Pegasus: Tập đoàn NSO Group của Israel bị Mỹ đưa vào sổ đen

Pegasus: Tập đoàn NSO Group của Israel bị Mỹ đưa vào sổ đen

Đăng ngày: 05/11/2021

Trọng Nghĩa

Báo chí Pháp ra ngày hôm nay, 05/11/2021, vẫn tiếp tục dành nhiều trang bài cho COP26, Tuy nhiên, các tờ báo lớn không quên thời sự quốc tế, đặc biệt là vấn đề Đài Loan, đã thu hút sự chú ý nhờ chuyến thăm của phái đoàn Nghị Viện Châu Âu. Riêng Le Monde có một bài phân tích rất lý thú về việc Mỹ vừa trừng phạt một tập đoàn của đồng minh Israel, bị cho là đe dọa nền an ninh Hoa Kỳ. 

Trong bài viết mang tựa đề “Pegasus: NSO Group bị đưa vào danh sách đen ở Hoa Kỳ”, Le Monde nhắc lại rằng Pegasus là tên của một phần mềm gián điệp do hãng NSO Group của Israel sản xuất.  

Đây là một phần mềm gián điệp rất tinh vi, có khả năng từ xa thâm nhập vào một máy điện thoại di động mà chủ nhân không hề hay biết. Sau khi được cài đặt, phần mềm có thể tải xuống lịch sử cuộc gọi, xác định vị trí địa lý của thiết bị, nghe lén các cuộc gọi trong thời gian thực hoặc thậm chí kích hoạt từ xa micrô của điện thoại. 

Một cuộc điều tra do một tập hợp bao gồm 17 tờ báo trên thế giới, trong đó có Le Monde, kết hợp với tổ chức bảo vệ nhân quyền Ân Xá Quốc Tế thực hiện gần đây, đã phát hiện ra việc nhiều khách hàng của NSO Group – cụ thể là Maroc, Hungary, Ấn Độ và Azerbaijan – đã lạm dụng phần mềm gián điệp Pegasus để theo dõi giới báo chí, đấu tranh xã hội, hoạt động nhân quyền và cả các lãnh đạo chính trị. 

NSO Group là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ

Sau những tiết lộ của nhóm điều tra, một số quốc gia đã có phản ứng, nhưng đáng chú ý nhất chính là phản ứng quyết liệt của Mỹ, đã không ngần ngại xem các hoạt động của tập đoàn Israel NSO Group là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ. 

Đối với Le Monde, đó là điều mà Bộ Thương Mại Hoa Kỳ vừa tuyên bố thẳng thừng hôm 03/11 vừa qua khi loan báo quyết định đưa NSO Group vào danh sách đen các công ty bị hạn chế xuất khẩu và nhập khẩu nghiêm ngặt. 

Việc bị đưa vào danh sách này không loại trừ hoàn toàn tất cả hoạt động trao đổi thương mại  giữa tập đoàn Israel và các công ty Mỹ cung cấp dịch vụ hoặc công nghệ cho NSO. Nhưng quyết định này gây trở ngại nghiêm trọng trong cách thức giao dịch, buộc những người Mỹ nào muốn nhập khẩu hoặc xuất khẩu một số loại sản phẩm liên quan đến NSO phải xin giấy phép, một giấy phép rất có thể bị từ chối. 

Phản ứng trước thông báo của Mỹ, NSO tiếp tục biện minh là công nghệ của họ chỉ “hỗ trợ cho an ninh và lợi ích chính trị của Hoa Kỳ bằng cách chống tội phạm và khủng bố”. 

Tín hiệu mạnh: Không được trợ giúp chế độ bạo ngược

Đối với Le Monde, việc đưa NSO Group vào danh sách đen trước hết là một tín hiệu rất mạnh mẽ mà Hoa Kỳ, đồng minh chính của Israel, gởi đến tập đoàn hàng đầu trong ngành công nghệ gián điệp tin học của nước này, bác bỏ hoàn toàn lập luận của NSO Group, vốn luôn luôn cho rằng công cụ của họ chỉ được sử dụng để chống khủng bố và tội phạm có tổ chức. 

Lời lẽ của bộ Thương Mại không chút mập mờ: “Những công cụ này cũng đã tạo điều kiện cho các quốc gia khác mở rộng việc đàn áp đối lập trong nước ra ngoài biên giới của họ, một cách làm của các chính phủ độc tài nhắm vào những người bất đồng chính kiến, nhà báo và nhà hoạt động ở nước ngoài để thanh toán mọi sự chống đối. Những hành vi này đe dọa trật tự quốc tế.” 

Theo bộ Thương Mại Mỹ, các hoạt động của NSO Group, cùng với 3 công ty khác cũng bị đưa vào sổ đen, “đi ngược lai lợi ích an ninh quốc gia hoặc ngoại giao của Hoa Kỳ”. 

Pegasus cũng khuấy động quan hệ Pháp-Israel

Không chỉ có Mỹ là đã có phản ứng. Tiết lộ hồi tháng 7 vừa qua của Le Monde về khả năng điện thoại di động của tổng thống Pháp Emmanuel Macron bị phần mềm Pegasus theo dõi cũng đã khuấy động quan hệ giữa Paris và Tel Aviv, nhất là khi vào tháng 8, nhà chức trách Pháp đã tìm thấy nhiều dấu vết đáng ngờ trong điện thoại của 5 bộ trưởng mà số điện thoại nằm danh sách các nạn nhân tiềm tàng của Pegasus. 

Tháng 10 vừa qua, cố vấn an ninh của thủ tướng Israel, Eyal Hulata, đã kín đáo tới Paris để thảo luận về tình hình này với cố vấn ngoại giao của tổng thống Pháp, Emmanuel Bonne. Riêng tổng thống Pháp và thủ tướng Israel cũng đã thảo luận về vấn đề này bên lề COP26 tại Glasgow. 

Bài Liên Quan