Niềm tin trong bang giao Mỹ – Việt có bước ‘củng cố mới đầy triển vọng’

Niềm tin trong bang giao Mỹ – Việt có bước ‘củng cố mới đầy triển vọng’

27 tháng 8 2021

Quan hệ Việt - Mỹ
Chụp lại hình ảnh,Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tiếp đón Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Văn phòng Chính phủ tại Hà Nội hôm 25/8/2021

Chuyến công du Việt Nam của Phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris được đánh giá là thành công và góp phần củng cố niềm tin trong quan hệ hai nước, đó là nhận xét chung của các nhà quan sát thời sự và phân tích chính trị tại một hội luận chuyên đề của BBC News Tiếng Việt.

Dù trong tuyên bố được đưa ra lần này chưa có việc Hoa Kỳ và Việt Nam nâng quan hệ đối tác lên mức chiến lược, “mối quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ được nâng lên một bước nữa cho dù Việt Nam có nói là đó là mối quan hệ chiến lược toàn diện hay không”, ý kiến từ các khách mời tại Việt Nam nói với Bàn tròn Thứ Năm hôm 27/8/2021.

Tại cuộc hội luận chuyên đề bàn về bang giao Mỹ – Việt nhân kết quả chuyến thăm chính thức Việt Nam của Phó Tổng thống Hoa Kỳ, PGS. TS. Phạm Quý Thọ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách công, Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam đánh giá chuyến thăm của bà Kamala Harris đã ‘thành công trên nhiều phương diện’.

“Thứ nhất là niềm tin được củng cố, thứ nhì đạt rất nhiều lợi ích của hai bên và thứ ba là độ tin cậy lẫn nhau được nâng lên rất nhiều.”

‘Chưa bao giờ quan hệ tốt như lúc này’

Phó TT Kamala Harris: Vaccine Mỹ tặng VN ‘sẽ tới trong 24 giờ’

Chia sẻ, đồng tình với nhận định trên, luật sư Lê Công Định, nguyên Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM từ Sài Gòn cho rằng “chuyến đi này rất thành công” và mối quan hệ Việt – Mỹ đang ngày càng tốt hơn.

“Trong hơn 25 năm thiết lập bang giao bình thường quan hệ trở lại với Việt Nam, rõ ràng chưa bao giờ quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ tốt như lúc này.

“Có quá nhiều lĩnh vực, không chỉ là vấn đề an ninh, mà hai nước có thể cùng nhau hợp tác và đẩy mạnh vì đời sống và lợi ích của người dân.”

Về kỳ vọng đối với quan hệ Việt – Mỹ trong tương lai, ông Phạm Quý Thọ từ Hà Nội nói:

“Tôi hy vọng sau chuyến đi này thì quan hệ được thúc đẩy cao hơn và tôi trông chờ không những sự hỗ trợ trực tiếp của Hoa Kỳ về vaccine, về chống dịch nói chung, không chỉ về mặt dịch tễ mà chúng tôi còn quan tâm hơn là nó sẽ thúc đẩy các quan hệ khác nữa trong đó có khoa học kỹ thuật, giáo dục và đặc biệt là về kinh tế.”

Việc thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước, theo quan điểm cá nhân của ông Thọ, sẽ mang lại hai lợi ích cho Việt Nam.

“Một là nó thúc đẩy kinh tế tạo ra cú hích lớn hơn những gì chúng ta chỉ có bán nông sản rồi hải sản…

“Hai là chúng ta tìm thấy một điều nữa là cải cách thể chế theo hướng hiệu quả. Đấy là cái chúng ta mong chờ.”

“Khi người ta có niềm tin rồi thì nó có tác động lan tỏa vào cải cách thể chế Việt Nam đang làm hết sức quyết liệt.”

“Chuyến đi này hết sức thành công, không chỉ về mặt an ninh mà tôi nhìn thấy những lợi ích khác to lớn hơn phù hợp với lợi ích của cả phía Mỹ cũng như Việt Nam và hy vọng quan hệ này một lúc nào đó nó sẽ thành hiện thực là đối tác chiến lược toàn diện.”

