Chiêu dụ các nước nghèo, bài toán khó của châu Âu

Chiêu dụ các nước nghèo, bài toán khó của châu Âu

Đăng ngày: 07/12/2021

Thanh Hà

Tám năm sau Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu cạnh tranh với Con Đường Tơ Lụa mới của Bắc Kinh. Ngày 01/12/2021 Bruxelles thông báo chương trình đầu tư 300 tỷ euro vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng cho các quốc gia ngoài Liên Âu.

« Quá trễ » để Bruxelles phát huy quyền lực mềm ? Đầu tư có đủ sức thuyết phục để mở rộng ảnh hưởng của Lục Địa Già với phần còn lại của thế giới ? Trước mắt Liên Âu sẽ phải vượt qua nhiều trở ngại và một số thành kiến của các nước nhận viện trợ phát triển.

Kế hoạch Một Vành Đai Một Con Đường của Bắc Kinh, còn được biết dưới tên gọi Con Đường Tơ Lụa mới của thế kỷ 21 nhằm kết nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới đã quy tự được trên dưới 150 quốc gia. Tháng 6/2021 tổng thống Mỹ Joe Biden tại thượng đỉnh G7 cùng với lãnh đạo 6 đối tác dân chủ – các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới khởi động B3W : Xây Dựng Lại Một Thế Giới Tốt Đẹp Hơn. Mục tiêu của chương trình nhằm « đáp ứng nhu cầu vô cùng to lớn về cơ sở hạ tầng tại các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp ». Đầu tháng 12/2021 chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula Von Der Leyen cụ thể hóa cam kết của G7 qua việc công bố kế hoạch Global Gateway – Cổng Vào Toàn Cầu nhằm « kết nối Liên Hiệp Châu Âu với phần còn lại của thế giới ».

Khác biệt giữa Global Gateway và Một Vành Đai Một Con Đường

Dự án của châu Âu gồm những gì, đâu là những mục tiêu kinh tế Bruxelles nhắm tới ?

Ủy Ban Châu Âu thông báo huy động 300 tỷ euro từ 2022 đến 2027 để tài trợ các dự án phát triển tại các nước nghèo. Nhiều định chế của châu Âu như Quỹ vì phát triển bền vững (EFSD) hay Ngân hàng Đầu tư châu Âu BEI …và lĩnh vực tư nhân được huy động để tài trợ cho dự án Cổng Vào Toàn Cầu. Nếu như Bắc Kinh chú trọng vào các công trình xây dựng cầu đường, xa lộ hệ thống xe lửa, xây dựng bệnh viện  … thì Bruxelles ưu tiên các dự án đầu tư trong lĩnh vực kỹ thuật số, vào y tế, giáo dục, vào những nỗ lực chống biến đổi khí hậu, vào các dự án hướng tới năng lượng sạch…

Về cung cách chọn lựa các dự án, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von Der Leyen trong cuộc họp báo đã nhấn mạnh, Global Gateway nhằm « kết nối Liên Âu với phần còn lại của thế giới nhưng tránh để các bên lệ thuộc vào lẫn nhau ». Có nghĩa là Cổng Vào Toàn Cầu sẽ không tài trợ cho các công trình đồ sộ nhưng lại chẳng giúp ích gì cho các nền kinh tế đang phát triển. Tránh nêu đích danh Trung Quốc nhưng tuyên bố này là một mũi tên mà Bruxelles trực tiếp nhắm vào Bắc Kinh : Con Đường Tơ Lụa mới của Trung Quốc đang đẩy khá nhiều quốc gia từ Sri Lanka đến Montenegro hay Uganda, Congo, Angola vào « cái bẫy nợ » vì Trung Quốc cấp vốn cho các nước nghèo dưới dạng tín dụng với lãi suất cao so với thị trường.

Chính vì cả tin vào Bắc Kinh mà Podgorica đã ký hợp đồng xây đường xa lộ hơn 40 cây số, xuyên qua 20 cây cầu và 16 đường hầm xuyên núi trị giá hơn 1 tỷ đô la. Chủ nợ là ngân hàng Exim Bank Trung Quốc. Đây là trục xa lộ đắt nhất trên thế giới vì tính ra Montenegro phải chi trả khoảng 20 triệu cho 1 km đường xa lộ !

