Tha thứ cho người khác chính là tự cởi trói cho mình

Tha thứ cho người khác chính là tự cởi trói cho mình

• Nhiều người cảm thấy tha thứ quả là một việc khó trong đời. Người ta đối xử tệ bạc, khinh ghét mình, nhục mạ mình, sao có thể dễ dàng bỏ qua được chứ? Nhưng liệu học cách vị tha, tha thứ có thực sự khó khăn đến thế không?

.

🐟Trước hết bạn hãy nghe tôi kể một câu chuyện. Một hôm, thầy giáo chủ nhiệm ra một đề kiểm tra kỳ lạ cho học sinh. Ông yêu cầu tất cả học trò của mình về nhà viết tên những người mình vốn không thể tha thứ lên trên những củ khoai tây và cho vào túi nylon, viết rõ cả ngày tháng và lý do. Thầy cũng yêu cầu học trò mang theo chiếc túi đó mọi lúc, mọi nơi, ngay cả khi ngủ cũng phải đặt ở đầu giường.

Một thời gian sau, tất cả học sinh đều nhận ra rằng chiếc túi đó quả thực là một gánh nặng. Sinh hoạt cá nhân của họ đều gặp không ít trở ngại. Khi ăn, ngủ, vệ sinh, họ đều phải mang nó kè kè bên mình. Ngoài ra, ngày tháng trôi qua, những củ khoai tây để trong túi đã bắt đầu phân huỷ, thối hỏng, trở thành một loại chất nhầy nhụa, bốc mùi.

Lúc ấy, người thầy nọ ôn tồn giảng: “Các em thấy đấy, không thể tha thứ cho người khác chính là một loại gánh nặng. Tâm oán hận sẽ tích tồn những thứ dơ bẩn trong lòng. Nếu mãi ôm giữ oán hận rồi chúng ta sẽ tự làm cho bản thân mình trở nên nhơ nhuốc đi”.

.

🐟Câu hỏi đặt ra là vì sao chúng ta luôn không thể bao dung, tha thứ cho người khác?

Có người miệng nói tha thứ nhưng trong tâm hãy còn chất đầy oán hận, căm phẫn. Bị người khác gây tổn thương đương nhiên không phải là một cảm giác dễ chịu gì. Nhưng trên đời có ai mà chưa từng chịu tổn thương đây? Nếu cứ ôm giữ mãi tâm oán hận, chẳng phải tâm hồn người ta sẽ chỉ còn đầy những vết thương đang rỉ máu hay sao?

Không thể tha thứ còn là biểu hiện của sự ích kỷ. Khi đặt mình cao hơn người khác, muốn mình trở thành trung tâm vũ trụ, người ta tất nhiên không muốn bị ai làm thương tổn. Vả lại, khi làm tổn thương người khác, ta luôn mong muốn họ thông cảm, thấu hiểu và bao dung cho mình. Trong khi rất nhiều lúc chính ta lại không làm được điều ấy ở những trường hợp ngược lại.

Thực sự, tha thứ chính là một loại sức mạnh tinh thần. Tha thứ không phải yếu đuối, nhu nhược, dĩ hoà vi quý, tha thứ càng không phải đầu hàng, chấp nhận buông xuôi. Tha thứ là đặt mình ở trên người khác để bao dung họ. Cổ nhân dạy: “Lùi một bước biển rộng trời cao”. Nếu bạn thực sự có thể lùi lại, lấy tĩnh khí của mình để xét đoán sự việc thì sẽ thực sự nhìn thấy được một cảnh tượng mĩ diệu khác. Đó là cảnh giới của người quân tử, cảnh giới của sự bao dung, từ bi, của tinh thần vị tha, cao thượng. /.

– sưu tầm trên mạng

Bài Liên Quan