Cháu gái Trump và những tiết lộ gây sốc về gia đình

Cháu gái Trump và những tiết lộ gây sốc về gia đình

  • John Self
  • BBC Culture

một giờ trước

Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Gia đình nhà Trump

Việc cô cháu gái của đương kim Tổng thống Hoa Kỳ xuất bản cuốn hồi ký làm lanh tanh bành mọi chuyện là màn kịch mới nhất trong một chuỗi dài các kiểu hiềm khích gia đình – đương nhiên là cực hấp dẫn – được phơi bày trên giấy trắng mực đen.

“Gia đình nào,” Alan Bennett viết, “thì cũng đều có một bí mật: họ chẳng hề giống như những gia đình khác”.

Và họ tất nhiên là không thích thú gì khi ai đó chia sẻ những bí mật của họ.

Mary Trump gần đây đã trở thành một trong những tác giả bán chạy nhất mọi thời đại, khi cuốn Too Much and Never Enough (Quá nhiều và Không bao giờ đủ) của cô về gia đình Trump – một gia đình thực sự chẳng giống bất kỳ gia đình nào – đã bán được gần 1 triệu bản trong ngày ra mắt đầu tiên.

Đây là một “liều thuốc văn chương” đầy phấn khích hiếm có: cuộc đào xới của một nhà tâm lý học lâm sàng về tính cách của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, và về việc ông đã bị nhào nặn bởi người cha không có tình thương với con cái trong một bầu không khí gia đình độc hại ra sao.

Cảnh báo: Bài viết này sử dụng từ ngữ khiến một số độc giả có thể thấy phản cảm.

Gia đình Trump đã kiện Mary – nhưng không thành – để ngăn chặn việc xuất bản cuốn hồi ký, với lý do Mary đã ký một thỏa thuận không tiết lộ tại một phiên tòa trước đó. Tuy nhiên thẩm phán bác bỏ lập luận này.

Giờ đây, thế giới có thể đọc những cáo buộc của Mary, từ việc Trump trả tiền cho người làm hộ bài thi để đăng ký đại học của mình đến chuyện ông đã cố tình lừa dối để gạt khoản thừa kế của anh em Mary, và – cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất cũng được kể theo cách ồn ào nhất – Trump và vợ cũ Ivana từng tặng cho Mary món quà Giáng sinh gồm một giỏ đồ ăn nhưng hộp trứng cá muối trong giỏ lại bị lấy ra mất.

Donald Trump bác bỏ mọi cáo buộc của Mary, và đã phản hồi theo cách rất đặc trưng của riêng mình.

“Cô ta thật là lộn xộn!” ông viết trên Twitter vài ngày sau khi cuốn sách được xuất bản, và nói thêm rằng cha mẹ ông “không thể nào chịu đựng nổi cô ta!”

Cuốn sách của Mary cũng viết về những chi tiết hết sức cá nhân và riêng tư, không giống như những cuốn sách khác về Trump mà chúng ta đã đọc trong những năm gần đây. Cuốn sách đem đến cho một số độc giả một trải nghiệm hoàn toàn mới: cảm thấy tội nghiệp cho Donald Trump.

Nỗi niềm của người nổi tiếng

Nhưng Mary Trump không phải là trường hợp đầu tiên bị gia đình từ mặt vì đã phơi bày mọi chuyện.

Rất hiếm có nhân vật nổi tiếng nào sống khép kín hơn nhà văn JD Salinger, người có cô con gái đầu lòng Margaret ra cuốn hồi ký Dream Catcher (Theo đuổi Giấc mơ) vào năm 2000.

Trong số những chi tiết kỳ dị, cuốn hồi ký có kể về cách Salinger tìm kiếm sự giác ngộ thông qua giáo phái crackpot, với việc ông tự uống nước tiểu của chính mình, ngồi trong một chiếc hộp kim loại để hấp thu năng lượng “orgone” (thứ được cho là một dạng năng lượng sống từ vũ trụ), và áp dụng một chế độ ăn kiêng làm ông ốm yếu “xanh rớt như tàu lá”, tất cả đều nhằm phục vụ mong muốn sống đến 120 tuổi (trên thực tế ông thọ 91 tuổi).

Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Vào năm 2000, con gái nhà văn JD Salinger là Margaret ra cuốn hồi ký Dream Catcher, trong đó kể nhiều chi tiết kỳ dị về cuộc đời cha mình

Đương nhiên là các cáo buộc bị phủ nhận, mặc dù chúng được cho là hợp lý bởi vì các tác phẩm sau cùng của Salinger, đặc biệt là tập truyện dài Zooey (“một tác phẩm tự cảm kỳ quái”, theo đánh giá của nhà phê bình văn học George Steiner) và Seymour: An Introduction (Chuyện về Seymour Bernstein), khi đọc ta thấy giống như một bản liệt kê danh mục các lựa chọn tinh thần mà Salinger đã theo đuổi trong suốt cuộc đời.

Salinger đã không công khai phản ứng gì về cuốn Dream Catcher, nhưng chúng ta không cần phải đoán cảm xúc của ông, bởi người được từng miêu tả thành nhân vật Holden Caulfield trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng The Catcher in the Rye (Bắt trẻ đồng xanh), viết rằng, “Cha mẹ tôi sẽ tức hộc máu hai lần nếu tôi nói ra bất cứ điều gì riêng tư về họ. Họ khá nhạy cảm với những thứ như vậy.”

Matthew, em trai của Margaret ít kín tiếng hơn, và điều đó khiến Salinger không vui vẻ gì khi các con của ông cãi vã nhau trên báo New York Observer (“trong nhà tôi, sự hiện diện đáng sợ duy nhất mà tôi nhớ chính là chị gái tôi,” Matthew nói), trong các cuộc phỏng vấn (“toàn kiểu lâm ly,” ông nói thêm), và trên mạng khi quảng bá cuốn sách (“Tôi hy vọng vì lợi ích của riêng cậu ấy mà cậu ấy tìm được lối thoát cho chính mình,” Margaret đáp trả).

‘Mẹ nào con nấy’

Như Salinger đã nhận ra, có một đứa con vô ơn là tai nạn nghề nghiệp của người nổi tiếng.

Năm 1985, con gái của nữ diễn viên nổi tiếng Bette Davis là BD Hyman ra hồi ký – đúng vào Ngày của Mẹ – cuốn My Mother’s Keeper.

Theo lời của một nhà phê bình, cuốn sách đã miêu tả Davis, người đang hồi phục sau cơn đột quỵ tại thời điểm này, là “một nghệ sĩ có miệng lưỡi cay độc, kiêu căng tự phụ, nghiện rượu nặng, và thường nghiền nát người khác trên con đường sự nghiệp của bà”, và là người đã dàn dựng các vụ tự tử, giả vờ uống thuốc quá liều trước mặt các con rồi nhốt mình trong phòng ngủ qua đêm.

“Mẹ hy vọng điều này đã dạy cho các con một bài học,” bà ấy sẽ nói như vậy khi xuất hiện vào sáng hôm sau, mặc dù dạy cho các con bài học gì thì không rõ.

Song những chỉ trích trong cuốn sách của Hyman dù sao cũng còn đỡ ‘diễn’ hơn so với những cáo buộc chống lại Joan Crawford trong cuốn hồi ký Mommie Dearest (Mẹ yêu) do chính con gái bà viết, được xuất bản bảy năm trước đó; mặc dù có sự cạnh tranh gay gắt giữa Davis với Crawford, nhưng thật khó để biết liệu điều này khiến Davis thấy nhẹ lòng hơn hay càng thất vọng hơn.

Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Con gái của Bette Davis, Barbara – về sau được biết đến với tên gọi BD Hyman – kể về mẹ mình một cách thiếu thiện cảm trong cuốn My Mother’s Keeper

Có lẽ cuốn sách là sự đáp trả cho việc Davis từng chế giễu con gái mình trong một cuộc phỏng vấn vài năm trước đó: “Tôi nghĩ tài năng đã thiếu vắng trong một thế hệ,” bà nói. (Mặc dù thực tế không phải vậy.)

Bà đã không để cho mọi chuyện lắng xuống: trên một chương trình trò chuyện, bà nói rằng việc xuất bản cuốn hồi ký của BD là “tàn khốc tựa một cú đột quỵ.”

