Covid-19 : 31 tỷ euro vé máy bay sẽ được hoàn trả ?

Covid-19 : 31 tỷ euro vé máy bay sẽ được hoàn trả ?

Đăng ngày: 02/04/2020

Hàng không tê liệt vì Covid-19. Ảnh minh hoạ
Hàng không tê liệt vì Covid-19. Ảnh minh hoạ AFP Photos/Joseph Prezioso

Tuấn Thảo

Dịch Covid-19 chẳng những làm xáo trộn toàn bộ ngành hàng không dân dụng, mà còn đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của các hãng máy bay. Nhiều công ty vốn đã gặp khó khăn tài chính trước khi đại dịch virus corona bùng phát, sẽ càng khó mà vực dậy sau khủng hoảng. Trong bối cảnh đó, liệu các hãng hàng không có đủ khả năng để hoàn trả các vé máy bay ở mức 31 tỷ euro. 

Theo báo Les Échos, trước mắt các công ty như Alitalia, Srilankan, Etihad, Hainan Airlines, Hong Kong Airlines ….. đều có nguy cơ bị phá sản. Nhiều công ty khác cũng bị đe dọa nghiêm trọng như Thai Airways, Norwegian, Air India, Garuda, Aeroflot, South African Airways, Tap Air Portugal, đang trông chờ nơi sự ‘‘can thiệp’’ tài chính của nhà nước. 

Theo báo Les Échos, trước tình trạng cực kỳ khó khăn như hiện thời, các công ty buộc phải ứng phó với nhiều chiến lược khác nhau. Công ty Lufthansa của Đức sở hữu đội máy bay của mình và cho dù phi cơ không được phép cất cánh, nhưng vẫn hạn chế được mức thiệt thòi. Ngược lại, hai công ty Swiss Air và Austrian Air tuy ở trong cùng một liên doanh thương mại, nhưng lại không may mắn như Lufthansa. Nói cách khác, khả năng sinh tồn của một công ty không chỉ đơn thuần tùy thuộc vào doanh thu hàng năm. 

Đa số các công ty hàng không chuyên mướn một số máy bay để khai thác như trường hợp của British Airways của Anh hay là Air France của Pháp, đang bị thất thu hàng triệu euro mỗi ngày khi phi cơ không được sử dụng. Chỉ riêng trong tháng 03/2020, tập đoàn Air France-KLM đã hủy hơn 3.600 chuyến bay nội địa cũng như quốc tế. 

Theo ông Alian Battisti, chủ tịch liên đoàn quốc gia ngành hàng không thương mại FNAM, các công ty Pháp kỳ này sẽ mất từ một đến hai tỷ euro. Trong lịch sử hàng không dân dụng, ít có bao giờ ngành hàng không bị chấn động mạnh đến như thế. 

Thật vậy, cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra còn nghiêm trọng hơn cả biến cố 11/09/2001 tại Hoa Kỳ từng khiến cho 8 hãng máy bay buộc phải đóng cửa, cũng như cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 đã gây hơn 100 tỷ đô la thiệt hại cho ngành hàng không dân dụng. 

Trong bối cảnh đó, các công ty hàng không nhất là tại châu Âu, còn buộc phải hoàn trả vé máy bay mà hành khách đã đặt trong khoảng thời gian ba tháng, tính từ khi dịch virus corona bùng phát. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), đây là một bài toán nan giải, do mức thiệt hại tính chung của các hãng hàng không quốc tế lên tới 55 tỷ euro. 

Đồng thời, số lượng vé máy bay bị hủy, do các chuyến bay đã không được đảm bảo (chứ không phải là do trách nhiệm của hành khách) được ước tính khoảng 31 tỷ euro. Trên nguyên tắc, hành khách tại châu Âu có thể yêu cầu các hãng may bay hoàn lại tiền vé, do các quy định bảo vệ chặt chẽ quyền lợi của người tiêu dùng. 

Theo báo Le Parisien, vào ngày 18/03/2020 vừa qua, Ủy ban Châu Âu đã ra thông cáo cho biết các hành khách có chuyến bay bị hủy, có hai lựa chọn : một là họ đòi hoàn tiền vé, hai là họ có thể dời lại chuyến bay trong vòng một năm, tức là cho tới tháng 03/2021. 

Nếu các biện pháp này được áp dụng tới nơi tới chốn, ngành hàng không dân dụng châu Âu nói riêng sẽ phải tốn khoảng 9 tỷ euro, còn ngành hàng không quốc tế nói chung sẽ phải chi 31 tỷ euro. Tuy nhiên, trong tình huống hiện nay, hầu hết các hãng hàng không trên thế giới, dù có bao thiện chí đi chăng nữa, vẫn khó thể nào mà thực hiện đề nghị hoàn trả này. 

Để có thể tồn tại, các hãng hàng không đang tìm cách hạn chế cú sốc của dịch Covid-19, bằng cách dàn trải các chi phí trong một khoản thời gian càng dài càng tốt. Một số hãng hàng không như Air France, Easyjet, Iberia đã bắt đầu cung cấp cho hành khách ‘‘một khoản tín dụng’’ tương đương với một chuyến bay khứ hồi với cùng một điểm đến, có giá trị trong vòng một năm. 

Một số công ty dễ dãi hơn cho phép hành khách bay đến bất cứ nơi nào, với điều kiện họ phải thanh toán mức giá chênh lệch. Trong trường hợp khoản tín dụng này không được dùng cho tới mùa xuân năm 2021, thì lúc ấy, hành khách mới được hoàn trả tiền mặt. 

Nói thì dễ nhưng làm thì khó. Theo báo La Tribune, việc hoàn tiền vé cho hành khách chưa chắc gì sẽ thuận lợi dễ dàng. Đối với các hành khách đã mua vé với công ty hàng không trên mạng hay tại các văn phòng đại diện chính thức, hành khách có thể trực tiếp nộp đơn xin hoàn trả. Nhưng đối với những ai đã mua vé thông qua trung gian của các công ty du lịch, thì thủ tục lại trở nên rườm rà, phức tạp hơn. 

Theo La Tribune, chính cũng vì từ đây cho tới năm sau, chưa chắc gì một số công ty vẫn còn tồn tại, cbo nên các hăng hàng không được yêu cầu ký gửi càng sớm càng tốt số tiền dự trù được hoàn trả vào ‘‘một quỹ bồi thường’’. Việc giải ngân phù thuộc vào các điều kiện thỏa thuận và đôi khi chỉ ở một mức tối thiểu trong trường hợp các hãng hàng không không còn khả năng hoạt động.

Bài Liên Quan