Hong Kong gỡ tượng tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn

Hong Kong gỡ tượng tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn

4 giờ trước

Construction workers remove the statue
Chụp lại hình ảnh,Công nhân xây dựng làm việc qua đêm để dỡ bức tượng

Bức tượng nổi tiếng tại Đại học Hong Kong đánh dấu vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn đã bị dỡ bỏ vào cuối ngày thứ Tư.

Bức tượng miêu tả cảnh xác chết chất đống nhằm tưởng nhớ người biểu tình đòi dân chủ bị chính quyền Trung Quốc giết chết vào năm 1989.

Đây là một trong số ít đài tưởng niệm vụ Thiên An Môn nơi công cộng còn sót lại ở Hong Kong.

Vụ thảm sát Thiên An Môn là chủ đề rất nhạy cảm ở Trung Quốc.

Vào năm 1989, Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh đã trở thành tâm điểm của các cuộc biểu tình đòi có thêm tự do chính trị.

Hàng ngàn người cắm trại trong hàng tuần lễ tại đây, nhưng hôm 3/6, quân đội đã tiến vào, và binh lính nổ súng vào người biểu tình.

Chính phủ Trung Quốc nói có 200 dân thường và vài chục lính thiệt mạng. Các ước tính khác nói số người chết dao động từ hàng trăm cho tới 10 ngàn người.

The eight-metre-high "Pillar of Shame" by Danish sculptor Jens Galschiot before it was removed at the University of Hong Kong (HKU), China, 12 October 2021
Chụp lại hình ảnh,Bức tượng tại Đại học Hong Kong hồi tháng Mười

Việc dỡ bỏ tượng diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng trấn áp mạnh phong trào bất đồng chính trị ở Hong Kong.

Thành phố từng là một trong số ít nơi ở Trung Quốc cho phép công chúng tưởng niệm các cuộc biểu tình Thiên An Môn.

“Quyết định dỡ bức tượng vốn đã tồn tại từ lâu được đưa ra dựa trên lời tư vấn pháp lý từ bên ngoài và dựa trên việc đánh giá rủi ro, nhằm bảo vệ tốt nhất lợi ích của trường,” trường ra thông cáo hôm thứ Năm.

“Trường đại học cũng rất lo ngại về các vấn đề an toàn tiềm ẩn mà bức tượng dễ đổ vỡ có thể gây ra.”

Đã có những dấu hiệu đầu tiên về việc bức tượng bị gỡ xuống xuất hiện vào cuối ngày thứ Tư, khi các quan chức trường đại học che chắn khu vực bằng tấm nhựa.

Công nhân xây dựng đã làm việc qua đêm sau các rào chắn bằng nhựa để tháo dỡ bức tượng đồng dài 8m. Nhân viên an ninh chặn các phóng viên tiếp cận và tìm cách ngăn cảnh việc họ quay phim.

Bức tượng bị dỡ bỏ miêu tả một chồng hàng chục thi thể bị nghiến nát, vặn vẹo với khuôn mặt đau khổ, “để nhắc nhở chúng ta về một sự kiện đáng xấu hổ, thứ không bao giờ được để cho tái diễn,” theo tác giả bức tượng, nhà điêu khắc Jens Galschiot.

A University student cleans the "Pillar of Shame" statue at the University of Hong Kong on the 32nd anniversary of the crackdown on pro-democracy demonstrators at Beijing"s Tiananmen Square in 1989, in Hong Kong, China June 4, 2021
Chụp lại hình ảnh,Bức tượng được làm vệ sinh hồi mùa hè

Trường đại học cho biết họ sẽ đưa bức tượng đã được trưng bày tại khuôn viên trường trong 24 năm vào kho.

Ông Galschiot gọi việc dỡ bỏ này là “thực sự tàn bạo” và nói ông sẽ cân nhắc việc kiện các nhà chức trách và yêu cầu bồi thường.

