Covid-19 : Các hãng hàng không lần lượt sa thải nhân viên

Covid-19 : Các hãng hàng không lần lượt sa thải nhân viên

Đăng ngày: 30/04/2020

Các chiếc máy bay của hãng hàng không British Airway tại phi trường Heathrow, Luân Đôn, ngày 14/03/2020.
Các chiếc máy bay của hãng hàng không British Airway tại phi trường Heathrow, Luân Đôn, ngày 14/03/2020. REUTERS – Simon Dawson

Tuấn Thảo

Khoảng 232 tỷ euro thất thu. Đó là số liệu dự báo của cơ quan IATA (Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế). Do tác động của dịch Covid-19, ngành hàng không dân dụng sẽ mất khoảng 1,2 tỷ hành khách từ đây cho tới tháng 09/2020. Trên thị trường lao động, các nạn nhân ‘‘kinh tế’’ đầu tiên vẫn là nhân viên các hãng hàng không. 

Hôm 28/04 vừa qua, tập đoàn IAG (International Airlines Group) thông báo sẽ sa thải 12.000 nhân viên. Đặt trụ sở tại Madrid, tập đoàn này bao gồm các hãng hàng không Tây Ban Nha và Anh như British Airways, Iberia, Air Europa, cùng với các hãng hàng không giá rẻ như Vueling, Level và Aer Lingus. Hiện giờ, British Airways có khoảng 39.000 nhân viên và theo kế hoạch cắt giảm chi phí, 12.000 người, tức gần 30% nhân viên của British Airways, sẽ mất việc làm. Còn số nhân viên bị sa thải trong tập đoàn IAG nói chung có thể còn cao hơn nữa, hiện nay đã có tới hơn 22.000 nhân viên bị giảm lương hay chỉ làm việc bán thời gian. 

Ngành hàng không dân dụng quốc tế đang hứng chịu hậu quả kinh tế do virus corona gây ra. Cũng như tất cả các tập đoàn hàng không, doanh thu của tập đoàn IAG đã giảm 13% trong quý I năm nay, nhưng tình hình trong quý II cũng chẳng sáng sủa gì hơn, do các nước châu Âu chỉ dự trù mở lại các chuyến bay quốc tế sớm lắm là vào mùa hè năm 2020. Theo ông Alex Cruz, tổng giám đốc điều hành British Airways, công ty này sẽ mất vài năm nữa mới hy vọng tìm lại được lượng hành khách vào năm 2019. 

Tập đoàn IAG, cũng như Lufthansa và Air France-KLM, tương đối khá vững chắc về mặt cơ cấu, nhưng vào lúc chính phủ Pháp cam kết ‘‘tài trợ’’ cho hãng hàng không Air France 7 tỷ euro, thì ngược lại British Airways đã không nhận được bất kỳ ‘‘gói cứu trợ’’ nào từ phía chính phủ Anh. Dù muốn hay không, việc tổ chức lại cơ cấu cũng như kế hoạch sa thải nhân viên là điều không thể tránh khỏi, nếu British Airways muốn hy vọng tồn tại.

Hiện giờ British Airways đang tuyển dụng khoảng 4.500 phi công, 16.000 nhân viên phi hành đoàn, 19.000 nhân viên trong các khâu dịch vụ có liên quan. Tuy nhiên danh sách số nhân viên cụ thể bị sa thải trong từng ngành nghề, vẫn chưa được công bố.

Tương tự như trường hợp British Airways, nhiều công ty khác trong tuần này cũng buộc phải thông báo kế hoạch cắt giảm nhân viên. Theo tập đoàn Thụy Điển SAS, 5.000 nhân viên hãng hàng không quốc gia Scandinavian Airliness bị cho thôi việc. Về phần mình, công ty Icelandair cũng cho biết không còn sự lựa chọn nào khác để giải quyết tình huống khó khăn trước mắt, ngoài việc giảm đáng kể số lượng nhân viên. Chỉ trong tháng này 2.000 nhân viên Icelandair đã mất việc làm.

Các nạn nhân đầu tiên ở đây vẫn là phi hành đoàn, nhân viên làm việc trong các khâu bảo trì, cũng như các dịch vụ tiếp đón trên mặt đất. Theo giám đốc điều hành Icelandair Bogi Nils Bogason, phần lớn các nhân viên còn lại tiếp tục làm việc bán thời gian, còn những người có công việc toàn thời gian phải chịu bị giảm lương kể cả ban giám đốc, những biện pháp này theo ông tuy là ‘‘thuốc đắng’’ nhưng lại rất cần thiết, để duy trì hoạt động của Icelandair trong tương lai.

Theo đánh giá của mạng thông tin chuyên ngành Air Journal, tất cả các công ty hàng không hiện đang lâm nguy và chỉ có thể vượt qua khó khăn trong trường hợp huy động được các nguồn vốn tài trợ của tư nhân hay từ chính phủ. Chính vì vậy mà tại nhiều quốc gia, các công ty hàng không đều kêu gọi khả năng giúp đỡ của nhà nước. Đó là trường hợp của các hãng máy bay như Aeroflot, Etihad, Air India, South African Airways, Philippine Airlines, Garuda Indonesia hay Thai Airways …

Nhiều công ty cỡ trung bình không có sự hậu thuẫn của nhà nước đã buộc phải tuyên bố phá sản, trong đó có hãng hàng không Flybe của Anh, Hainan Airlines của Trung Quốc, SriLankan Airlines, Virgin Australia của Úc, LWG của Đức. Về phía công ty Norwegian, công ty hàng không giá rẻ này đã buộc phải đóng cửa 4 chi nhánh tại Đan Mạch cũng như Thụy Điển. Dù đã sa thải 4.700 nhân viên, chưa chắc Norwegian tồn tại được cho tới cuối năm 2020 mà không bị sáp nhập vào một tập đoàn có tầm cỡ lớn hơn.

Bài Liên Quan