Phản ứng quá chậm và túi tiền quá ít

Tuy nhiên có một thực tế không thể chối cãi đó là tám năm trước đây Bắc Kinh đã đưa ra kế hoạch Một Vành Đai Một Con đường. Còn Bruxelles, mãi đến cuối 2021 mới có thông báo về dự án Global Gateway. Trên đài RFI Pháp ngữ, giáo sư Mary- Françoise Renard đại học Clermont-Ferrand vùng Auvergne (miền trung nước Pháp) giải thích về sự muộn màng của Liên Âu :

« Liên Âu đã phản ứng muộn màng vì nhiều lý do mà chúng ta đã biết. Thí dụ như Bruxelles chủ trương tập trung vào mục tiêu bảo vệ quyền cạnh tranh bình đẳng, tức là ít can thiệp vào các hoạt động kinh tế trên thị trường chừng nào tốt chừng nấy. Thế rồi đến năm 2018 Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu đổi chiến lược, cũng muốn kết nối với thế giới, nhưng đã không thành công cho lắm bởi vì nhiều thành viên vẫn xem đấy là một hình thức can thiệp, làm rối loạn các hoạt động của thị trường. Tuy nhiên rõ ràng là có một sự chuyển biến trong quan điểm của Liên Hiệp Châu Âu ».

Vào lúc Hoa Kỳ thẩm định nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của các nước nghèo trên thế giới từ nay đến năm 2035 là khoảng 40.000 tỷ đô la thì Liên Hiệp Châu Âu mới thông báo 300 tỷ euro (320 tỷ đô la) cho sáu năm sắp tới : một giọt nước trong đại dương.

Để so sánh, theo thông tin từ phía cơ quan tư vấn của Mỹ Refinitiv, Con Đường Tơ Lụa của Trung Quốc tham vọng hơn rất nhiều. Từ khi được khởi động cho đến cuối 2020 Trung Quốc đã tung ra hơn 2.600 dự án tương đương với 3.700 tỷ đô la. Thống kê của Bắc Kinh cho biết « gần một phần ba trong số này – 1.200 tỷ đô la, đã được giải ngân ». Dưới hình thức nào, những điều kiện đi vay ra sao : đó lại là một chuyện khác.

Những điều kiện gò bó 

Bên cạnh những chỉ trích Bruxelles quá « eo hẹp » về tài chính và đi chậm một nước cờ so với Trung Quốc trong việc tranh thủ cảm tình của các nước nghèo, dự án Global Gateway của Liên Hiệp Châu Âu còn vấp phải nhiều trở ngại khác : Châu Âu đặt điều kiện viện trợ phải tôn trọng các chuẩn mực về môi trường, về xã hội, về nhân quyền – trong đó có quyền của người lao động, … Các nhà tài trợ Trung Quốc không đưa ra những đòi hỏi đó. Mary-Françoise Renard đại học Clermont-Ferrand giải thích :

« Đương nhiên những giá trị đó không phải là những ưu tiên trong mắt Trung Quốc. Trong một chừng mực nào đó Bắc Kinh có thể chú trọng đến những chuẩn mực về môi trường, nhưng dứt khoát là không có những đòi hỏi nào về phương diện nhân quyền. Một lần nữa chúng ta chỉ có thể hài lòng với sáng kiến của châu Âu. Vấn đề còn lại là những quốc gia cần được giúp đỡ sẽ phải chọn lựa hoặc là chịu ảnh hưởng của Trung Quốc qua hàng loạt các dự án đầu tư, hoặc là có một lối thoát khác khi ngả về phía châu Âu. Một giải pháp thứ ba nữa là dùng các dự án của Trung Quốc và châu Âu để bổ sung cho lẫn nhau. Nhưng tôi nhắc lại tất cả vấn đề còn tùy thuộc vào điều kiện Liên Hiệp Châu Âu áp đặt với các đối tác. Cũng cần nhắc lại là tới nay chỉ có Trung Quốc khuyến khích các quốc gia đang phát triển – cả tại châu Phi lẫn Nam Mỹ đi vay và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Trong khi đó thì các định chế tài chính đa quốc gia phương Tây và Liên Âu thường xuyên kêu gọi thận trọng, đòi rất nhiều các điều kiện bảo đảm về tính khả thi của dự án, về khả năng thanh toán nợ của bên muốn đi vay. Sau cùng, khá nhiều dự án giữa châu Phi với Trung Quốc đã ra đời từ hiềm khích chống đối châu Âu, chống đối sự hiện diện của Pháp ».

Cũng giáo sư Renard hy vọng rằng viện trợ phát triển của châu Âu thực sự là một « giải pháp thay thế », cho phép các nước nghèo giảm bớt mức độ lệ thuộc vào một chủ nợ lớn là Trung Quốc.

«  Mong rằng đầu tư của châu Âu cho các nước đang phát triển nhằm phục vụ lợi ích chung, chứ không để cho một số phe nhóm hay doanh nghiệp hưởng lợi. Điều cốt lõi hiện tại là các nước được viện trợ phải biết họ muốn gì, phải có những mục đích rõ ràng về phát triển để sử dụng các khoản viện trợ đầu tư, cho dù đó là viện trợ của châu Âu, hay Trung Quốc. Tuy nhiên điều đó thuộc về thẩm quyền của các nước liên quan. Liên Hiệp Châu Âu chỉ có thể lựa chọn xem dự án nào thực sự giúp ích cho các nước nghèo và sự chọn lựa đó phải kỹ hơn so với trong quá khứ ».