“Đây là một tác phẩm điêu khắc về những người đã chết và [để] tưởng nhớ những người đã chết ở Bắc Kinh vào năm 1989. Vì vậy, khi quý vị phá hủy nó theo cách này, nó giống như đi đến một nghĩa địa và phá hủy tất cả các bia mộ,” ông nói với chương trình Newshour của BBC.

Billy Kwok, 22 tuổi, một sinh viên tại Đại học Hong Kong, nói với hãng tin Reuters rằng việc bức tượng bị dỡ bỏ là “thực sự đáng buồn”.

“Thực sự là mỉa mai… Tôi không nghĩ mọi người sẽ mong đợi điều này [sẽ] xảy ra trong trường đại học,” anh nói, và nói thêm rằng tòa nhà nơi đặt tượng được cho là một nơi ủng hộ “cái gọi là tự do ngôn luận, tự do biểu đạt”.

Tại sao việc dỡ bỏ tượng có ý nghĩa quan trọng?

“[Bức tượng] là một trong số ít các đài tưởng niệm công khai còn sót lại [về] cuộc đàn áp… và là một lời nhắc nhở về quá khứ tự do của Hong Kong,” Tiến sĩ Ian Chong, Phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, nói với BBC.

“[Việc gỡ bỏ tượng] đang xóa bỏ thêm một địa điểm công cộng nữa, nơi tưởng niệm vụ thảm sát… [và] có vẻ là dấu hiệu cho thấy chính quyền Hong Kong và Bắc Kinh sẽ không còn chấp nhận việc công khai tưởng nhớ các sự kiện xung quanh ngày 4/6.”

The Pillar of Shame statue stands at the Hong Kong University campus on October 15, 2021 in Hong Kong, China

Việc dỡ bỏ bức tượng diễn ra sau kỳ bầu cử cơ quan lập pháp Hong Kong chỉ có ít cử tri tham dự, sự kiện dẫn tới kết quả các ứng viên thân Bắc Kinh lên nắm quyền, thời điểm mà Tiến sĩ Chong gọi là “mang tính biểu tượng”.

Năm ngoái, Bắc Kinh cũng ban hành một đạo luật nghiêm ngặt về an ninh quốc gia nhằm hình sự hóa các hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với lực lượng nước ngoài, điều mà các nhà hoạt động nói rằng được dùng để đàn áp xã hội dân sự, bỏ tù những người vận động dân chủ và hạn chế các quyền tự do cơ bản.

Các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn

Hàng trăm, có thể là hàng nghìn người biểu tình ôn hòa đòi dân chủ đã bị quân đội Trung Quốc giết hại tại Quảng trường Thiên An Môn của Bắc Kinh vào mùa hè năm 1989.

Quốc tế lên án việc Bắc Kinh đưa quân đội và xe tăng tới, nổ súng vào người biểu tình.

Vụ việc được coi là rất nhạy cảm về mặt chính trị ở Trung Quốc đại lục, và giới chức thậm chí cấm người dân nói bóng nói gió đến các sự kiện xảy ra vào ngày 4/6.

Vào năm 2020, chính quyền Hong Kong lần đầu tiên sau 30 năm đã cấm tổ chức lễ thắp nến hàng năm tưởng niệm Thiên An Môn, với lý do cần hạn chế tụ tập để phòng chống Covid – tuy nhiên các nhà hoạt động cáo buộc quan chức địa phương là đã cúi đầu trước áp lực từ Bắc Kinh trong việc bịt miệng các biểu hiện ủng hộ dân chủ.

Vào tháng 10, chín nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Hong Kong đã bị kết án từ 6 đến 10 tháng tù vì tham gia vào buổi thắp nến tưởng niệm.

Đầu tháng này, ông trùm truyền thông Jimmy Lai cũng bị án 13 tháng tù giam vì đã tham gia buổi lễ thắp nến này.

Bài Liên Quan