Thức ăn là hình ảnh của tình yêu và hạnh phúc.

Chuly sưu tầm.

 

Thức ăn là hình ảnh của tình yêu và hạnh phúc.

Thông điệp tình yêu được gói ghém trong thức ăn xuất hiện rất nhiều trong phim. Bạn hẳn còn nhớ “Lady and the Tramp” (Tiểu Thư và Lãng Tử), phim hoạt họa về hai con chó. Lady được nuôi nấng kỹ lưỡng, mắt to yểu điệu. The Tramp là một con chó hoang. Bạn nhớ không, cái cảnh Tiểu Thư và Lãng Tử cùng ăn mì Ý, spaghetti với meat ball (thịt xay vắt thành viên). Thật là lãng mạn khi hai “người” cùng chia nhau đĩa mì, mỗi “người” ngậm một đầu sợi mì, cuối cùng là cái hôn.

Ready for a kiss
Tiểu thư và Lãng tử cùng chia nhau sợi mì.
Anton Ego, nhà phê bình ẩm thực nổi tiếng trong phim “Ratatouille,” có thể làm nhà hàng trở nên danh tiếng và tăng số ngôi sao Michelin, đồng thời cũng có thể khiến nhà hàng bị đóng cửa, chủ nhà hàng thất vọng đến tự tử vì bị giảm số ngôi sao. Một người đầy quyền lực như thế nhưng món ăn có thể khiến ông ta mềm lòng, lại là món ratatouille mẹ nấu. Món ăn này là biểu tượng tình yêu của mẹ đối với Anton Ego. Trong nhiều phim, không cần nguyên cảnh, chỉ cần người này đút cho người kia một thìa canh hay miếng kem, khán giả thấy ngay sự ấm áp, yêu mến, dịu dàng, được bày tỏ bằng thức ăn.

Anton và món ratatouille
Anton Ego bắt đầu thưởng thức ratatouille
Trở về vùng trời thương nhớ
Anton trở về vùng trời thương nhớ vì miếng ratatouille ngon như món ăn mẹ nấu
Trong phim “Apartment,” do Billy Wilder làm đạo diễn, Bud Baxter (Jack Lemmon) có một căn hộ gần nơi chàng làm việc được bốn ông Quản Đốc và ông Giám Đốc phòng Lao Động của công ty chiếu cố. Họ mượn căn hộ này làm tổ uyên ương lén vợ đưa nhân tình về tận hưởng một vài giờ. Họ trả công cho Bud Baxter bằng cách tăng chức cho chàng. Bud Baxter thầm để ý cô nhân viên gác thang máy, Fran Kubelik (Shirley McLain), nên khi ông Tổng Giám Đốc Jeff Sheldrake tặng chàng hai vé đi xem nhạc kịch, chàng mời nàng cùng đi. Bud không biết Fran là tình nhân của Sheldrake. Chán cảnh “kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng” Fran hẹn gặp Jeff ở một nhà hàng Tàu để dứt khoát với Jeff, nhưng Jeff nói nhất quyết sẽ ly dị vợ. Khi biết Jeff dối gạt mình, Fran thất vọng, tự tử ngay trong căn hộ của Bud Baxter.

Trong phim có nhiều cảnh ăn uống, nhưng có hai cảnh đáng chú ý nhất. Khi Fran gặp Jeff ở nhà hàng Tàu, nàng đã gọi món tôm khai vị, rượu daiquiris, và chua chát than thở “Cũng cái góc bàn nhỏ kín đáo cho hai người, cũng những bài hát quen thuộc, cũng cái nước xốt chua chua ngọt ngọt để ăn với tôm.” Món ăn vội vã và tạm bợ là biểu tượng cho cuộc tình tạm bợ và vội vã. Bud thầm lặng yêu cô gái xinh đẹp, dễ thương, và nhẹ dạ này từ lâu. Chàng nuôi dưỡng Fran cho đến khi nàng bình phục. Là đàn ông độc thân, Bud không có dụng cụ để nấu nướng. Chàng nấu spaghetti và dùng cái vợt đánh tennis để vớt mì luộc trong nồi. Mì spaghetti là món ăn nhiều công, món ăn nóng, người ta không ăn vội vã, là biểu tượng cho cuộc tình ấm áp và lâu dài.

