Bầu cử tổng thống Chilê : Chiến thắng lịch sử của ứng viên cánh tả muốn xây dựng Nhà nước phúc lợi

Bầu cử tổng thống Chilê : Chiến thắng lịch sử của ứng viên cánh tả muốn xây dựng Nhà nước phúc lợi

Đăng ngày: 21/12/2021

Chi Phương

Tổng thống mới của Chilê, ông Gabriel Boric đắc cử ngày 19/12, đánh bại đối thủ cánh hữu, với tỷ lệ tham gia bầu cử kỷ lục. Trở thành tổng thống ở tuổi 35, nghị sỹ cánh tả trở thành tổng thống trẻ nhất lịch sử Chilê sẽ phải đối mặt với các áp lực tái thiết xã hội trong bối cảnh kinh tế khó khăn và Quốc Hội bị chia rẽ. 

Được cho là gương mặt tiêu biểu đại diện cho sự đổi mới chính trị ở Chilê, ứng cử viên cánh tả Gabriel Boric đã giành chiến thắng trong đợt bỏ phiếu vòng hai trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào chủ nhật (19/12), với số 55,87 %  phiếu bầu, dẫn trước đối thủ cực hữu ông José Antonio Kast, 44,13% phiếu. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt trên 55 %, mức cao nhất kể từ khi việc đi bỏ phiếu không còn bắt buộc từ năm 2012. Trên đài RFI, Olivier Compagnon, giáo sư lịch sử đương đại, thuộc Học Viện nghiên cứu châu Mỹ Latinh, tại Pháp, nhận định rằng chiến thắng của Gabriel Boric tương đối ngạc nhiên, bởi vì ở vòng đầu tiên, đối thủ của ông Anotnio Kast dẫn trước với 28 % phiếu ủng hộ và các ứng viên còn lại cũng nhận được tín nhiệm cao hơn Boric. 

Giáo sư Compagnon giải thích thêm : 

Tình thế đã xoay chuyển, không nghi ngờ gì nữa, đó là sự tham gia đông đảo của các cử tri gia tăng. Có tới hơn 2 triệu cử tri đã đi bầu cử so với vòng đầu. Mặt khác, Boric đã thực hiện chiến dịch vận động trên thực địa rất hiệu quả. Có khả năng huy động tầng lớp bình dân. Chúng ta có thể thấy điều đó vào thứ Bẩy (18/12), với các hàng dài người đứng chờ ở các trạm xe bus để đi bỏ phiếu tại địa điểm gần nhất. Vẫn cần phải đợi thêm vài ngày nữa để có các đánh giá chính xác nhất. Nhất là đối với sự tham gia của giới trẻ, về cơ bản, thường không tham gia vào quá trình bầu cử, luân chuyển lãnh đạo, kể từ bắt đầu quá trình chuyển đổi chế độ từ những năm 1990″.

Thế hệ “không biết sợ”

Được bầu làm nghị sĩ từ năm 2013, Gabriel Boric thuộc thế hệ chính trị đầu tiên ở Chilê không biết đến các cuộc đàn áp của chế độ độc tài Augusto Pinochet, mà báo Figaro đánh giá là thế hệ “không biết sợ”. Ở tuổi 35, độ tuổi tối thiểu đủ để đứng ra tranh cử, cựu thủ lĩnh của phong trào sinh viên năm 2011 thể hiện vai trò là người thừa kế chính trị của phong trào đấu tranh đòi công bằng cho xã hội vào năm 2019, ở quốc gia được đánh giá là “bất bình đẳng nhất” theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Trong khi đó đối thủ của ông, Antonio Kast lại là người ngưỡng mộ chế độ độc tài Pinochet. Theo nhà phân tích Olivier Compagnon, đối thủ cánh hữu của ông Boric đã tạo ra hiệu ứng đòn bẩy, thúc đẩy đông đảo người dân đi bỏ phiếu vòng hai, tạo một khác biệt lớn so với sự tham gia của các cử tri vòng một.  

