Trung Quốc tức tối khi Mỹ-Nhật-Úc giành mất tuyến cáp Thái Bình Dương

Trung Quốc tức tối khi Mỹ-Nhật-Úc giành mất tuyến cáp Thái Bình Dương

Đăng ngày: 15/12/2021

Thụy My

Les Echos hôm nay 15/12/2021 nhận định « Trước một Trung Quốc hung hăng, Washington hứa sẽ gắn bó nhiều hơn với Đông Nam Á ». Cuộc đối đầu Mỹ-Trung còn diễn ra dưới đáy biển, qua việc tranh nắm quyền kiểm soát mạng cáp ngầm ở Thái Bình Dương.

Bắc Kinh vuột mất dự án cáp quang chiến lược

Mỹ-Nhật-Úc hôm thứ Hai 13/12 loan báo việc xây dựng đường cáp mới nhằm cải thiện lưu thông internet giữa Kiribati, Nauru và Liên bang Micronesia, trong khi từ lâu Trung Quốc vẫn mong kiểm soát được dự án chiến lược này. Bắc Kinh vô cùng tức tối : trong bài xã luận hôm qua, Hoàn cầu Thời báo cáo buộc đây là sự « ép buộc về kinh tế do Mỹ tổ chức ».

Hồi đầu năm nay, Trung Quốc hy vọng công ty HMN Technologies, trước đây mang tên Huawei Marine Networks giành được dự án. Nhưng khả năng chiến thắng của tập đoàn thân cận với chính quyền Bắc Kinh khiến nhiều nhà tài chính quốc tế liên quan lo sợ, thúc đẩy Hoa Kỳ phải can dự qua liên kết với đồng minh Úc, Nhật Bản. Ba nước đối tác cho biết với nguồn vay của các ngân hàng công, sẽ xây dựng tuyến cáp giúp chuyển dữ liệu phục vụ 100.000 dân của ba tiểu quốc Thái Bình Dương chưa được kết nối internet để hỗ trợ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Thông cáo chung của ba chính phủ không nêu ra chi phí của dự án đặc biệt. Đối với Tokyo, Canberra và Washington, sự kết hợp này nhằm chặn bước tiến của Bắc Kinh tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Để khống chế khu vực, Trung Quốc bên cạnh việc « hào phóng » tài trợ cơ sở hạ tầng, còn khởi động « Con đường tơ lụa kỹ thuật số » bằng cách thúc đẩy các công ty công nghệ giành lấy những dự án hiện đại hóa mạng lưới viễn thông và đặt cáp ngầm dưới biển. Những mạng cáp quang trung chuyển 95% dữ liệu của hành tinh là cơ sở hạ tầng thiết yếu cần cho các hoạt động thường nhật, đời sống kinh tế và cả liên lạc quân sự, việc kiểm soát chúng mang tầm chiến lược trong trường hợp xung đột.

Những tháng gần đây, chính quyền Úc đã nhiều lần ngáng chân các tập đoàn Trung Quốc. Hồi tháng 10, hãng Úc Telstra thông báo mua lại Digicel Pacific, công ty đang kiểm soát các mạng điện thoại di động ở Papouasie-Tân Ghinê, Vanuatu, Samoa, Nauru. Lo ngại China Mobile sẽ nắm được Digicel Pacific, chính phủ Úc chấp nhận chi ra 1,3 tỉ đô la để tài trợ cho thương vụ trị giá 1,6 tỉ đô la này.

 Mỹ trấn an Đông Nam Á trước Trung Quốc hiếu chiến

Từ khi ông Joe Biden lên làm tổng thống, sau khi liên tục tổ chức các cuộc họp qua video với đa số quốc gia Đông Nam Á, ngoại trưởng Antony Blinken hôm qua 14/12 đã bắt đầu vòng công du chính thức trong khu vực. Nhân dịp này ông tái khẳng định sự cam kết của Mỹ tại một vùng đất phải đối mặt với những hành động ngày càng hiếu chiến của Bắc Kinh.

Nhật báo kinh tế Pháp ghi nhận, trong bài diễn văn đầu tiên tại Jakarta, truớc khi sang Malaysia và Thái Lan, ngoại trưởng Mỹ cố gắng tìm kiếm sự cân bằng, giữa chiến lược ngăn chận Trung Quốc của Washington và sự nhạy cảm của các nước trong vùng – không muốn ảnh hưởng đến đối tác thương mại lớn là Bắc Kinh. Cách đây 30 năm, thương mại giữa các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc khoảng 8 tỉ đô la, còn riêng trong năm ngoái lên đến 685 tỉ đô la !

Ông Blinken khẳng định không buộc ai phải chọn phe, hứa sẽ giúp đỡ về quân sự, chính trị và kinh tế để có thể duy trì chính sách riêng của mình trước một Trung Quốc muốn áp đặt trật tự địa chính trị. Ngoại trưởng Mỹ tố cáo những hành động hung hăng của Bắc Kinh, từ khu vực sông Mêkông đến những hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, trên Biển Đông và ở eo biển Đài Loan. Cụ thể, những vùng biển rộng mở bị Bắc Kinh nói rằng nay thuộc về mình, gian lận thị trường bằng các doanh nghiệp Nhà nước, hủy nhập khẩu, đánh cá bất hợp pháp…

Dù có thái độ cứng rắn như thời Donald Trump, nhưng ngoại trưởng Mỹ không đưa ra những cam kết cụ thể để giúp các nước bị Bắc Kinh hà hiếp. Ông chỉ nhắc đến việc Mỹ viện trợ vac-xin chống Covid, hàng tỉ đô la tài trợ cơ sở hạ tầng cho khu vực cùng với đồng minh Nhật, Úc ; và theo Les Echos, chưa đủ để làm an tâm các nước muốn Washington đặt ra cơ sở cho một liên minh kinh tế lâu dài với Hoa Kỳ, phương tiện duy nhất để chống chọi với áp lực Trung Quốc.

Vì lý do chính trị nội bộ, Antony Blinken cũng không thể nêu ra vấn đề tham gia CPTPP – tiền thân là TPP – mà ông Trump đã rút ra trong khi hiệp định này được soạn thảo nhằm giúp ảnh hưởng Washington bắt rễ lâu dài tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Bài Liên Quan