ASEAN đang cần sự thống nhất

ASEAN đang cần sự thống nhất

Trần Hoài Phương
2020-09-09

Hình minh hoạ. Ngoại trưởng TQ Vương Nghị (màn hình giữa) phát biểu trong cuộc họp với các Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN ở Hà Nội hôm 9/9/2020Hình minh hoạ. Ngoại trưởng TQ Vương Nghị (màn hình giữa) phát biểu trong cuộc họp với các Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN ở Hà Nội hôm 9/9/2020 AFP

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM-53) và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày từ 9-12/9/2020, với sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và các nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, EU, Ấn Độ, Australia… theo hình thức trực tuyến. Tại các hội nghị lần này, chủ đề chính là vấn đề Biển Đông và căng thẳng đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ đề nghị ASEAN tham gia liên minh chống Trung Quốc, tuy nhiên, các thành viên ASEAN không thống nhất trong vấn đề này. Lý do là có một số nước ASEAN trông đợi vào việc Trung Quốc cung cấp vaccine phòng dịch COVID-19, bên cạnh sự giúp đỡ về kinh tế trong nhiều năm qua.

Theo báo chí cho biết, các hội nghị lần này được tổ chức theo hình thức trực tuyến và đều do Việt Nam chủ trì. Ngày 12/9, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) với sự tham gia của 27 nước, để bàn về các vấn đề an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương cũng sẽ được tổ chức. Các cuộc họp lần này vốn được dự kiến tổ chức vào tháng 7/2020, nhưng đã phải hoãn do ảnh hưởng của COVID-19.

Mỹ đang rất tích cực thúc đẩy ASEAN tham gia cùng Mỹ ngăn chặn việc Trung Quốc tăng cường khống chế Biển Đông bằng cách hành động quân sự, hay xây dựng quy mô lớn tại vùng biển này. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 2/9 đã sớm thông báo về việc tham gia các hội nghị lần này của Ngoại trưởng Pompeo. Đến nay, chính quyền Tổng thống Trump đã khẳng định rằng các đòi hỏi của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông là không có giá trị về pháp lý, đồng thời đã trừng phạt các công ty Trung Quốc tham gia xây dựng các công trình quân sự trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dự kiến cũng sẽ tham dự hội nghị lần này. Chiến lược của Trung Quốc đang áp dụng là “mua chuộc” ASEAN bằng các cam kết cung cấp vaccine phòng dịch COVID-19 hay các khoản đầu tư hạ tầng cơ sở, qua đó tăng cường khả năng khống chế trên Biển Đông.

Với cả Mỹ và Trung Quốc, việc “kéo” ASEAN về phía mình sẽ giúp một trong hai bên sẽ có thêm nhiều lựa chọn chiến lược, trong đó có cả lựa chọn về quân sự. Tuy nhiên, trước sự “mời gọi” của Washington, thái độ của các nước ASEAN có sự khác nhau.

Hình minh hoạ. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Hà Nội hôm 9/9/2020

Hình minh hoạ. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Hà Nội hôm 9/9/2020 AFP

Từ cuối tháng 7/2020, Malaysia đã gửi thư phản đối đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Để trả đũa, Ủy viên bộ chính trị Dương Khiết Trì, quan chức cấp cao nhất về đối ngoại của Bắc Kinh, đã hủy bỏ chuyến thăm tới Malaysia. Việt Nam, nước chủ trương cứng rắn với Trung Quốc, đang muốn đưa vào tuyên bố Chủ tịch ARF nội dung lên án Trung Quốc sử dụng sức mạnh để thay đổi hiện trạng trên Biển Đông.

Tuy nhiên, những nước nhận nhiều viện trợ của Trung Quốc như Campuchia, Lào, hay Myanmar né tránh việc chỉ trích Bắc Kinh. Kim ngạch thương mại với Trung Quốc của những nước chậm phát triển trong ASEAN như Lào, Myanmar đều chiếm trên 30% tổng kim ngạch thương mại của các nước này (số liệu năm 2019).

Trung Quốc cũng đang tích cực sử dụng con bài “ngoại giao vaccine”. Theo truyền thông nước này, Thủ tướng Lý Khắc Cường ngày 24/8 đã tuyên bố sẽ ưu tiên cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho 5 nước khu vực sông Mekong, gồm Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar. Ngày 31/8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã điện đàm với Tổng thống Indonesia và cam kết hợp tác trong phát triển và sản xuất vaccine phòng COVID-19.

Mỹ không đánh giá cao chính sách ngoại giao thực dụng kiểu như vậy của Trung Quốc. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương David Stilwell, ngày 3/9 đã hối thúc ASEAN rời xa Trung Quốc để cùng Mỹ nâng cao pháp trị, tôn trọng chủ quyền và tính minh bạch. Tuy nhiên, vẫn còn không ít các nước ASEAN hoài nghi với Mỹ khi Washington chưa cung cấp lợi ích gì “nhìn thấy được” cho họ.

Việc ASEAN thiếu sự thống nhất như vậy sẽ khiến lập trường của các quốc gia ASEAN liên quan đến tranh chấp biển Đông sẽ yếu đi rất nhiều. Đây cũng là thách thức không nhỏ cho Việt Nam – nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN luân phiên trong năm nay. Việt Nam đã có nhiều tham vọng trong nhiệm kỳ chủ tịch lần này với mục tiêu sẽ thúc đẩy vai trò của ASEAN trước các đe doạ của Trung Quốc trên biển Đông. Tuy nhiên, sự bùng phát của đại dịch Covid 19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến nghị trình của ASEAN năm nay. Hầu hết các cuộc họp cấp cao của ASEAN đều phải thực hiện thông qua trực tuyến. Mặc dù vậy, hồi cuối tháng 6, Việt Nam cũng đã rất cố gắng thuyết phục các nước khác trong khối để đưa ra một tuyên bố của Chủ tịch ASEAN, trong đó có nhắc tới việc sử dụng UNCLOS làm nền tảng cho việc giải quyết các bất đồng trên biển cũng như các quan ngại trước việc cải tạo các đảo nhân tạo trên khu vực biển Đông. Trong dịp kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN mới đây, ngày 8-8-2020, theo đề xuất của Việt Nam – trên cương vị Chủ tịch ASEAN và Indonesia, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố chung về Tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á. Trong tuyên bố chung này có nhắc tới việc đoàn kết trong ASEAN như một nội dung trọng tâm.

Với sự căng thẳng Mỹ – Trung đang có xu hướng leo thang, và Trung Quốc lợi dụng tình hình để giành những lợi thế tại khu vực biển Đông như hiện nay, thách thức lớn nhất cho Việt Nam với cương vị chủ tịch ASEAN là làm sao để tạo sự thống nhất và đoàn kết trong ASEAN, từ đó mới có thể tận dụng được các ưu thế của khối trong việc duy trì đàm phán một Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả với Trung Quốc.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Bài Liên Quan