Ngoài việc Kast là một ứng viên hoài niệm những năm tháng của quân đội độc tài Pionochet, ông ta còn là một người ‘bài ngoại’ quyết liệt. Antonio Kast đưa ra một hình thức bài ngoại cũ, chống lại Bolivia, đặc biệt là với ý tưởng chia rẽ sâu sắc, và cả việc chống lại di dân Venezuela. Mặt khác, ông ta hoàn toàn đi ngược lại với những khát vọng về hiện đại hoá các lĩnh vực xã hội quan trọng ở Chilê. Ví dụ như quan điểm vềviệc phá thai. Ví dụ, không ai được phép phá thai ngay cả trong trường hợp bị hãm hiếp. Điều này đã đóng vai trò quan trọng trong thất bại của ứng cử viên cánh hữu. Thêm vào đó, tất cả các chiến dịch giữa hai vòng bầu cử thể hiện khả năng của Boric trong việc đi vào trọng tâm trong các bài diễn văn của mình để lôi kéo cử tri cánh hữu, và đầu tiên là các cử tri đảng Xã Hội…. Và, nhất định phải kể đến một phần cử tri của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo. Bởi vì người đứng đầu đảng này đã kêu gọi ủng hộ Boric, ngay cả khi không chắc chắn là tất cả các cử tri của đảng tham gia vì họ thường được xem là bài cộng sản. Chính sự kết hợp của các yếu tố giải thích cho chiến thắng rõ ràng và không thể chối cãi này. Kast đã nói rằng ông ta sẽ đề nghị xem xét lại kết quả nếu như ông ta mất 20, 30 hoặc 50 nghìn phiếu bầu. Tuy nhiên hôm Chủ Nhật, ông đã không đề cập đến vì con số này là 1 triệu phiếu. 

Dù thất bại nhưng những người ủng hộ Kast vẫn chiếm tới 44 %, chủ yếu là những người đến từ các khu phố giàu có của thủ đô và tầng lớp bình dân ở ngoài Santiago. Thách thức đặt ra với tân tổng thống đó là việc thuyết phục các cử tri ủng hộ đối thủ của ông, trái ngược hoàn toàn về tư tưởng. Giáo sư Compagnon nhận định : 

Trong bài phát biểu của mình, ông thể hiện mong muốn làm lãnh đạo của tất cả người dân Chilê. Tuy nhiên, về những biện pháp mà ông Boric mong muốn tiến hành nhanh chóng, rất khó để tìm được đồng thuật từ tất cả mọi người. Tôi nghĩ về những kế hoạch mà Boric đưa ra như là những ưu tiên. Và đó là cải cách về thuế khoá. Chúng ta đều biết rằng ở châu Mỹ nói chung và ở Chilê nói riêng. Thuế suất đối với thu nhập cá nhân và lợi nhuận từ doanh nghiệp rất thấp. Và đây là một trong những khó khăn để Nhà nước có thể có được thu nhập bền vững, đảm bảo việc phân phối tài chính lại. Đó chính là ưu tiên hàng đầu. Và chắc chắn rằng, Boric sẽ nhanh chóng gặp các phản đối trong giới tài chính, công nghiệp và trong giới tinh hoa của kinh tế Chile. Do đó, thay vì tân tổng thống nói về việc từ bỏ, thì đó sẽ là bài phát biểu phù hợp tình huống, theo tôi, chúng ta đang bước vào một thời kỳ chính trị nhiều chia rẽ.

Lấy của người giàu chia cho người nghèo

Ngoài cải cánh về chính sách thuế khoá : nhằm tăng thuế của những người giàu nhất để thúc đẩy tiếp cận y tế giáo dục tốt hơn, tạo ra một hệ thống y tế toàn dân, tân tổng thống cũng hướng đến cải cách về chính sách hưu trí, mà hiện nay đều do lĩnh vực tư nhân quản lý. Các cải cách đưa ra đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Ông Olivier Compagnon đánh giá rằng, để có thể thực thi những cải cách, ông Boric phải đối phó với một Quốc Hội mới, được bầu vào ngày 21/11/2021, bị chia rẽ và ông không có được đa số tuyệt đối. 

Đây sẽ là một trở ngại lớn đối với việc quản lý. Và thêm vào đó là bối cảnh chính trị có chút đáng lo ngại vì tăng trưởng của Chilê vào cuối năm 2021 sẽ cao hơn 10 %, đây là con số khá cao được lý giải bởi việc khắc phục kinh tế liên quan đến khủng hoảng do đại dịch. Bởi vì cựu tổng thống Piñera, đã cho phép người dân nhận tiền trợ cấp để thoát khỏi khủng hoảng. Vì vậy nhu cầu trong nước lớn đã hỗ trợ tăng trưởng.Theo dự báo vào năm ‪2022- 2023, tăng trưởng chỉ đạt ở mức 1, 2 %. Và đó là điều sẽ xảy ra. Boric lên nắm quyền, và sự thịnh vượng biến mất. Trong khi đó sự thịnh vượng chính là tài sản lâu bền nhất được công nhận  rõ trong bản ghi chép quốc gia của chế độ độc tài Pinochet. Chính vì thế, tôi cho rằng sẽ có một thời gian gián đoạn đáng kể .

