Nga gặp nhiều khó khăn khi phát triển động cơ Izdeliye 30, vốn được coi là “trái tim” mang lại sức mạnh cho tiêm kích tàng hình Su-57.

  1. Nga gặp nhiều khó khăn khi phát triển động cơ Izdeliye 30, vốn được coi là “trái tim” mang lại sức mạnh cho tiêm kích tàng hình Su-57.

Một tiêm kích tàng hình Su-57 rơi chiều 24/12 khi bay thử ở vùng Viễn Đông của Nga, trở thành chiến đấu cơ thế hệ 5 đầu tiên của nước này gặp nạn khi đang hoạt động trên bầu trời. Một nguồn tin cho biết đây là chiếc đầu tiên trong lô Su-57 được sản xuất hàng loạt và dự kiến bàn giao cho không quân Nga ngày 27/12.

“Chiếc Su-57 đang bay thử nghiệm ở độ cao 8.000 mét. Sau khi hệ thống điều khiển máy bay bị hỏng, chiếc tiêm kích rơi vào trạng thái xoay vòng, hạ độ cao nhanh chóng và đâm xuống đất”, nguồn tin trong ngành công nghiệp sản xuất máy bay Nga nói trên hãng thông tấn TASS.

Cũng theo nguồn tin, phi công cố gắng kiểm soát máy bay nhưng không thành công. “Ở độ cao nguy hiểm khoảng 2.000 mét, phi công đã quyết định kích hoạt ghế phóng, bay ra ngoài”, nguồn tin nói.

Một nguồn tin khác trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga nói chiếc máy bay nhiều khả năng gặp trục trặc ở phần đuôi. Trước đó, những dự đoán ban đầu đề cập đến việc Su-57 gặp trục trặc ở động cơ.

Những chiếc Su-57 nằm trong lô hàng sản xuất đầu tiên cho quân đội Nga hiện vẫn sử dụng động cơ AL-41F-1M. Đây là mẫu động cơ trang bị trên chiếc Su-35. Động cơ “Item 30” tối tân hơn trang bị cho Su-57 hiện vẫn đang thử nghiệm. Động cơ mới tạo ra lực đẩy mạnh hơn 2 tấn, nâng tổng trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 17 tấn và giúp tiêm kích Su-57 vận hành linh hoạt hơn.

Chiếc tiêm kích Su-57 rơi trong lúc bay thử động cơ gần thành phố Komsomolsk-on-Amur thuộc vùng Khabarovsk, đông nam Nga. Phi công phóng ghế thoát hiểm an toàn, không bị thương và được trực thăng Mi-8 đón về nhà máy sản xuất máy bay.

Nguồn tin quân sự nói trên TASS rằng các bác sĩ đã khám tổng thể cho phi công và không phát hiện bất cứ chấn thương nào. Phi công được cho ra viện ngay sau đó.

Đây là lần đầu tiên tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga gặp nạn, cho thấy những vấn đề đối với mẫu tiêm kích được cho là sánh ngang với tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ.

Chuyến bay thử đầu tiên của Su-57 diễn ra tháng 1.2010 tại Komsomolsk-on-Amur sau nhiều lần trì hoãn. Su-57 từng xuất hiện ở  Syria hồi tháng 2.2018 và tháng 12 năm nay để kiểm tra khả năng chiến đấu.

Bộ Quốc phòng Nga quyết định đặt mua 76 tiêm kích Su-57, nhưng không rõ là phiên bản trang bị động cơ mới hay cũ. Tất cả các tiêm kích Su-57 đều có khả năng phóng tên lửa siêu thanh Kinzhal mới nhất.

Nguyên nhân tai nạn chưa được xác định, nhưng có khả năng chiếc Su-57 gặp nạn khi bay thử ở tốc độ cao nhất để kiểm tra động cơ. Dù các nguồn tin khẳng định sự cố xảy ra với hệ thống máy tính điều khiển, tai nạn này vẫn khiến nhiều chuyên gia đặt nghi vấn về quá trình phát triển động cơ Izdeliye 30, thứ được coi là “trái tim” có thể giúp Su-57 cạnh tranh sức mạnh với các mẫu tiêm kích tàng hình của Mỹ.

Nga bắt đầu dự án Tổ hợp Hàng không Tương lai cho Không quân Chiến thuật (PAK-FA) chế tạo tiêm kích tàng hình ganh đua với F-22, F-35 Mỹ từ đầu thập niên 2000. Trong khi tập đoàn Sukhoi phát triển nguyên mẫu T-50 cho dự án, Bộ Quốc phòng Nga giao nhiệm vụ cho tập đoàn Saturn chế tạo mẫu động cơ riêng cho tiêm kích tàng hình từ năm 2004.

Bài Liên Quan