Cần hình thành một hiệp định thương mại song phương mới?

Quan hệ Mỹ - Việt
Chụp lại hình ảnh,Phái đoàn Mỹ do PTT Kamala Harris dẫn đầu hội đàm với Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Phủ Chủ tịch tại Hà Nội hôm 25/8/2021

Cũng từ Hà Nội phát biểu ý kiến tại cuộc hội luận, nhà phân tích chính sách và pháp luật, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) cho rằng hai bên nên hình thành một hiệp định thương mại song phương (BTA) Việt – Mỹ trong giai đoạn mới.

“Tại sao chúng ta không tính tới chuyện thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ với trụ cột kinh tế thì quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ được mở ra cũng là từ Hiệp định kinh tế BTA?,” ông Giao đặt câu hỏi.

“Phải chăng bây giờ đã đến lúc đặt ra vấn đề là quan hệ hợp tác về kinh tế thương mại nên chăng chúng ta ký một BTA mới – Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ, bởi vì quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong bối cảnh chính trị và mọi quan hệ khác tương đối đặc biệt thì không nhất thiết là cứ phát triển qua quan hệ đa phương về kinh tế mà phải chăng nên có hiệp định riêng về kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

“Nếu các nhà lãnh đạo hai nước hướng đến một hiệp định như vậy thì tôi tin rằng nó sẽ thúc đẩy trên thực chất hơn và nhanh hơn tiến trình trở thành bạn bè chiến lược của nhau.”

Cơ hội mới trong thời điểm mới?

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (bìa trái)
Chụp lại hình ảnh,Đây là chuyến thăm đầu tiên của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (bìa trái) tới châu Á, Đông Nam Á và Việt Nam, trong cương vị mới của bà

Truyền thông Việt Nam và Hoa Kỳ cho hay tại cuộc gặp với Chủ tịch nước Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc ngày 25/08/2021, tại Phủ Chủ tịch tại Hà Nội, Phó Tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris phát biểu:

“Tôi cũng muốn trong khi chúng tôi ở đây, chúng ta xem xét làm những gì có thể để nâng cấp mối quan hệ của chúng ta thành đối tác chiến lược. Điều này sẽ gửi một thông điệp tích cực đến chính phủ, và người dân cũng như khu vực khi chúng ta làm sâu sắc hơn mối quan hệ của mình.”

Bình luận về điều này, luật sư Lê Công Định nói:

“Đây là cơ hội để Việt Nam quyết định xem xét nâng mức quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia.

“Với Việt Nam bây giờ, tầm quan trọng về an ninh không phải là an ninh truyền thống như là những thách thức từ Trung Quốc ở Biển Đông không, mà còn là những vấn đề an ninh mới như năng lượng, môi trường và thêm vấn đề y tế nữa.

“Đây là cơ hội để Việt Nam nhận sự hỗ trợ từ một quốc gia đã có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các vấn đề an ninh đó.”

Tuy nhiên, quan sát từ trong nước, vị luật sư đánh giá phía Việt Nam “có vẻ thận trọng” trước đề xuất nâng tầm đối tác chiến lược của phía Hoa Kỳ.

Giải thích điều này, ông Định cho rằng có yếu tố e ngại Trung Quốc trong đó.

“Bởi vì khi đặt ra vấn đề đối tác chiến lược thì người ta dễ nghĩ đến một mối quan hệ hơn nữa về mặt quân sự, mà Việt Nam thì luôn luôn tránh né việc bước vào một liên minh quân sự với Hoa Kỳ một cách công khai.

“Tại vì như vậy mặc nhiên gửi thông điệp đến Trung Quốc là Việt Nam có khuynh hướng đổi chiều.”

“Tôi nghĩ rằng trong giai đoạn này thì chính quyền Việt Nam sẽ không bao giờ, và tôi nghĩ điều đó cũng nên là tỏ ra cho Trung Quốc thấy là Việt Nam xích gần với Hoa Kỳ quá nhiều và có thể gây tổn hại cho mối quan hệ với Trung Quốc mà nó đưa ra những hệ lụy nhiều khi không tốt.

