Đức-Nga: cơm không lành, canh không ngọt giữa Merkel và Putin

Đức-Nga: cơm không lành, canh không ngọt giữa Merkel và Putin

September 3, 2020

Berlin có “bằng chứng không thể chối cãi” là nhà đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc bằng chất Novitchok. Vụ việc làm “dấy lên nhiều câu hỏi mà chỉ có chính quyền Nga mới có thể và sẽ phải trả lời”. Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo chiều ngày 02/09/2020 trực tiếp quy trách nhiệm cho Matxcơva “bịt miệng” đối thủ chính trị của tổng thống Vladimir Putin.

Phải chăng đây là dấu hiệu rạn nứt trong mối quan hệ đặc biệt giữa hai lãnh đạo Đức-Nga ?

Lời lẽ cứng rắn của thủ tướng Merkel nhắm vào Matxcơva khiến giới phân tích bất ngờ vào lúc mà lãnh đạo Đức và Nga đã hai lần gặp nhau trong sáu tháng qua, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến các hoạt động ngoại giao bị hạn chế đáng kể. Giới quan sát thậm chí còn cho rằng, “bối cảnh địa chính trị hiện tạo thuận lợi cho việc Đức và Nga sưởi ấm quan hệ”. Thứ nhất, Berlin và Matxcơva cùng đang trong tầm ngắm của chính quyền Trump. Hoa Kỳ mạnh mẽ phản đối dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 cho phép Nga nhân lên gấp đôi khối lượng khí đốt cung cấp cho Đức, Berlin sẽ lơ là với khí đốt của Mỹ.

Điểm thứ nhì cho thấy có dấu hiệu Berlin và Matxcơva xích lại gần nhau, đó là giữa tháng 8/2020 tại lâu đài Meseberg (cách thủ đô Berlin 70 cây số về phía bắc) thủ tướng Merkel và tổng thống Putin đồng ý là đôi bên “cần đối thoại trên nhiều hồ sơ khác, từ Syria đến hạt nhân Iran và nhất là tìm ra ngõ thoát cho tình hình Ukraina”.

Trong một bài phân tích, báo Libération giải thích : quan hệ giữa Đức với đồng minh thân thiết trong khối tự do là Hoa Kỳ càng xấu đi thì thủ tướng Merkel càng cần khai thác mối quan hệ đặc biệt mà bà có được với nguyên thủ Nga. Cả hai cùng là những chính trị gia kỳ cựu. 20 năm qua, Vladimir Putin liên tục điều hành đất nước. Với Angela Merkel là 13 năm đứng đầu nội các. Cả hai cùng sử dụng thành thạo ngôn ngữ của nhau và biết rất rõ về nước Đông Đức cũ. Nhờ các yếu tố này, tiếng nói của thủ tướng Merkel được tổng thống Putin lắng nghe.

Tuy nhiên cũng vì biết rõ nhau, nên đôi bên nắm được nhược điểm của nhau. Theo nhà phân tích Stefan Meister chuyên gia về Nga và Đông Âu thuộc Viện nghiên cứu GDAP của Đức, được Libération trích dẫn, Vladimir Putin xuất thân từ hàng ngũ KGB cho nên ông “nắm giữ được những nhược điểm của đối phương và khai thác những nhược điểm đó” để trục lợi. 

Có điều sau nhiều năm giao tiếp với Angela Merkel, nguyên thủ Nga cũng ý thức được rằng, không dễ bắt nạt được người đàn bà sắt thép này. Merkel và Putin “tôn trọng lẫn nhau” và cả hai cùng là những nhà lãnh đạo “thực dụng”, ý thức được rằng “quyền lực của họ rất lớn trên trường quốc tế”.

Nhưng làm thế nào để đàm phán với Vladimir Putin mà không làm phương hại đến quyền lợi kinh tế của Ukraina như trên hồ sơ đường ống dẫn khí Nord Stream 2, không tác động đến chính sách chung của châu Âu trừng phạt Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina ?

Thủ tướng Merkel cứng giọng với Nga vào thời điểm này, bởi Berlin biết là về mặt kinh tế, Vladimir Putin trông cậy nhiều vào dự án Nord Stream 2. Như phân tích của Kristine Berzina, chuyên về hồ sơ năng lượng và quan hệ xuyên Đại Tây Dương, có dấu hiệu Matxcơva sẵn sàng có một cử chỉ để giảm bớt thiệt hại cho Ukraina, khi mà khí đốt của Nga được chuyển sang châu Âu qua ngả Baltic.

Còn về mặt địa chính trị, dù đã đi được nhiều nước cờ quan trọng ở Địa Trung Hải và đang chiếm thế thượng phong tại Syria, đã san bằng được phần nào bất đồng với Thổ Nhĩ Kỳ…, nhưng chủ nhân điện Kremlin cần hậu thuẫn của Liên Âu để phá vỡ chính sách trừng phạt của phương Tây, liên tục nhắm vào nước Nga kể từ khi Matxcơva thôn tính bán đảo Crimée năm 2014.

Berlin hiểu rõ là, trong tất cả những vấn đề này, Nga cần có được một đối tác quan trọng như là Đức. Do vậy không loại trừ khả năng vụ đầu độc nhà đối lập Navalny chỉ là cái cớ để thủ tướng Merkel mặc cả với tổng thống Putin về một số điểm khác, chẳng hạn như ngăn chận thảm họa nhân đạo tại Syria, nhằm tránh gây ra một làn sóng người nhập cư khác ồ ạt đổ vào châu Âu.

Theo RFI

Bài Liên Quan