Thời cơ cho Châu Âu ?

Dù biết là châu Âu khó cạnh tranh với Trung Quốc trong cuộc chạy đua tranh giành cảm tình của các nước nghèo, nhưng cơ hội của Bruxelles « không phải là không có » bởi thứ nhất tinh thần bài Trung Quốc ngày càng lớn ở nhiều nơi trên thế giới. Hãng tin Anh Reuters tháng 5/2020 trích dẫn một nghiên cứu Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế Đương Đại Trung Quốc (viện này gần gũi với  bộ Công An Trung Quốc) nhìn nhận : từ sau biến cố Thiên An Môn năm 1989 – khi Bắc Kinh đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ, trên thế giới, « chưa bao giờ tình cảm chống Trung Quốc lại ở mức cao như hiện nay ». Tại Diễn Đàn Trung Quốc – châu Phi vừa qua, giới quan sát cũng đã trông thấy một sự rạn nứt và thất vọng từ phía các nước châu Phi đối với Bắc Kinh. Ngay cả tại châu Á « thiện cảm » với Trung Quốc cũng sụt giảm. Điểm thứ nhì là bản thân Trung Quốc đang gặp khó khăn đã trở thận trọng hơn trước khi quyết định đầu tư vào một quốc gia đang phát triển.

Trong những điều kiện đó giáo sư Mary -Françoise Renard đại học vùng Auvergne cho rằng, Cổng Vào Toàn Cầu của Liên Hiệp Châu Âu tuy không hoàn hảo nhưng sẽ là một ngõ thoát cho không ít các quốc gia cần được viện trợ. Tuy nhiên đừng quên rằng, những sáng kiến từ dự án Một Vành Đai Một Con Đường đến B3W hay Global Gateway trước hết đều bao hàm những tính toán chính trị và chiến lược. Bà giải thích thêm về trường hợp của Liên Hiệp Châu Âu :

« Rất có khả năng những quyết định của Liên Hiệp Châu Âu không hoàn toàn độc lập với những diễn biến tại Hoa Kỳ. Chúng ta biết là Washington muốn thành lập một mặt trận Âu – Mỹ chung. Bruxelles biết rõ là cần phải có một chính sách riêng để bảo vệ quyền lợi của châu Âu. Dù vậy chúng ta phải nhìn nhận rằng, tất cả những nước cờ của Liên Âu nhằm ngăn cản hay thu hẹp ảnh hưởng của Trung Quốc đối với một số quốc gia đều khiến Mỹ hài lòng ».

Bruxelles tính toán những gì ?

Liên Âu tiếp tục định hình cho dự án Cổng Vào Toàn Cầu 300 tỷ euro với nhiều mục đích : một là mở rộng ảnh hưởng của châu lục vẫn thường bị xem thường là « một chú lùn về chính trị » so với Mỹ và Trung Quốc. Mục tiêu thứ nhì Global Gateway nhắm tới là gửi đi một thông điệp kép đến cả Washington lẫn Bắc Kinh.

Với Trung Quốc, mục tiêu khá rõ ràng qua những phát biểu với nhiều hàm ý của lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu, Ursula Von Der Leyen. Kế hoạch viện trợ đầu tư 300 tỷ trong sáu năm sắp tới này tuy « khiêm tốn » nhưng được thông báo vào lúc Bruxelles chuẩn bị « tung ra vũ khí mới » nhắm vào các biện pháp cạnh tranh bất bình đẳng của Trung Quốc. Trên đài RFI tiếng Việt chuyên gia Antoine Bondaz Quỹ coi đây là một bước tiến mới trong cuộc đọ sức giữa Bruxelles với Bắc Kinh về thương mại và kinh tế.

Cuối cùng thông điệp Cổng Vào Toàn Cầu nhắm gửi tới Hoa Kỳ là Liên Âu nhanh chóng hưởng ứng sáng kiến B3W của Nhà Trắng để xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn, chung tay với chính quyền Biden kềm tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên sự đoàn kết đó không có nghĩa là Bruxelles để cho Washington chơi trò « mượn hoa cúng Phật », tô điểm hình ảnh của Mỹ với các nước nghèo.

Dự án Global Gateway đang bị đặt trước rất nhiều thử thách, nhưng đó là công cụ để Liên Hiệp Châu Âu khẳng định thế độc lập giữa hai ông khổng lồ là Mỹ và Trung Quốc

Bài Liên Quan