“Cũng như là tôi quan sát báo chí trong nước hai ngày hôm nay thì tôi thấy là họ hoàn toàn muốn tránh né đề xuất của phía Hoa Kỳ.”

Luật sư Định cũng nhắc đến việc Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba hôm 24/08, tại đó nhà lãnh đạo Việt Nam được truyền thông nhà nước tường thuật tái khẳn định rằng Việt Nam không liên minh liên kết với nước này để chống lại nước khác.

“Tôi cho rằng đó là mối quan ngại mà Trung Quốc muốn gửi tín hiệu cho phía Việt Nam ngay trước chuyến thăm của bà Harris”, ông Định bình luận.

“Như vậy tôi thấy sự thận trọng của phía Việt Nam trong việc tiếp nhận đề xuất nâng tầm mối quan hệ lên đối tác chiến lược với Hoa Kỳ là có lý do và có thể hiểu được.”

Không có gì có thể gây trở ngại cho quan hệ Việt – Mỹ?

Quan hệ Việt - Mỹ
Chụp lại hình ảnh,Phó Chủ tịch nước Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân tiếp Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Phủ Chủ tịch tại Hà Nội hôm 25/8/2021

Về vấn đề này, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao phát biểu với Bàn tròn Thứ Năm cho rằng Trung Quốc không thể là tác nhân chính gây trở ngại cho quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam với Hoa Kỳ.

“Ngay chính sách ‘bốn không’ cộng với hiệp định đối tác chiến lược với Trung Quốc nó chẳng có ý nghĩa gì nếu Trung Quốc luôn luôn xâm lấn Việt Nam, đe dọa, cưỡng ép Việt Nam trong câu chuyện bảo vệ chủ quyền cũng như quyền đối với tài nguyên của mình,” ông Giao nói.

“Cho nên tôi đánh giá việc Trung Quốc lo ngại Việt Nam liên kết với Mỹ cũng chỉ là hình thức về ngoại giao thôi chứ họ không thể ngăn cản được Việt Nam trong việc mở rộng quan hệ bạn bè và đồng minh trong tương lai để bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.”

Xét về góc độ văn hóa ngoại giao, PGS. TS. Phạm Quý Thọ đánh giá Việt Nam “bị ảnh hưởng bởi thái độ của Trung Quốc” dẫn đến việc giới lãnh đạo ‘thiếu tự tin’ trước đề xuất nâng tầm đối tác chiến lược của phía Hoa Kỳ.

“Mặc dù có thể chưa ký lần này nhưng tôi tin là về thực chất nó đã là đối tác chiến lược toàn diện rồi.

“Giá như là văn hóa phương tây thì người ta có thể nói luôn để thể hiện tự tin khi mà có thể ký luôn bằng văn bản.

“Nhưng mà văn hóa Việt Nam gần Trung Quốc luôn luôn có kiểu ứng xử như thế tôi thấy có vẻ chưa được tự tin lắm.

“Chứ còn người dân cũng như giới tinh hoa thì người ta mong muốn có được quan hệ thực chất như bây giờ, thậm chí là cả việc ký kết quan hệ đối tác chiến lược thì rất là tốt, phù hợp với lợi ích của người dân cũng như phù hợp với lợi ích chung trong bối cảnh thế giới mới này thì cũng nên thể hiện tự tin hơn.”

Biển Đông – Việt Nam trong chiến lược của Hoa Kỳ

Hoa Kỳ và các đồng minh tập trận vì Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở

Từ góc nhìn chiến lược, luật sư Lê Công Định cho rằng Hoa Kỳ đang rất chú trọng tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mà Việt Nam là một nước trong khu vực này.

“Chúng ta phải đặt chuyến đi này trong bối cảnh bà Harris đến Đông Nam Á thì không chỉ gặp Việt Nam mà bà còn ghé thăm Singapore trước đó, và trong chuyến thăm đó bà cùng Thủ tướng Lý Hiển Long cũng đặt ra rất nhiều vấn đề về an ninh trên Biển Đông và tự do hàng hải.

“Điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ rất coi trọng vị trí chiến lược của vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương trong vị trí chiến lược quân sự cũng như ngoại giao của Hoa Kỳ.

“Ngoài 4 quốc gia nhóm Quad, Hoa Kỳ cũng muốn có sự tham gia chủ động hơn của Singapore và Việt Nam mà họ gọi đó là những quốc gia đồng minh và bạn bè trong khu vực này.

“Như vậy, chúng ta thấy rõ ràng trong chuyến đi này Hoa Kỳ đưa ra rất nhiều đề xuất cũng như nghĩa cử để mong phía Việt Nam đáp ứng lại.

“Chúng ta thấy có thể cách phản ứng của Việt Nam có thể dè dặt do mối quan hệ tế nhị với Trung Quốc nhưng chắc chắn tôi tin là sau chuyến đi này phía Việt Nam cũng sẽ từng bước thực hiện tất cả những đề xuất từ phía Hoa Kỳ.

“Bởi vì đó là con đường gần như là duy nhất trong mối quan hệ rất tế nhị trên Biển Đông ngày nay.”

Đồng quan điểm về vị trí của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, PGS. TS. Phạm Quý Thọ bình luận:

“Rõ ràng Hoa Kỳ đã nhìn thấy ở SIngapore và Việt Nam có thể là những đối tác tin cậy và có lợi ích trực tiếp ở BIển Đông.”

Lần này ‘chưa được’ sẽ đợi đến lần sau?

Quan hệ Việt - Mỹ
Chụp lại hình ảnh,Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại lễ đón PTT Mỹ Kamala Harris tại Phủ Chủ tịch VN ở Hà Nội

Gửi ý kiến cho cuộc hội luận tại Bàn tròn Thứ Năm hôm 26/8 từ Hà Nội, nhà phân tích chính trị và an ninh khu vực, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nêu góc nhìn của mình:

“Trước tiên, tôi muốn nói là hợp tác chiến lược Việt – Mỹ gồm các mặt an ninh khu vực Đông Nam Á, an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tham khảo hay tham vấn chính trị, đối thoại và hợp tác quốc phòng, đối thoại và hợp tác về nhân quyền, hợp tác chống khủng hoảng khí hậu và môi trường, và hợp tác trong các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống khác. Hai nước đã đạt được một số kết quả hợp tác thực chất, có hiệu quả, mang tính lâu dài, đặc biệt là trong các vấn đề biển Đông.

“Với Mỹ, chỉ có hai mối quan hệ: đồng minh và bạn bè – lúc này Việt Nam và Mỹ đang ở mức độ bạn bè – đối tác; quan hệ hai nước đang và sẽ tốt hơn hàng ngày. Cá nhân tôi luôn mong muốn rằng Mỹ và Việt Nam cùng nhau chính thức tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược. Lần này chưa được như thế, thì sẽ sớm đến dịp sau, bởi vì tình hình an ninh khu vực đang có những biến động sẽ dẫn đến quan hệ đối tác chiến lược Việt – Mỹ.

“Chính phủ Việt Nam đã chọn cách chưa cùng với Mỹ tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược lúc này. Tôi cho rằng sớm thôi, quan hệ đối tác chiến lược Việt – Mỹ sẽ được thiết lập, bởi vì VN đang phấn đấu trở thành quốc gia phồn vinh, mạnh mẽ, là đối tác có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; và Mỹ là một trong những đối tác quan trọng nhất của VN về kinh tế – thương mại, an ninh -địa chính trị, chống khủng hoảng khí hậu và giáo dục đào tạo.

“Việt Nam đang gặp các mối đe dọa an ninh, địa chính trị, đia chiến lược, cho nên chỉ trong tầm ngắn, quan hệ đối tác chiến lược Việt – Mỹ sẽ được thiết lập. Tôi tin như vậy. Không có lực lượng nào ngăn cản được Việt Nam bảo vệ lợi ích quốc gia của mình!”, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore) nói với BBC trên quan điểm riêng.

Bài Liên Quan