Khán giả yêu thích phim của Hitchcock, đều biết rằng ông rất sành món ăn ngon và thường mang thức ăn vào phim ảnh. Trong phim “Lamb to the Slaughter,” của Hitchcock, Mary Maloney có mang sáu tháng. Một buổi chiều Mary chờ chồng, là cảnh sát trưởng của thành phố, về để cùng đi ăn tối ở nhà một người bạn. Patrick, về trễ, vẻ mặt lầm lì. Anh tuyên bố “Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa!” Patrick đòi ly dị, nhất định lấy quần áo, đòi dọn ra khỏi nhà ngay tối hôm ấy. Anh ta hứa là sẽ chu cấp cho Mary và đứa bé. Cố gắng thuyết phục Patrick đừng quyết định vội vàng, Mary xin chồng ở lại ăn tối. Nàng đinh ninh rằng sau khi ăn anh sẽ khỏe và thay đổi ý định. Vì định đi ăn tối ở nhà bạn nên trong nhà không có sẵn thức ăn, nàng mở tủ lạnh lấy ra một cái đùi cừu mang đi nướng. Anh chồng cự tuyệt và còn nhẫn tâm chế nhạo nàng. Đang cơn giận dữ nàng dùng cái đùi cừu đông lạnh đập anh chồng vỡ đầu chết tốt. Mary cho cái đùi cừu vào lò nướng. Khi những người thám tử đến điều tra cái chết của vị cảnh sát trưởng, thấy họ làm việc vất vả đến khuya, nàng mời họ ở lại ăn tối. Họ lấy trong lò cái đùi cừu nướng ra ăn không biết là chính họ đã phi tang dụng cụ dùng để giết người.

Muốn bày tỏ tình yêu, người ta dẫn nhau vào nhà hàng, trong ánh đèn mờ ảo, nghe nhạc du dương, và thưởng thức rượu nồng; khi ấy thức ăn được dùng để mở cửa tâm hồn. Thất vọng trong tình yêu, Miranda Hobbes, cô nàng luật sư trong chương trình “Sex and the City” ở nhà lục tủ lạnh ăn bánh ngọt và kem; đó là lúc thức ăn được dùng để xoa dịu những trái tim tan vỡ. Khi yêu người ta mang sô cô la đem tặng. Khi thất tình người ta ăn sô cô la để có cảm giác được yêu. Người ta tổ chức yến tiệc, dâng rượu bồ đào trong chén ngọc, tiễn người ra trận. Dũng tướng thắng trận trở về tiệc thật to rượu tràn trề cho xứng đáng công trận của anh hùng. Cleopatra chinh phục người hùng Cesar bằng những buổi đại yến vương giả. Dâng cho Cesar ly rượu đắt nhất thế gian bằng cách tháo đôi hoa tai cho tan cho vào ly rượu. An Lộc Sơn cỡi ngựa ngày đêm để mang trái Lệ Chi về cho Dương Quí Phi. Và Hades chúa tể âm ti đã tìm kiếm trong băng giá mùa đông mang quả lựu về để có thể giữ Persephone ở trong địa ngục. Người ta mở tiệc mừng đứa trẻ sinh ra đời được một tháng, mở tiệc mừng sinh nhật mỗi năm. Khi làm hôn lễ người ta ăn tiệc cưới. Sau tang lễ người trong gia đình gặp nhau ăn tiệc rồi chia tay.

Thức ăn rất quan trọng trong cuộc đời, vì thế cảnh ăn uống xuất hiện thường xuyên trong văn chương và phim ảnh.

Bài Khác