và giới công nhân ngồi cạnh nhau trong lớp học.
Trường không hề thu học phí và mọi sách giáo khoa, tài liệu học được phát miễn phí.
Trong nhà ăn rộng rãi, các món ăn lành mạnh được phục vụ cho hơn 940 học sinh từ cấp tiểu học đến trung học.
Tất cả trẻ em đều được chăm sóc y tế, khám chữa răng miễn phí và mọi tiến bộ trong học tập của các em đều có sự hỗ trợ từ các nhà tâm lý học và giáo viên.
“Có thể hiểu rằng sự bất bình đẳng trong thu nhập, sự nghèo đói của trẻ em, và việc thiếu phúc lợi ở trường học, tất cả đều đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng của các hệ thống giáo dục”, ông Sahlberg viết.
Ông cho rằng sự thành công về giáo dục của Phần Lan phần lớn là do được củng cố bởi mô hình kinh tế về bồi dưỡng bình đẳng và công lý xã hội, được áp dụng qua sau khi kết thúc Thế chiến thứ hai ..
Mô hình này cung cấp khám sức khỏe và giáo dục miễn phí, nhà ở giá rẻ, thời gian nghỉ thai sản nhiều hơn để khuyến khích nam giới chịu trách nhiệm hơn về việc chăm sóc trẻ em, học mẫu giáo miễn phí, tạo phúc lợi xã hội phong phú cho công dân của họ.
Giáo viên được đề cao
Triết lý của hệ thống cũng được phản ánh trong lớp học.
Trong một trường học điển hình của Phần Lan, giáo viên dành bốn giờ một ngày cho các bài học.
Họ có thời gian để lên kế hoạch cho lớp học của họ, tái tạo lại kiến thức của họ và chú ý nhiều hơn đến học sinh.
Nghề này được trả lương khá cao và điều kiện làm việc tốt.
Dạy học trở thành một trong những nghề nghiệp phổ biến nhất để hướng tới của các sinh viên Phần Lan – đứng đầu, ngang với y học, luật và kiến trúc.
Giờ học của Phần Lan ngắn so với các nước OECD khác: ví dụ: khoảng 670 giờ mỗi năm ở trường tiểu học.
Costa Rica có gần gấp đôi số giờ.
Học sinh tiểu học ở Hoa Kỳ và Colombia có hơn 1000 giờ học mỗi năm.
Erja Schunk, một giáo viên tại trường Viikki, nói:
“Điều quan trọng là trẻ em có thời gian để trở thành trẻ em.”
“Điều quan trọng nhất là chất lượng, không phải số lượng, và thời gian dành cho lớp học”, cô nói.
Học sinh cũng khi về cũng có ít bài tập về nhà hơn.
Theo OECD, 15 tuổi ở Phần Lan dành trung bình 2,8 tiếng mỗi tuần làm bài về nhà, theo sau là Hàn Quốc với 2,9 tiếng.
Thời gian làm bài tập trung bình ở các nước OECD là 4,9 tiếng mỗi tuần, còn ở Trung Quốc là 13,8 tiếng.
Martti Mery, một giáo viên khác thì nói:
“Học sinh học được những gì họ cần phải học trong lớp. Họ có nhiều thời gian hơn để dành cho bạn bè và làm những việc khác mà họ thích, điều đó cũng rất quan trọng”.
Bầu không khí thư giãn
Tại trường Viikki, bầu không khí yên tĩnh và thân mật.
Các em không mang đồng phục và đi lại trong trường chỉ cần tất, không đi giày.
Ở các trường học ở Scandinavia, không ai mang giày
Học sinh Phần Lan cũng không cần lo lắng về các kỳ thi: không có các kỳ thi trong năm năm đầu tiên của giáo dục, và trong những năm sau đó, học sinh được đánh giá theo hiệu suất của các em trong lớp học.
Nguyên tắc của hệ thống giáo dục là mỗi em nhỏ đều có tiềm năng học tốt nếu được hỗ trợ và có đủ cơ hội.
Giáo viên tin rằng vai trò của họ là giúp học sinh học mà không phải lo lắng và phát triển sự tò mò tự nhiên – không phải lo thi đậu trong các kỳ kiểm tra
Chỉ có 7% sinh viên Phần Lan lo lắng về việc học toán, dữ liệu PISA cho thấy.
Trong hệ thống giáo dục nghiêm ngặt của Nhật Bản, có được kết quả xuất sắc , sinh viên đã phải hy sinh phúc lợi bản thân, tỷ lệ là 52%.
Lợi ích công
Sự tiến bộ của các chính sách giáo dục của Phần Lan đi đôi với phúc lợi xã hội mà nguồn thu là mức thuế cao nhất thế giới: 51,6%.
Mặc dù mang gánh nặng tài chính, Phần Lan vẫn được coi là quốc gia hạnh phúc nhất trên trái đất, theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới của Liên Hợp Quốc năm 2018.
Ông Sahlberg nói rằng với quy mô nhỏ và dân số của đất nước (5,5 triệu người) cùng với tính đồng nhất về cấu trúc xã hội khá cao (đa số là một sắc tộc), “rõ ràng là để đưa ra nhiều khía cạnh thiết lập chính sách giáo dục và thực hiện cải cách có vẻ dễ dàng hơn so với các khu vực rộng lớn hơn, đa dạng hơn”.
“Nhưng những yếu tố này tự chúng không thể giải thích tất cả những tiến bộ của nhiều thành tựu trong giáo dục Phần Lan,” ông viết.
“Công bằng, trung thực, và công lý xã hội bắt nguồn sâu sắc trong cách sống của người Phần Lan. Mọi người có ý thức chia sẻ trách nhiệm mạnh mẽ, không chỉ cho cuộc sống của chính họ, mà còn cho cuộc sống của người khác.”
“Nuôi dưỡng hạnh phúc của trẻ em bắt đầu trước khi chúng được sinh ra và tiếp tục trước khi chúng bắt đầu đi học ở tuổi lên bảy, và dịch vụ y tế công cộng có thể dễ dàng tiếp cận với mọi người trong suốt thời thơ ấu.”
“Giáo dục công được coi là một lợi ích công cộng.”
Bài của Claudia Wallin đã đăng trên trang BBC Brazil và BBC Mundo. Các bạn nhớ chia sẻ với BBC các câu chuyện về chủ đề giáo dục.