Tương lai các dự án điện khí LNG ở Việt Nam

Tương lai các dự án điện khí LNG ở Việt Nam

15 phút trước

Việt Nam có thể rơi vào tình trạng thiếu điện trong vài năm tới
Chụp lại hình ảnh,Việt Nam có thể rơi vào tình trạng thiếu điện trong vài năm tới

Nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đã trở thành một trong vài chủ đề năng lượng quan trọng nhất tại Việt Nam mấy năm gần đây.

Các chuyên gia nói về cam kết của Việt Nam ở COP26

COP26: ‘Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên’

Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), Việt Nam là nước tiêu thụ điện lớn thứ hai trong Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia, và lớn thứ 23 trên thế giới.

Do nhịp độ phát triển kinh tế, nhu cầu điện ở Việt Nam đã tăng 13%/năm kể từ năm 2000, và dự kiến sẽ tăng 8%/năm đến năm 2030. Tốc độ tăng trưởng này đòi hỏi công suất phát điện tăng lên 60 GW năm 2020, và lên đến 130 GW năm 2030.

Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) dự báo rằng, sẽ thiếu điện ít nhất trong giai đoạn 2021-2025, với mức thiếu hụt hơn 7,5 GW vào năm 2025.

Trong lúc nguồn cung khí trong nước suy giảm nhanh, giới chức và nhà đầu tư đã nói nhiều về đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hoá lỏng (LNG).

Trong khoảng hai năm qua, truyền thông trong ngoài Việt Nam liên tục nói Việt Nam đã nhanh chóng nổi lên là một trong những thị trường nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho phát điện tiềm năng nhất ở châu Á với các dự án tỉ đôla, gắn với các tên tuổi như Exxon và AES Corporation.

Tuy vậy, triển vọng các dự án điện khí có thể không rõ ràng sau khi Việt Nam có những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26).

Tại COP26, Việt Nam đã cam kết lộ trình trung hòa carbon (net zero) vào năm 2050, giảm điện than. Điều này sẽ buộc chính phủ phải tính toán lại cơ cấu nguồn điện.

“Thực tế cho thấy rằng các dự án điện khí LNG là cần thiết cho tương lai ngắn hạn và trung hạn của Việt Nam, đồng thời không thiếu các nhà đầu tư tiềm năng,” Giles Cooper, từ công ty luật Allens Pte Ltd tại Hà Nội, chuyên gia phân tích chính sách năng lượng, nói với BBC.

“Câu hỏi lớn nhất đối với tôi về các dự án này là chính phủ sẽ sẵn sàng và có thể giải quyết các vấn đề về dự án nhanh chóng và hiệu quả như thế nào để cho phép diễn ra theo đúng lịch trình đã định,” ông Giles Cooper nói.

Hình minh họa

Thách thức quản lý

LNG là khí thiên nhiên hóa lỏng ở -162 độ C, dự kiến được nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam từ 2022.

LNG nhập khẩu sẽ được phân phối đến các khách hàng tiêu thụ theo 2 phương thức:

  • Đường ống: LNG được tái hóa khí và bơm vào đường ống để cung cấp cho khách hàng tiêu thụ;
  • Xe bồn/ trạm LNG vệ tinh: Vận chuyển bằng xe bồn đến khách hàng xa hệ thống đường ống, tồn chứa tại các kho vệ tinh để tái hóa khí và cung cấp cho khách hàng tiêu thụ.

Để sử dụng LNG, cần có các yếu tố như hoàn thiện cơ sở hạ tầng bao gồm kho tiếp nhận và thiết bị chứa LNG nhập khẩu, đường ống dẫn khí đến nơi sử dụng, máy phát điện…

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho BBC biết: “An toàn và an ninh của các cơ sở này cần được đảm bảo, vì thế dự kiến sẽ có các vấn đề về cấp phép và phê duyệt kéo dài liên quan đến các cơ sở đó.”

Ông cũng chỉ ra có những vấn đề về cơ chế còn chờ giải quyết tại Việt Nam.

Một báo cáo đầu năm 2021 của IEEFA cho hay: “Những câu hỏi liên quan đến giá điện khí LNG và nghĩa vụ tài chính cứng nhắc đi kèm với các nhà máy nhiệt điện khí sẽ là chủ đề chính trong các cuộc đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) trong thời gian tới. Đối với các dự án đã đi đến bước đàm phán PPA với EVN, phần khó khăn nhất của quá trình phát triển dự án mới chỉ thực sự bắt đầu.”

Ông Andrew Jeffries cho biết: “Phần lớn nhu cầu ở Việt Nam đối với khí thiên nhiên hóa lỏng LNG đến từ các nhà máy phát điện chạy bằng khí đốt, mua khí đốt đó để chuyển đổi thành điện năng và như ở tất cả các quốc gia, giá điện được quy định chặt chẽ.”

