Ngư dân Việt Nam bị chìm tàu ở Hoàng Sa: ‘Chỉ mong sống sót trở về’

Ngư dân Việt Nam bị chìm tàu ở Hoàng Sa: ‘Chỉ mong sống sót trở về’

Bùi ThưBBC News Tiếng Việt

  • 8 tháng 4 2020
Tàu ngư dân Việt Nam (hình minh họa)
Image captionTàu ngư dân Việt Nam và tàu Hải cảnh Trung Quốc (hình minh họa)

Trao đổi BBC News Tiếng Việt sáng 7/4, ông Võ Duy Khánh, một ngư dân trên chiếc tàu bị chìm ở biển Hoàng Sa, nói tàu Hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm tàu của ông.

Trở về từ Hoàng Sa sau vụ đụng độ với tàu Hải cảnh Trung Quốc hôm 2/4, giọng ông Võ Duy Khánh vẫn chìm trong mỏi mệt. “Bây giờ tôi vẫn còn mệt lắm. Đêm đó biển đen thẳm. Anh em tôi nghĩ chắc chết rồi khi thấy tàu Trung Quốc đi xa dần chỗ tàu chìm. Tàu chìm thì tôi chỉ lo cho mạng sống của mình, sợ chết lắm chứ”. Ông nói.

Có vợ đang mang bầu và đứa con lớn chỉ mới học mẫu giáo, cả gia đình nương tựa tất cả vào những ngày đi biển đầy sóng gió của ông Duy Khánh. Vì vậy, sự bấp bênh, sự đe dọa an nguy tính mạng trong những chuyến đi biển khiến ông không khỏi lo lắng. Những ngư dân như ông trông chờ không chỉ vào sự đãi ngộ của thiên nhiên mà còn là sự giúp đỡ của nhà nước.

Trước sự việc trên, hôm 3/4, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam – bà Lê Thị Thu Hằng cho biết đại diện Bộ Ngoại giao đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và đã trao công hàm phản đối, “yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, và bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam”.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc – Hoa Xuân Oánh lên tiếng về sự việc: “Dù tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã cố gắng hết sức để tránh nhưng vẫn bị tàu đánh cá Việt Nam đâm vào mũi tàu Hải cảnh Trung Quốc và chiếc tàu cá bị chìm. Cảnh sát biển Trung Quốc đã ngay lập tức giải cứu tàu đánh cá Việt Nam. Tất cả 8 ngư dân Việt Nam trên tàu đã được cứu lên mà không có ai thương vong. Sau khi tiến hành thủ tục điều tra và thu thập chứng cứ cần thiết, Cảnh sát biển Trung Quốc đã cho 8 ngư dân hồi hương.”

“Phải lo mạng sống của mình chứ”

Nhắc lại sự kiện kinh hoàng hôm tàu bị đâm hôm đó, ông Võ Duy Khánh kể:

”Tàu Trung Quốc hôm đó đuổi tàu chúng tôi chạy. Tàu nó chạy theo khoảng hai tiếng đồng hồ rồi mới đâm vào tàu chúng tôi. Lúc ấy khoảng 3 giờ sáng”.

Ông Khánh cho biết chỉ khoảng 20 phút sau, con tàu đã chìm nghỉm khiến 8 ngư dân trên tàu phải bám trụ vào mũi tàu. Sau khi tàu chìm, tàu Trung Quốc vớt các ngư dân lên.

“Lúc tàu chìm tôi hoảng lắm, phải lo mạng mình sống chứ. Ai mà không sợ được. Anh em nói chung là người nào cũng hoảng loạn, cũng trông cho mình sống trở về”. Ông Khánh nhớ lại.

“Lúc xảy ra đụng độ, tôi chỉ thấy tàu Trung Quốc chứ không thấy lực lượng chức năng Việt Nam. Ban đầu chỉ nghĩ là tàu Trung Quốc tới đuổi đi thôi chứ không nghĩ là nó đâm mình đêm hôm dã man như vậy”.

Khi sự việc xảy ra, ông Đặng Dũng, chủ tàu cá QNg 90399 TS nhận được tin báo và lập tức đi tìm kiếm 8 ngư dân trên tàu bị chìm.

Ông Dũng nói, ông chấp nhận mạo hiểm để cứu tàu bạn nên bị tàu Trung Quốc khống chế, rượt đuổi và lấy mất tài sản. Ông tường thuật lại với BBC News Tiếng Việt:

“Tôi đang làm thì nhận được tín hiệu tàu bạn bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Tôi ở cách đó khoảng 16-17 hải lý, nghe được thì tôi chạy tới cứu nạn. Nghe bạn gặp nạn không tìm là không được nên có sợ thì tôi cũng phải đi vào chỗ gần đảo đó. Tôi chấp nhận mạo hiểm để đi cứu họ nên bị rủi ro, bị khống chế, ảnh hưởng tinh thần, mất mát của cải”.

“Tôi chạy ra mất 3 tiếng đồng hồ mới tới tọa độ được thông báo. Tới nơi thì tàu chìm rồi. Chỉ thấy gần đó có chiếc tàu Hải cảnh Trung Quốc. Chúng tôi loanh quanh để tìm anh em ngư dân chứ đâu biết là tàu Hải cảnh Trung Quốc đã vớt rồi. Tôi tìm một chặp thì bị một chiếc tàu khác của Trung Quốc ra đuổi. Tàu Trung Quốc đuổi mấy tiếng đồng hồ rồi áp tới khống chế”.

Một tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc
Image captionMột tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc

“Tàu Trung Quốc chặn đầu tàu tôi lại không cho chạy. Lúc đó tôi sợ lắm. Sợ nó đâm chìm tàu rồi chết người nên chịu thua vì tàu chúng tôi nhỏ, tàu của nó lớn quá. Phía tàu Trung Quốc thả ca nô xuống, sang bắt hết người lên tàu của nó, chỉ để lại một người để lái tàu cá đi theo. Chúng tôi bị bắt quay lại chỗ tàu chìm, mất cả 5 tiếng đồng hồ. Rồi chúng tịch thu điện thoại, chặt phá thiết bị, bình hơi lặn, dây lặn và các ngư cụ khác”.

Theo lời kể của ông Dũng, tới khoảng 6 giờ tối, các ngư dân bị bắt ký vào các tờ giấy có viết chữ Trung Quốc:

“Tôi bèn ghi tên và ngày tháng chứ không ký. Phải ghi chứ không ghi vô nó đánh chết, phải lo cái mạng mình trước đã. Rồi sau chúng dẫn các thuyền viên bị bắt trước đó ra, giao cho tàu tôi 4 người, tàu kia 4 người. Sau khi thả các tàu cá, tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục bám theo tới sáng mới rời đi”, ông Dũng nhớ lại.

Vừa đánh bắt cá, vừa bảo vệ biển

Quần đảo Hoàng Sa hiện là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Tuy nhiên, trên thực tế thì Trung Quốc đã kiểm soát toàn bộ quần đảo mà họ gọi là Tây Sa này cũng như ngư trường rộng lớn xung quanh từ năm 1974.

Cũng từ thời điểm đó đến nay, các lực lượng chức năng của Việt Nam, như Hải quân, Cảnh sát biển và sau này là Kiểm ngư, không thể có mặt làm nhiệm vụ thường trực tại khu vực biển gần quần đảo Hoàng Sa. Trong hoàn cảnh đó, các ngư dân đánh bắt ở đây luôn được coi là kiêm thêm nhiệm vụ “bảo vệ chủ quyền” bằng cách cho thấy sự hiện diện thường xuyên của Việt Nam trên vùng biển đảo mà họ tuyên bố là thuộc về mình.

Tuy nhiên, việc các ngư dân không có vũ trang phải “đứng ở tuyến đầu” trên một vùng biển rất dễ phát sinh xung đột lại vô hình trung đẩy họ vào thế nguy hiểm. Trong nhiều năm qua, đã có rất nhiều báo cáo về việc ngư Nam Việt Nam bị tàu của lực lượng chức năng Trung Quốc đâm chìm tàu, bị bắt và bị tịch thu ngư cụ, hải sản.

Đây cũng là vấn đề gây cho phía Việt Nam nhiều băn khoăn, vướng mắc.

