Mưu đồ sâu xa của Ả Rập Xê Út ở Yemen

Mưu đồ sâu xa của Ả Rập Xê Út ở Yemen

Đăng ngày: 28/12/2019

Từ năm 2015, Ả Rập Xê út đứng đầu liên quân để ủng hộ chính phủ Yemen, chống lực lượng nổi dậy Houthi. Ảnh minh họa.
Từ năm 2015, Ả Rập Xê út đứng đầu liên quân để ủng hộ chính phủ Yemen, chống lực lượng nổi dậy Houthi. Ảnh minh họa. REUTERS/Fawaz Salman

Thu Hằng

L’Express là tuần san duy nhất phát hành trong tuần này. Tạp chí Pháp dành 38 trang cho nhân vật chính là nhà văn Pháp Albert Camus nổi tiếng. Trong phần thời sự quốc tế, L’Express đăng phóng sự « Hiểm họa chia rẽ » tại Yemen của đặc phái viên Quentin Müller.

Công luận thế giới chỉ quan tâm đến chiến sự ở Syria mà quên rằng Yemen, nằm trên bán đảo Ả Rập, trên lối vào Biển Đỏ, đã tan hoang vì nội chiến từ năm 2015 và trở thành mặt trận ủy nhiệm giữa Ả Rập Xê Út và Iran. Cộng Hòa Nhân Dân Yemen từng được Liên Hiệp Quốc công nhận ngay năm 1979 là quốc gia đứng hàng đầu Trung Đông về mặt giáo dục. Phụ nữ từng được quyền phá thai và tham gia vào đời sống kinh tế nhiều hơn so với những quốc gia Ả Rập khác.

Hiện tại Yemen bị lực lượng nổi dậy Houthi kiểm soát. Lực lượng Houthi theo Zaidism, một nhánh của hệ phái Shia, và được Iran hậu thuẫn. Ả Rập Xê Út, theo hệ phái Sunni – đối thủ của hệ phái Shia – đứng đầu liên quân Ả Rập, can thiệp quân sự để hỗ trợ chính phủ Sanaa.

Từ năm 2017, vùng Mahra, nằm sát biên giới với Oman và nằm bên bờ biển Ả Rập, bị lực lượng Ả Rập Xê Út ngấm ngầm chiếm đóng và can thiệp vào đời sống chính trị của tỉnh có 650.000 dân này. Về mặt chính thức, chính quyền Riyad can thiệp để tái lập chính quyền địa phương, truy đuổi phiến quân Houthi. Nhưng theo sultan Abdullah bin Essa al-Afar của vùng Mahra, hiện sống lưu vong ở Oman mà phóng viên của L’Express được tiếp xúc, Ả Rập Xê Út còn có nhiều mưu đồ khác ở vùng Mahra.

Lập căn cứ quân sự, điều di dân theo phái Salafi để mở rộng ảnh hưởng

Ưu tiên chính của Riyad là giám sát, bảo vệ đường ống dẫn dầu, một dự án sẽ được xây dựng và đi qua khu vực này. Để thực hiện được ý đồ này, lực lượng Ả Rập Xê Út chiếm cảng Nishtun, bên bờ biển Ả Rập và các đồn biên phòng ở Shahin và Serfait, đóng vai trò quan trọng giữa Oman và Yemen, sân bay Al Ghaydah cũng bị trưng dụng. Vì phản đối sự hiện diện của Ả Rập Xê Út, người đứng đầu vùng Mahra, Mohammed Bin Kudda, bị Riyad gây áp lực để thay thế bằng một nhân vật được cho là bù nhìn trong tay Ả Rập Xê Út.

Theo thẩm định của Sana’a Center For Strategic Studies, một cơ quan nghiên cứu và phân tích độc lập của Yemen, lực lượng Ả Rập Xê Út có lẽ đã lập 5 căn cứ quân sự chính thức ở Mahra. Một số nguồn tin địa phương cho rằng con số này còn nhiều hơn.

Cùng lúc, vài trăm người nhập cư Hồi Giáo theo phái Salafi (thuộc hệ phái Sunni) từ miền tây Yemen đến thủ phủ Qishn của vùng, ngoài ra còn có rất nhiều người Nigeria, Bắc Phi và một số người Pháp. Người dân địa phương nhận ra ý đồ mở rộng ảnh hưởng của Riyad khi cấp đất đai cho những cư dân mới và một tổ chức nhân đạo của Riyad đứng ra hỗ trợ họ. Do người dân địa phương phản đối mạnh mẽ, nên Ả Rập Xê Út đành hủy dự án xây một trung tâm Hồi Giáo theo phái Salafi.

Gây bất ổn ở Yemen để… xây đường ống dẫn dầu

Theo một nguồn tin ngoại giao phương Tây, « Ả Rập Xê Út hiện diện ở Mahra để xây một đường ống dẫn dầu ở đây. Điều này giúp Riyad tránh được việc trung chuyển dầu qua eo biển Ormuz (một phần do đối thủ Iran kiểm soát), một vùng xảy ra nhiều căng thẳng quốc tế ».

Còn sultan Abdullah bin Essa al-Afar cáo buộc : « Ả Rập Xê Út muốn cướp đất để mở lối ra biển Ả Rập ». Vào tháng 09/2018, lực lượng các bộ tộc ở vùng Mahra đã đẩy lùi được một nhóm kĩ sư Ả Rập Xê Út đang bắt đầu xây một con đường (chuẩn bị cho dự án xây đường ống dẫn dầu) trong vùng hoang mạc Kharkhir, biên giới giữa Ả Rập Xê Út và Yemen.

François Frison-Roche, chuyên gia về Yemen, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), nhận định : « Đối với Ả Rập Xê Út, giấc mơ có từ lâu, không thể thực hiện được, chừng nào Yemen vẫn là một nước Cộng Hòa có chủ quyền, có lẽ sẽ thành hiện thực. Tình hình hiện nay đã thay đổi. Chính quyền Riyad sẽ tìm được nguồn tài chính hoặc quân sự để đồn trú ở trong vùng và bảo đảm an toàn cho việc chuyên chở vàng đen ».

Lực lượng Yemen được Riyad yểm trợ không ngần ngại trấn áp những cuộc biểu tình phản đối sự hiện diện của Ả Rập Xê Út. Nhiều nhà báo điều tra bị bắt giam, trong đó có Yahya al-Sewari. Ông miêu tả « vùng Mahra phải chịu làn sóng trấn áp mù quáng của Ả Rập Xê Út », họ « lộng hành mà không bị trừng phạt ».

Nhà báo Quentin Müller của L’Express cho rằng về lý thuyết, chính quyền Riyad không có lợi gì khi đánh thức những ý đồ độc lập của các vùng vì điều này còn khiến Yemen bị chia rẽ hơn nữa. Nhưng Ả Rập Xê Út cũng có thể quyết định ủng hộ dự án tự trị của vùng Mahra. Một khi được độc lập, làm sao Mahra có thể cưỡng lại được ý đồ bá quyền của Ả Rập Xê Út ?

Bài Liên Quan