Đáng chú ý hơn, Davis đã phản ứng lại cuốn sách trong cuốn hồi ký của chính mình This ‘n That hai năm sau đó, là cuốn sách kết thúc bằng một bức thư gửi cho con gái, và nếu ai đó còn hy vọng mẹ con họ có thể hòa giải, thì phần mở đầu lạnh lùng (“Dear Hyman” – “Hyman thân mến”) đã đặt dấu chấm hết cho hy vọng đó.

“Không nghi ngờ gì,” Davis viết, kiêu căng tự phụ đến tận dòng cuối cùng, “con đúng là có tài hư cấu.”

Mối nguy càng trở nên ghê gớm khi con cái họ thực sự là nhà văn chuyên nghiệp.

Nhà thơ Czesław Miłosz nghĩ vậy.

“Khi trong nhà có một tác gia,” ông viết, “thì gia đình đó coi như xong.”

Oán giận trong gia đình

Trong trường hợp của tiểu thuyết gia và là nhà bút chiến chuyên nghiệp Michel Houellebecq, gia đình chưa bao giờ thực sự được đặt lên hàng đầu.

Giống như Donald Trump, ông lớn lên mà không được cha mẹ mấy quan tâm đến ông, thậm chí mẹ còn bỏ ông cho bà ngoại để đi du lịch.

Trong cuốn tiểu thuyết thứ hai của mình Atomised (Bóc trần), Houellebecq đã tạo ra một nhân vật hư cấu dựa trên hình ảnh mẹ mình (và để tránh nghi ngờ, ông cũng lấy tên bà đặt cho nhân vật luôn), miêu tả bà là một dân chơi hippy phóng đãng, ích kỷ, bỏ rơi con trai mình.

Khi người mẹ sắp chết, nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết nói thẳng vào mặt bà: “Tôi sẽ mang đến nhà hỏa táng cho họ thiêu bà. Tôi sẽ bỏ tro cốt của bà vào một cái bình nhỏ và mỗi sáng khi thức dậy, tôi sẽ đái vào đó.”

Mẹ của Houellebecq, Lucie Ceccaldi, đã trả đũa bằng cách ra cuốn sách The Innocent (Ngây thơ) vào năm 2008 (đây là một ví dụ hiếm hoi không phải về một cuốn hồi ký dẫn đến một vụ xì-căng-đan, mà ngược lại từ xì-căng-đan mà viết hồi ký).

Khi quảng bá cuốn hồi ký, bà đã không kiềm chế ngôn từ: miêu tả con trai mình là “kẻ nói dối, kẻ mạo danh, kẻ ăn bám”, bà sẽ quyết “đập vào mặt nó”, và sẽ “bẻ gãy hết răng nó” rồi tuyên bố – mà đây quả là hành động cay nghiệt nhất – rằng các tác phẩm của con trai mình là thứ “văn chương ngu xuẩn. Nếu nó không phải là con trai tôi, tôi không đời nào đọc những thứ tào lao đó.”

Đây có thể là một câu chuyện không có hồi kết – đến tận 2017, Houellebecq vẫn còn phàn nàn rằng “mẹ tôi chẳng hề yêu tôi đủ mức” – nhưng kết luận cuối cùng quả là “mẹ nào con nấy”.

Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Tác giả người Pháp gây tranh cãi Michel Houellebecq tiểu thuyết hóa mẹ mình thành một dân chơi hippy phóng đãng, ích kỷ

Mất tình hết nghĩa

Cuộc chiến của Houellebecqs nảy sinh từ sự hận thù của mối quan hệ giữa mẹ và con trai ngay từ khi còn nhỏ, song có những mối bất hòa khác lại từ mầm mống vụn vặt hơn nhiều.

Hai chị em tiểu thuyết gia xuất sắc AS Byatt và Margaret Drabble cho thấy, như bất kỳ luật sư ly hôn nào cũng biết, một cuộc thương lượng nghiêm túc có thể sụp đổ chỉ vì việc ai sẽ được giữ bộ thìa yêu thích.

Mà trong trường hợp này thì đó là món đồ chơi thời thơ ấu: Byatt phản đối việc Drabble viết trong một trong những cuốn sách của mình về bộ ấm trà mà họ chơi chung khi còn nhỏ, vì bà muốn nó chỉ của riêng mình. Drabble viết: “Em tôi làm như tôi đã chiếm đoạt một thứ không phải của mình vậy.”