Tàu cá ngư dân Việt Nam, hình minh họa
Image captionTàu cá ngư dân Việt Nam, hình minh họa

Thoát chết sau vụ tàu bị chìm, ngư dân Võ Duy Khánh bày tỏ nguyện vọng:

“Tôi mong nhà nước hỗ trợ để ngư dân có thể tiếp tục ra khơi, vừa đánh cá vừa bảo vệ biển đảo. Đây là lần đầu tiên tàu bị đâm chìm nên tôi cũng chưa rõ có được hỗ trợ gì không nhưng đến giờ vẫn chưa nghe thông báo”.

Ông Đặng Dũng, người có hơn 30 đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, chia sẻ:

“Đánh cá ở vùng đó cũng sợ lắm. Đã có nhiều vụ người bị đánh, tàu bị đâm chìm rồi. Thuyền viên đi toàn ghi nợ, nếu về mà không có gì, lại bị mất mát thì không có trả nợ. Nếu không có nhà nước đứng sau, hỗ trợ tinh thần, tiền bạc, tính mạng thì khó trụ vững lắm”.

“Tôi mong được chính quyền hỗ trợ để anh em sửa lại tàu, mua ngư cụ để tiếp tục vừa đi làm kinh tế vừa giữ biển. Tôi đi biển vùng này đến nay đã hơn 30 năm rồi, từ năm 16 tuổi đã gắn bó với vùng Hoàng Sa. Năm nào cũng ra đánh bắt cá, làm sao bỏ được. Đó là ngư trường chính, ngư trường truyền thống của chúng tôi”, ông Dũng nói.

Ngư dân cần được hỗ trợ ra sao?

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 6/4 về vấn đề này, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, nhìn nhận ngư dân Việt Nam rất dũng cảm, yêu đất nước và biển đảo nên không quản hy sinh ra biển đánh cá và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

“Những đơn vị có chức năng trên biển như hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư và biên phòng ven biển và cả không quân cần nghĩ đến sự an toàn của ngư dân. Bảo vệ ngư dân không có nghĩa là gây xung đột trên biển mà để ngư dân yên tâm đánh bắt cá, tham gia giữ gìn chủ quyền biển đảo. Không thể để ngư dân đơn độc”, ông Lâm lưu ý thêm.

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam gọi hành vi của Trung Quốc là côn đồ
Image captionChuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam gọi hành vi của Trung Quốc là côn đồ

Trả lời BBC News Tiếng Việt sáng 7/4, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, nói:

“Quan điểm của hội là ở những vùng biển bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép và có hành động ngang ngược thì ngư dân càng phải cẩn thận, đi có đoàn có đội và thường xuyên liên lạc, báo cáo khi có sự đụng độ. Chủ trương của chúng tôi là không từ bỏ những quyền chính đáng ở các vùng biển thuộc Việt Nam, không vì sự việc đó mà nhường lại ngư trường”.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho rằng hành động của Trung Quốc là vô nhân đạo
Image captionÔng Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho rằng hành động của Trung Quốc là vô nhân đạo

“Với hành động vô nhân đạo của Trung Quốc thì chúng tôi kịch liệt lên án, yêu cầu chính phủ Việt Nam có những biện pháp để Trung Quốc chấm dứt các hành động trên và có những đền bù thỏa đáng. Chúng tôi cũng kiến nghị với nhà nước tăng cường lực lượng chức năng hiện diện trên biển để nhằm cảnh giác, hỗ trợ và bảo vệ bà con”, ông Thắng khẳng định.

Về vấn đề hỗ trợ ngư dân, ông Thắng cho biết thêm:

“Việc hỗ trợ ngư dân bị thiệt hại, Hội thủy sản Quảng Ngãi và Nghiệp đoàn nghề cá Quảng Ngãi sẽ có những đánh giá thiệt hại và mức độ hỗ trợ. Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi sẽ có tính toán cụ thể, hiện giờ hội nghề cá chưa biết hỗ trợ ở mức nào nhưng chắc chắn ngư dân sẽ được hỗ trợ đền bù từ các hiệp hội, từ cộng đồng và chính quyền. Những vụ việc như thế này thường xuyên được Hội nghề cá Việt Nam cũng như Hội nghề cá Quảng Ngãi quan tâm, ủng hộ để bà con vượt khó”

Bài Liên Quan