Biển Đông: TQ lại nạo vét tại đảo Phú Lâm nơi VN tuyên bố chủ quyền?
- 27 tháng 6 2020
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang nạo vét tại một vịnh ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, có vẻ như để mở rộng góc phía tây bắc của hòn đảo nhân tạo này, theo Benarnews.
Ảnh vệ tinh cho thấy việc nạo vét dường như đã được tiến hành trong vài tuần nay tại đảo Phú Lâm, nơi Trung Quốc xây dựng thành phố Tam Sa.
Hình ảnh vệ tinh thương mại từ ngày 17/4 đến ngày 25/6 cho thấy rạn san hô ở bờ biển phía tây bắc đảo Phú Lâm đã bị nạo vét một đoạn ở trung tâm. Cũng có thể nhìn thấy các dải đất mới có thể là nền móng cho việc bồi đắp, mở rộng hòn đảo.
Có thể thấy các cẩu hoặc máy móc hạng nặng đang làm việc tại cùng địa điểm nói trên hôm 8/5. Dựa trên đánh giá của BenarNews, hình ảnh vệ tinh cho thấy cát được nạo vét ra khỏi đảo Phú Lâm để tạo ra cấu trúc mới này. Đường bờ biển gần khu vực này đã được gia cố bằng thứ trông giống như một bức tường biển. Một số cấu trúc giống như cầu tàu nhân tạo được xây dựng tại các điểm dọc theo bờ biển về phía đông.
Đảo Phú Lâm là nơi Trung Quốc thường tập hợp các tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển (CCG) và lực lượng dân quân hàng hải trước khi điều động đến nơi khác, quấy rối hoạt động của tàu các quốc gia khác cũng có yêu sách về chủ quyền trên Biển Đông, theo Benarnews.
Hình ảnh vệ tinh chụp vào thứ Sáu cho thấy ba tàu CCG đang đậu ở cảng của đảo này, cùng với những vật trông giống như một chiếc xà lan chở vật liệu.
Trung Quốc đã thực hiện một chiến dịch bồi đắp đảo nhân tạo rộng lớn từ năm 2014 đến năm 2016 ở Biển Đông, phá hủy môi trường tự nhiên và quân sự hóa các bãi đá và rạn san hô nơi nước này chiếm đóng.
Bốn căn cứ lớn nhất mà Trung Quốc duy trì ở Biển Đông – Đá Subi, Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn, và Đảo Phú Lâm – hầu như không thể nhận ra kể từ khi việc bồi đắp kết thúc vào năm 2017, tạo ra các bến cảng nước sâu, đường băng, và nơi sinh hoạt. Nhưng việc nạo vét quy mô nhỏ vẫn tiếp tục, như hình ảnh vệ tinh mới nhất này cho thấy.
Các mối quan ngại về tình trạng nạo vét
Việc nạo vét mới trên đảo Phú Lâm được Trung Quốc thực hiện vào thời điểm nhạy cảm, theo Benarnews.
Tháng trước, Indonesia đã cùng với Việt Nam, Philippines và Malaysia tố cáo Trung Quốc về việc khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông trong một loạt các công hàm gửi lên Liên Hiệp Quốc.
Indonesia viện dẫn phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực, bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển tranh chấp, khẳng định không một ‘hòn đảo’ nào của Trung Quốc có thể tạo ra các vùng đặc quyền kinh tế và chúng chỉ là các bãi đá.
Gần đây, Trung Quốc đã cố gắng đe dọa Việt Nam về việc hợp tác khai thác dầu trên Biển Đông với một đối tác quốc tế bằng cách đưa một tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào ngày 17/6.
Việt Nam đã chủ trì hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo ASEAN hôm 26/6. Tất cả các nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông đều tham gia, không bao gồm Trung Quốc và Đài Loan.
“Trong khi thế giới đang đấu tranh chống lại đại dịch COVID-19, thì lại có những hành động vô trách nhiệm, vi phạm luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến môi trường an ninh và ổn định ở một số khu vực, bao gồm khu vực ASEAN,” Benarnews dẫn lời Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu khai mạc.
Mười nước thành viên ASEAN đã vật lộn để đạt được sự đồng thuận về các vấn đề liên quan đến Biển Đông, do đó, tuyên bố chung hôm Thứ Sáu ngầm chỉ trích kế hoạch thành lập Vùng Nhận diện phòng không trên Biển Đông của Bắc Kinh là một biểu hiện lo ngại bất thường về căng thẳng đang gia tăng.
Tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc
Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và vào năm 1982 đã thành lập đơn vị hành chính để quản lý các quần đảo này.
Nhắc về Hoàng Sa, Trung Quốc nói công hàm Việt Nam ‘phi pháp, vô hiệu’
TQ tăng hoạt động tại vùng tranh chấp ở Biển Đông
Bãi Tư Chính và lô 06-01: Rõ hơn về tàu Trung Quốc ‘quấy nhiễu’ Việt Nam
Huyện đảo Hoàng Sa hiện trực thuộc thành phố Đà Nẵng, còn huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Tuy nhiên, kể từ năm 1974, Trung Quốc trên thực tế đã chiếm quyền kiểm soát toàn bộ Quần đảo Hoàng Sa (Bắc Kinh gọi là Tây Sa), trong đó bao gồm đảo Phú Lâm, nơi nay đặt trụ sở của huyện đảo Tây Sa.
Trung Quốc giành quyền kiểm soát đảo Phú Lâm từ năm 1956. Năm 2012, Trung Quốc thành lập ‘thành phố Tam Sa’ đặt thủ phủ ở đảo này và điều quân tới đóng trên đảo.
Đảo Phú Lâm hiện là nơi mà cả Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền.