Về 5 vấn đề nghiêm trọng của tập đoàn Facebook qua tài liệu rò rỉ
27 tháng 9 2021
Tuần qua, Facebook đã phải đối mặt với một loạt cáo buộc về những hoạt động nội bộ, Wall Street Journal (WSJ) và một số báo tường thuật.
Phần lớn thông tin đến được lấy ra từ các tài liệu nội bộ của Facebook, cho thấy có một số người trong công ty tố giác vấn đề.
Các tài liệu sẽ cho chính phủ các nước và các cơ quan quản lý khá đầy đủ để cân nhắc việc nên hành động tiếp theo thế nào.
Tuy nhiên, Facebook đã tự vệ trước toàn bộ các cáo buộc.
Dưới đây là năm điều đã được tiết lộ trong tuần qua:
Facebook đối xử khác biệt đối với những người nổi tiếng
Theo Wall Street Journal, các tài liệu cho thấy nhiều người nổi tiếng, chính trị gia và các Facebooker đình đám bị điều chỉnh bằng những quy định khác nhau khi họ đăng tải nội dung lên Facebook, dựa trên một hệ thống được gọi là XCheck (kiểm tra chéo).
Facebook thừa nhận rằng những lời chỉ trích nhắm vào việc Facebook dùng hệ thống kiểm tra chéo là “công bằng”, nhưng nói hệ thống này được thiết kế nhằm “kiểm tra bổ sung” đối với các nội dung được đăng tải cần được rà soát.
“Điều này có thể bao gồm cả việc các nhà hoạt động muốn nâng cao nhận thức xã hội trong các trường hợp bạo lực, hoặc việc phóng viên đưa tin từ những vùng đang có xung đột,” Facebook nói.
Hãng cho biết rất nhiều tài liệu mà Wall Street Journal nhắc đến có chứa “những thông tin lỗi thời, được chắp vá vào nhau nhằm dẫn dắt ra ý trọng điểm nhất: tự bản thân Facebook xác định vấn đề bằng cách kiểm tra chéo và tìm cách xử lý”.
Ban Giám sát, cơ quan do chính Facebook bổ nhiệm và chịu trách nhiệm ra quyết định đối với những nội dung cần kiểm duyệt, đã yêu cầu phải có sự minh bạch ở mức cao hơn.
Trong một blog tuần trước, cơ qun này nói những tiết lộ đã “thu hút sự chú ý mới đến cách thức dường như thiếu nhất quán của công ty trong việc ra các quyết định”.
Cơ quan này yêu cầu giải thích chi tiết về cách thức hoạt động của hệ thống kiểm tra chéo.
Ban Giám sát cảnh báo rằng sự thiếu rõ ràng trong hoạt động kiểm tra chéo có thể góp phần tạo cảm giác Facebook “bị ảnh hưởng quá mức bởi những toan tính chính trị và thương mại”.
Kể từ khi bắt đầu nghiên cứu cách thức Facebook kiểm duyệt nội dung được đăng tải, Ban Giám sát, hoạt động bằng tiền của Facebook chi trả, đã đưa ra 70 khuyến nghị về cách công ty nên cải thiện các chính sách của mình. Hiện Ban này đã thành lập một nhóm để đánh giá xem mạng xã hội này thực hiện các khuyến nghị đó như thế nào.
Facebook thường phản ứng ‘yếu ớt’ trước lo ngại của nhân viên về nạn buôn người
Các tài liệu mà WSJ nhắc tới cũng cho thấy các nhân viên Facebook thường xuyên gắn thẻ nghi ngờ đối với các thông tin về những băng đảng ma túy và buôn người trên nền tảng xã hội này, nhưng phản ứng của công ty thường là “yếu ớt”.
Vào tháng 11/2019, BBC News Tiếng Ả Rập đã phát sóng một tường thuật theo đó nêu bật tình trạng ‘oshin’ giúp việc gia đình bị đem rao bán trên Instagram.
Theo các tài liệu nội bộ, Facebook nhận thức rõ chuyện này.
WSJ tường thuật rằng Facebook chỉ có những hành động rất hạn chế cho đến khi Apple đe dọa xóa bỏ các sản phẩm của Facebook ra khỏi cửa hàng ứng dụng App Store.
Để biện hộ cho mình, Facebook nói hãng có “chiến lược toàn diện” để giữ an toàn cho mọi người, trong đó bao gồm việc “có các nhóm nhân viên toàn cầu với thành viên là người nói tiếng bản ngữ theo dõi trên hơn 50 ngôn ngữ khác nhau, có các nguồn tài nguyên giáo dục và có quan hệ đối tác với các chuyên gia địa phương và các bên thứ ba làm công tác kiểm chứng”.
Những người chỉ trích cảnh báo rằng Facebook không có phương tiện để kiểm duyệt tất cả nội dung trên nền tảng của mình và bảo vệ 2,8 tỷ người dùng Facebook.
David Kirkpatrick, tác giả bài Hiệu ứng Facebook (The Facebook Effect), nói trong chương trình podcast Tech Tent của BBC rằng ông cảm thấy Facebook không có động cơ “làm bất cứ điều gì để hóa giải những tác hại” bên ngoài nước Mỹ.
“Họ đã làm khá nhiều việc, bao gồm cả việc thuê hàng chục nghìn người đánh giá nội dung,” ông nói.
“Nhưng một số liệu thống kê từ Wall Street Journal đưa ra khiến tôi giật mình, đó là trong tổng số tất cả công việc họ làm đối với các thông tin sai lệch và thông tin gây hiểu lầm trong năm 2020, chỉ có 13% là nằm bên ngoài Hoa Kỳ.”
“Đối với một dịch vụ có tới 90% người sử dụng là ở bên ngoài nước Mỹ – và một dịch vụ đã có tác động to lớn, theo cách rất tiêu cực, đối với chính trị của các quốc gia như Philippines, Ba Lan, Brazil, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ, thì họ đang không hề làm gì để khắc phục.”
Ông Kirkpatrick cho rằng Facebook chỉ “phản ứng với các áp lực trong quan hệ công chúng” ở Mỹ vì những áp lực đó có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của công ty.
Facebook đang phải đối diện với vụ kiện lớn từ các cổ đông
Facebook cũng đang phải đối diện với một vụ kiện phức tạp từ một nhóm cổ đông của hãng.
Nhóm này cáo buộc rằng bên cạnh nhiều thứ khác thì khoản thanh toán 5 tỷ đô la của Facebook cho Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ để giải quyết vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica là quá cao, nhằm tránh cho Mark Zuckerberg khỏi phải chịu trách nhiệm cá nhân.
Facebook nói họ không có bất cứ điều gì cần bình luận về vấn đề pháp lý đang chưa giải quyết xong.
Facebook có quảng cáo những câu chuyện tích cực về chính mình không?
Tuần qua, New York Times nói rằng Facebook đã bắt đầu một sáng kiến nhằm đẩy những nội dung ủng hộ Facebook vào dòng tin tức của người dùng, qua đó nâng cao hình ảnh bản thân.
Tờ báo cho biết Project Amplify được thiết kế để “cho mọi người thấy những câu chuyện tích cực về mạng xã hội này”.
Facebook nói họ không hề đưa ra thay đổi nào đối với hệ thống xếp hạng, đẩy thông tin lên dòng tin tức của người dùng.
Trong một loạt tweet, phát ngôn viên Joe Osborne cho biết cuộc thử nghiệm về cái mà ông gọi là “đơn vị cung cấp thông tin trên Facebook” có quy mô nhỏ và chỉ diễn ra ở “ba thành phố”, với các bài đăng được ghi rõ là đến từ Facebook.
Ông nói rằng nó “tương tự như các sáng kiến đầy trách nhiệm của công ty mà mọi người thấy trong các sản phẩm công nghệ và tiêu dùng khác”.
Facebook biết Instagram là ‘độc hại’ đối với thanh thiếu niên
Một tiết lộ quan trọng khác từ các tài liệu bị rò rỉ, đó là việc công ty đã tiến hành nghiên cứu chi tiết về ảnh hưởng của Instagram tới giới thanh thiếu niên nhưng không chia sẻ phát hiện của mình khi kết quả thu được cho thấy nền tảng này là “độc hại” đối với nhiều thanh niên.
Theo tường thuật của Wall Street Journal, 32% cô gái tuổi teen được khảo sát nói rằng khi họ có cảm giác xấu về cơ thể của mình, Instagram khiến họ càng cảm thấy tình hình tồi tệ hơn.
Fox News đưa tin trong tuần trước rằng người tố cáo đứng đằng sau các tài liệu bị rò rỉ sẽ tiết lộ danh tính của họ và hợp tác với Quốc hội.
Cho dù điều đó có xảy ra hay không, việc Facebook không chia sẻ các nghiên cứu chi tiết của riêng mình về tác hại mà các nền tảng của hãng gây ra cho người dùng sẽ khiến các chính trị gia Hoa Kỳ phải suy ngẫm.