Mối quan hệ Byatt-Drabble vốn thân ái êm đềm trong thuở thiếu thời, song sau đó bị thúc đẩy bởi tham vọng cạnh tranh do bà mẹ khơi dậy trong họ.

Byatt đã cố gắng làm tan băng mối quan hệ bằng cách gửi cho Drabble một bản sao của cuốn tiểu thuyết thứ hai của mình là The Game (Trò chơi), có ghi lời xin lỗi, nhưng Drabble lại cho rằng cuốn sách này có “ác ý”.

Đến lượt mình, Byatt phản đối miêu tả hư cấu về người mẹ của họ trong tiểu thuyết The Peppered Moth (Bướm đêm Cay nghiệt) của Drabble: “Giá mà mọi người không đọc lời kể của người ta viết về mẹ tôi”, bà nói, và sức công phá của hai từ cuối cùng, ‘mẹ tôi’, cho thấy có lẽ là mối bất hòa này, như Drabble nói hồi 2011, là “không thể hàn gắn được”.

Ngồi lê đôi mách

Giống như một số người có thể bắt đầu cãi cọ khi ngồi trong căn phòng trống, có những người có thể gây ra mối hiềm khích gia đình ngay cả khi chẳng có gia đình.

Truman Capote, tác giả rất thành công với tác phẩm Breakfast at Tiffany’s (Bữa sáng ở Tiffany) và In Cold Blood (Dòng giống máu lạnh), vào năm 1975 đã bắt đầu xuất bản những hồi ký giả tưởng về những người bạn thân – những người thân thiết như ruột thịt – trên tạp chí Esquire, với tựa đề chung là Answered Prayers (Cầu được Ước thấy).

Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Truman Capote đã đánh mất nhiều bạn bè khi ông ‘tám’ chuyện riêng tư của họ trên tạp chí Esquire

Đó hoàn toàn là những câu chuyện ngồi lê đôi mách về các khía cạnh vệ sinh cá nhân và chuyện nơi phòng ngủ, nhưng Capote lại nghĩ rằng chả có vấn đề gì. “Họ quá ngu ngốc. Họ không tự biết mình là ai.”

Nhưng họ thì biết, và họ đã đáp trả bằng cách cắt đứt quan hệ với Truman, không liên lạc qua điện thoại với ông nữa. Ông liên tục tìm đến những địa điểm ăn trưa chung của cả hội, mong được tha thứ, nhưng như một trong những người bạn bị phản bội nói, cô ấy “cạch mặt. Không bao giờ thèm nhìn mặt anh ta nữa.”

Với Capote, người mà những ngày tỏa sáng đã qua đi từ lâu và ít nhiều sống phụ thuộc vào uy tín trong xã hội, thì đó là dấu chấm hết.

“Ông ấy không có vai trò về mặt xã hội,” tiểu thuyết gia John Knowles nói. “Ông ấy không có gia đình. Ông ấy chỉ là một thứ đồ trang trí. Ông ấy chẳng dựa được vào đâu hết.”

Kể từ đó, Capote, người từng vô cùng thành công, đã không viết thêm được cuốn sách nào nữa, sa vào nghiện ngập rượu, ma túy, rồi chết sau đó chín năm, 1984, vì bệnh gan và nhiễm độc ma túy.

Sự lụn bại công khai của Capote đặc biệt bi thảm, nhưng có một nỗi buồn đan xen vào tất cả những mối hiềm khích này, thậm chí – đặc biệt – đau lòng nhất: một nhà báo phỏng vấn mẹ của Michel Houellebecq về cuốn sách của bà nói rằng “rõ ràng là rất đớn” trong “cách bà cố gắng để tiếp cận với con trai mình”.

Từ Capote đến Houellebecq, BD Hyman đến Margaret Salinger, đó là những người không chỉ viết câu chuyện của riêng họ mà còn là câu chuyện của người khác, hy sinh cuộc sống gia đình mình để đổi lấy cảm xúc hài lòng khi được ra sách.

Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, dường như điều đó không hề làm họ hạnh phúc.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.

Bài Liên Quan