Libya: Thượng đỉnh Berlin kêu gọi các nước tôn trọng cấm vận vũ khí

Libya: Thượng đỉnh Berlin kêu gọi các nước tôn trọng cấm vận vũ khí

Đăng ngày: 20/01/2020

Toàn cảnh hội nghị thượng đỉnh về Libya tại Berlin, Đức, ngày 19/01/2020
Toàn cảnh hội nghị thượng đỉnh về Libya tại Berlin, Đức, ngày 19/01/2020 Bundesregierung/Guido Bergmann/Handout via REUTERS

Trọng Nghĩa

Họp lại tại Berlin vào hôm qua, 19/01/2020, lãnh đạo các quốc gia chính liên quan đến cuộc xung đột ở Libya đã cam kết tôn trọng lệnh cấm vận vũ khí do Liên Hiêp Quốc ban hành từ năm 2011 và từ bỏ bất kỳ hành vi “can thiệp” nào từ nước ngoài vào cuộc xung đột. Tuy nhiên, giới quan sát vẫn hoài nghi trước khả năng lời hứa được tôn trọng.

Sau nửa ngày đàm phán, thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết là 11 quốc gia, trong đó có Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, cường quốc đỡ đầu cho hai phe đối nghịch nhau tại Libya đã đồng ý tại hội nghị do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, rằng không thể có bất kỳ “giải pháp quân sự” nào cho cuộc xung đột đã xâu xé Libya trong gần 10 năm qua.

Những người tham gia cũng kêu gọi các bên tham chiến tại Libya ngừng bắn thực sự vì một thỏa thuận hưu chiến, dù đã bắt đầu có hiệu lực vào ngày 12/01, nhưng vẫn không được tôn trọng.

Để đảm bảo cho lệnh ngừng bắn được tôn trọng lâu dài và có hiệu quả, sắp tới đây, các cuộc họp giữa đại diện quân sự của hai phe lâm chiến Libya sẽ được tổ chức. Theo tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, lời mời sẽ được đưa ra “trong những ngày tới”.

Để củng lệnh hưu chiến, Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi hai bên tham chiến thành lập một ủy ban quân sự hỗn hợp, mỗi phe có 5 ủy viên. Theo thông tin riêng của RFI, thư mời sẽ được gởi đi cho cuộc họp đầu tiên vào ngày 28 và 29 tháng 1 tại Genève.

Ủy ban này sẽ chịu trách nhiệm xác định các cơ chế để thực hiện ngừng bắn, tìm cách thống nhất quân đội và lực lượng an ninh và cố gắng giải thể các lực lượng dân quân. Đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn ở Libya, nơi hiện có hành chục nhóm võ trang khác nhau.

Những người tham gia hội nghị Berlin cũng đồng ý “tôn trọng” nghiêm túc các lệnh cấm vận vũ khí, hứa rằng lệnh cấm này sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn trước đây. Cấm vận vũ khí đã được Liên Hiệp Quốc ban hành năm 2011 nhưng hầu như không được ai tuân thủ.

Một điểm nhạy cảm khác của cuộc xung đột Libya cũng được đề cập tới: Sự can thiệp ít nhiều trực tiếp của nước ngoài. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc khẳng định rằng “tất cả những nước tham gia hội nghị Berlin đã cam kết thội không can thiệp vào cuộc xung đột vũ trang hoặc các vấn đề nội bộ của Libya”.

Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ công khai ủng hộ chính phủ Fayez el-Sarraj ở Tripoli và trong lúc Nga, dù đã nhất mực lên tiếng cải chính, nhưng vẫn bị tình nghi ủng hộ lãnh chúa chiến tranh ở miền đông Libya, thống chế Khalifa Haftar.

Hội nghị Berlin tuy nhiên đã giải hòa được hai tác nhân trực tiếp của cuộc chiến. Hai ông Fayez el-Sarraj và Khalifa Haftar đã không tiếp xúc với nhau, mà cũng không tham gia vào các cuộc đàm phán diễn ra vào hôm qua ở Berlin.

Trong bối cảnh đó, thật khó tưởng tượng ra được một cuộc đối thoại chính trị mà cộng đồng quốc tế mong muốn, ngay cả khi hai người đều đã đồng ý đưa ra “năm cái tên” để thành lập “Ủy Ban Quân Sự Hỗn Hợp”.

Bài Liên Quan