Bản Hiến Pháp mới nhằm loại bỏ những gì tồn tại của chế độ độc tài Pinochet được khởi xướng sau cuộc nổi dậy xã hội gây chấn động Chile vào cuối năm 2019, mà trong đó, Gabriel Boric là thủ lĩnh của liên minh Apruebo Dignidad. Quốc Hội mới mà Boric không được nhiều ủng hộ, hiện đang làm việc trên bản Hiếp Pháp mới này, dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2022. Trong vòng đầu tiên, đảng cánh tả và đảng trung tả ủng hộ tân tổng thống chỉ giành được nửa số ghế trong Quốc Hội. Tuy nhiên để thông qua các văn bản luật ở Chilê, cần phải đạt được đa số 2/3 tín nhiệm từ Quốc Hội. Báo La Croix nhận định rằng, như những gì mà Boric đã thể hiện sau hai vòng bầu cử, tổng thống trẻ tuổi biết là mình cần phải nhượng bộ. 

Ngoài việc phát triển một Nhà nước phúc lợi, Gabriel Boric còn bảo vệ các cải cách xã hội, liên quan đến các cuộc đấu tranh nữ quyền rất sôi nổi ở Chile. Trong đó, hôn nhân đồng tính sẽ được hợp pháp ở nước này từ ngày 10 tháng 3 năm 2022, ngay sau Boric chính thức nhậm chức, kế nhiệm tỷ phú 72 tuổi Sebastian Piñera. 

Sự lãnh đạo của tân tổng thống ở Chile là một thay đổi lớn ở đất nước « bất bình đẳng nhất », được coi là thí điểm cho chủ nghĩa tự do ở châu Mỹ La tinh, hội tụ từ tầng lớp trung lưu đến thượng lưu, nhất là ở Santiago. Chế độ độc tài Pinochet, một góc tối trong lịch sử Chilê

Vào tháng 9/1973, cuộc đảo chính quân sự do tổng tham mưu trưởng quân đội Augusto Pinochet đã lật đổ tổng thống đương nhiệm Salvador Allende. Trong những năm đàn áp  của chế độ Pinochet từ năm 1973 đến năm 1976, nổi tiếng với những vụ vi phạm nhân quyền, các nhà sử học ước tính rằng hơn 3.200 người chết và “mất tích”, khoảng 38 000 người bị tra tấn, vài trăm nghìn người lưu vong. Đối với chính sách tư nhân hóa kinh tế – thường được mô tả là tân tự do, do “Chicago Boys” thực hiện, lấy cảm hứng từ các quan niệm kinh tế do Milton Friedman phát triển. Pinochet cũng là tác giả của hiến pháp Chilê năm 1980. Phần lớn của Hiến Pháp sau đó đã được sửa đổi qua việc xóa bỏ các chính sách nô lệ độc đoán vào năm 1989 và đặc biệt là vào năm 2005. 

Lịch sử Chilê sau khi kết thúc chế độ độc tài cho đến nay 

  • Ngày 5 tháng 10 năm 1988, nhà độc tài Augusto Pinochet bị lật đổ sau một cuộc trưng cầu dân ý về việc kéo dài nhiệm kỳ bất thành của ông. 
  • Tháng 12 năm 1989,  đảng viên Đảng Dân Thiên Chúa Giáo, ông Patricio Aylwin được bầu làm Tổng thống Chilê trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên. 
  • Ngày 15 tháng 1 năm 2006, bà Michelle Bachelet theo chủ nghĩa xã hội, trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Chilê cho đến năm 2010, và tái đắc cử vào năm 2013 cho nhiệm kỳ thứ hai (2014-2018).   
  • Ngày 25 tháng 10 năm 2020, Chilê tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về việc soạn thảo Hiến pháp mới, loại bỏ những gì còn tồn tại của Hiến Pháp dưới thời Pinochet. Bất chấp đại dịch, 50,9% cử tri đi bỏ phiếu: “Đồng ý” với 78% phiếu bầu. 

Bài Liên Quan