Những vấn đề liên quan đến giá điện khí LNG và nghĩa vụ tài chính cứng nhắc đi kèm với các nhà máy nhiệt điện khí vẫn còn được bàn cãi.

Ông Andrew Jeffries nói: “Các cơ sở LNG sẽ yêu cầu các dòng doanh thu ổn định, có thể dự đoán được để có thể thu hút đầu tư và tài chính cần thiết.”

Việt Nam cần đảm bảo tiến độ các nguồn điện, có cơ chế thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo
Chụp lại hình ảnh,Việt Nam cần đảm bảo tiến độ các nguồn điện, có cơ chế thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo

Matt Lorimer, từ công ty luật Watson Farley & Williams tại Hà Nội, đồng ý rằng để các dự án điện khí LNG tại Việt Nam hoàn tất, còn cả một chặng đường dài từ khi phê duyệt dự án đến khi bắt đầu xây dựng.

“Vấn đề chính là chưa có tiền lệ về các dự án điện khí LNG ở Việt Nam và các nhà tài trợ cũng như chính phủ đang cố gắng đàm phán một cơ chế phân bổ rủi ro công bằng, có thể thu hút ngân hàng và các nhà đầu tư quốc tế, nhưng cũng đảm bảo rằng Việt Nam mua giá hợp lý, ” ông nói với BBC.

Matt Lorimer, người thường xuyên tư vấn cho các nhà đầu tư về các dự án LNG tại Việt Nam, cho biết chính phủ sẽ không vội vàng ký kết các hợp đồng mua bán điện có thời hạn từ 20 đến 25 năm.

Ông giải thích: “Mặc dù các nhà tài trợ muốn tiến hành các dự án của họ thật nhanh, nhưng cách tiếp cận thận trọng của chính phủ là hoàn toàn có thể hiểu được do chi phí và sự phức tạp của các dự án điện khí LNG.”

Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào 2050 tại COP26
Chụp lại hình ảnh,Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào 2050 tại COP26

Câu hỏi về môi trường

Mặc dù khí hóa lỏng LNG không phải là loại năng lượng không phát thải carbon, nhưng vẫn tốt hơn các nguồn nhiệt điện.

Tuy vậy, một số nhóm vận động môi trường cho rằng cần đặt ra lộ trình loại bỏ việc sử dụng khí LNG.

Một nghiên cứu được Climate Analytics công bố vào tháng 11 nói: “LNG là nguồn nhiên liệu sử dụng rất nhiều carbon và khi tính đến lượng khí thải trong quá trình sản xuất, phân phối sản xuất và khí hóa, bao gồm rò rỉ khí mê-tan, vẫn có thể gây ra lượng khí nhà kính lớn hơn khi được sử dụng cho sản xuất điện, so với sản xuất bằng nhiệt điện than.”

Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (dự thảo điện 8) đang tiếp tục sửa đổi, để phù hợp các cam kết của Việt Nam ở COP26.

Hôm 23/11, truyền thông Việt Nam cho hay tại phương án điều hành tháng 11 được Bộ Công Thương đưa ra, đến năm 2030 tổng công suất lắp đặt nguồn điện là 155.722 MW so với 180.027 MW kịch bản vào tháng 3 (giảm 24.305 MW).

Đáng chú ý, tại kịch bản này, nguồn điện than giảm 6.694 MW; phát điện từ khí LNG mới giảm tới 18.550 MW trong khi đó tăng cường phát điện từ điện gió.

Tuy vậy, Việt Nam đối diện nhiều thử thách cản trở việc sử dụng nhiều hơn nguồn điện năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…) mà theo một số dự kiến, cũng chỉ chiếm 26,5-28,4% vào năm 2045.

Matt Lorimer, từ công ty luật Watson Farley & Williams tại Hà Nội, nói với BBC rằng khí thiên nhiên hóa lỏng LNG vẫn sẽ là nhiên liệu giai đoạn chuyển đổi trong bối cảnh Việt Nam nỗ lực cân bằng giữa giảm phát thải khí nhà kính và tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế.

“Trong tương lai, có thể xảy ra những sáng tạo như công nghệ lưới điện thông minh, hệ thống lưu trữ điện được cải tiến và các nhà máy điện LNG quy mô nhỏ có thể làm giảm yêu cầu đối với các nhà máy điện truyền thống lớn.”

“Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam vẫn cần các nhà máy điện có khả năng cung cấp phụ tải cơ bản và LNG có lẽ sẽ đóng vai trò là nguồn nhiên liệu chuyển tiếp,” ông Lorimer nói.

Vào tháng Năm, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết có dự thảo để dừng tài trợ cho việc khai thác than, nhiên liệu hóa thạch, cũng như sản xuất và thăm dò dầu khí tự nhiên.

Andrew Jeffries, Giám đốc ADB Việt Nam, nói với BBC rằng Chính sách Năng lượng của ADB công nhận rằng khí tự nhiên có vai trò như một loại nhiên liệu chuyển tiếp hỗ trợ hệ thống điện trong các hoàn cảnh cụ thể, dựa trên cơ sở hiện tại.

Ông nói: “Tuy nhiên, các dự án như vậy sẽ phải trải qua các tiêu chí sàng lọc nghiêm ngặt để có thể được ADB cung cấp tài chính”.

Các tiêu chí bao gồm một số điều như: “Sự hỗ trợ của ADB đối với sản xuất điện dựa trên khí tự nhiên sẽ có điều kiện dựa trên bằng chứng rằng dự án sử dụng các công nghệ có hiệu suất cao và tốt nhất trên thế giới, giảm lượng khí thải bằng cách thay thế trực tiếp nhiệt điện dựa trên nhiên liệu hóa thạch…”

Hình minh họa

Ông Andrew Jeffries nói với BBC rằng Ngân hàng ADB sẽ xem xét lại chính sách của mình vào năm 2025, để cân nhắc những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ năng lượng sạch.

Ông Jeffries cho biết: “Đánh giá này sẽ tính đến tình hình phổ biến tại thời điểm đó, bao gồm cả những nghiên cứu mới, nếu bằng chứng được công nhận rộng rãi vào lúc ấy.”

Một báo cáo vào tháng 6 từ Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) cũng đặt ra câu hỏi về việc liệu một chính quyền mới dưới thời Tổng thống Joe Biden có cung cấp hỗ trợ tài chính chính phủ mà các dự án này sẽ yêu cầu hay không.

“Chính quyền mới tại Mỹ vẫn chưa xác nhận liệu họ có tiếp tục hỗ trợ các dự án quốc tế mới liên quan đến nhiên liệu hóa thạch hay không và đã để ngỏ khả năng từ chối ít nhất một số dự án chưa nhận được sự chấp thuận tài trợ của chính phủ liên bang,” báo cáo lưu ý.

Hình minh họa

Đóng góp vào chuyển đổi năng lượng

Cần lưu ý rằng Việt Nam vẫn đang phải hoàn thiện hệ thống hạ tầng để có thể nhập khẩu LNG từ năm 2022.

Hiện chỉ có hai cảng nhập khí LNG dự kiến sớm đi vào hoạt động:

  • Cảng Hải Linh (công suất 2 triệu tấn/năm) thuộc công ty tư nhân Hải Linh.
  • Cảng Thị Vải (công suất 1 triệu tấn/năm) của công ty nhà nước PV Gas

Damon Evans, một nhà phân tích năng lượng tập trung vào châu Á, chuyên viết về xu hướng thị trường LNG ở châu Á Thái Bình Dương, kỳ vọng rằng ít nhất một số dự án LNG sẽ hoàn thành ở Việt Nam.

“Việt Nam có nhiều dự án nhà máy chuyển điện từ LNG được đề xuất và tôi nghĩ một số trong số đó sẽ thành công”.

“Việt Nam vẫn cần phụ tải cơ bản để phòng khi nắng tắt, gió không thổi. Đó cần phải là than hoặc khí tự nhiên, cho đến khi các công nghệ lưu trữ năng lượng được phát triển cho năng lượng tái tạo,” ông Evans nói với BBC.

Ông Evans cảnh báo rằng Việt Nam cũng nên tập trung phát triển các mỏ khí đốt tự nhiên ngoài khơi trước khi chuyển hướng sang nhập khẩu LNG, vì nhập LNG có thể làm suy yếu an ninh năng lượng.

Bất chấp những thách thức, LNG hẳn sẽ là một thành phần quan trọng trong chiến lược năng lượng của Việt Nam khi cố gắng hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

“Việt Nam sẽ cần thêm nhiều dự án năng lượng tái tạo, nhiều khí đốt trong nước và nhập khẩu LNG. Tôi hy vọng sẽ không có thêm các dự án nhiệt điện than mới, vốn đang ngày càng trở nên khó khăn trong việc xin tài chính cho Việt Nam,” ông Evans nói.

Danh sách một số dự án LNG tại Việt Nam

  • Dự án LNG Thị Vải – Bà Rịa Vũng Tàu
  • Dự Án LNG Hải Linh -Bà Rịa Vũng Tàu
  • Dự án LNG Bạc Liêu
  • Dự án LNG Sơn Mỹ – Bình Thuận
  • Dự LNG Quảng Ninh
  • Dự án LNG Chân Mây
  • Dự Án LNG Long an
  • Dự án LNG Cát Hải – Hải Phòng
  • Dự án LNG Hòn Khoai- Cà Mau
  • Dự án LNG Mỹ Giang – Khánh Hoà
  • Dự án LNG Long Sơn – Bà Rịa Vũng Tàu
  • Dự án LNG Vũng Áng – Hà Tĩnh
  • Dự án LNG Thái Bình
  • Dự án LNG Vân Phong
  • Dự án LNG Thanh Hoá
  • Dự án LNG Cà Ná

Bài Liên Quan