Châu Mỹ Latinh: “Sân sau của Mỹ” đang trở thành “đất săn riêng” của Trung Quốc

Châu Mỹ Latinh: “Sân sau của Mỹ” đang trở thành “đất săn riêng” của Trung Quốc

Đăng ngày: 25/12/2021

Trọng Nghĩa

Vào dịp cuối năm 2021 này, như thông lệ, các tuần báo đều ra ấn bản đặc biệt, với những chủ đề khác lạ so với ngày thường, nhưng cũng tiếp tục quan tâm đến tình hình thời sự thường nhật. Rất đáng chú ý là một bài điều tra dài trên tạp chí Pháp L’Express về ý đồ thống trị thế giới ngày càng rõ nét của Trung Quốc.

Bài viết mang tựa đề “Cách thức Trung Quốc thâu tóm Châu Mỹ Latinh” ghi nhận là khu vực từng được mệnh danh là “sân sau của Washington” giờ đây đã trở thành “đất săn riêng” của Bắc Kinh. 

Ecuador: Tàu cá Trung Quốc tàn phá khu bảo tồn sinh thái Galapagos 

Bài viết mở đầu bằng một ghi nhận đáng ngại: “Khi quý vị đang đọc những dòng chữ này, khoảng 300 tàu đánh cá Trung Quốc đang bao quanh 19 đảo thuộc quần đảo Galapagos…, liên tục đánh bắt suốt ngày đêm, gây ra thiệt hại không thể khắc phục được đối với đa dạng sinh học. Cá và mực được đông lạnh ngay lập tức trên tàu và đóng gói để đem về bán tại thị trường Trung Quốc, nơi có 1,4 tỷ người tiêu dùng.” 

Galapagos là một vùng lãnh thổ của quốc gia Nam Mỹ Ecuador được UNESCO công nhận là Di Sản Thế Giới, cách bờ biển 1.000 km. 

Theo nhà địa lý và chuyên gia về Trung Quốc đương đại Emmanuel Véron: “Sau khi vơ vét hải sản tại Ecuador, đội tàu này thường hướng đến Đảo Phục Sinh (Isla de Pascua), ngoài khơi Chilê, để gây ra thiệt hại tương tự ở đó”. Sau đó họ hướng về Trung Quốc, tạm nghỉ chờ đến chiến dịch đánh bắt xa bờ sau đó, một chiến dịch kéo dài năm tháng. 

Quito bất lực vì mắc nợ Trung Quốc quá nhiều 

Câu hỏi đặt ra là vì sao Ecuador lại chấp nhận việc tài nguyên của mình bị cướp bóc? Theo một cựu thành viên chính quyền Hoa Kỳ, câu trả lời rất đơn giản. Chính quyền Ecuador đã vay mượn quá nhiều của Trung Quốc. Với giá dầu hỏa, nguồn lợi tức chính của quốc gia sản xuất dầu này, bị sụt giảm đáng kể từ năm 2010, Quito không còn khả năng trả nợ, nên đành phải để cho Bắc Kinh muốn làm gì thì làm. 

Đối với L’Express, ví dụ điển hình của Ecuador minh họa cho một thay đổi địa chính trị lớn: Sự phụ thuộc của châu Mỹ Latinh vào Trung Quốc từ khoảng 15 năm nay, bắt đầu từ sau khi Bắc Kinh gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới vào năm 2001.  

Sau Châu Phi, Châu Mỹ Latinh thành vùng đất khai thác béo bở 

Theo kinh tế gia Emmanuel Hache, chuyên nghiên cứu các nền kinh tế châu Á thì sau khi đã “đô hộ”, Trung Quốc coi lục địa Latinh như một vùng đất khai thác béo bở khác.  

Bà Sylvie Bermann, đại sứ Pháp tại Bắc Kinh (từ năm 2011 đến năm 2014), tóm tắt trong một hội nghị gần đây tại Quỹ France-Amériques ở Paris: “Đối với an ninh lương thực của Trung Quốc, Châu Mỹ Latinh trở nên thiết yếu”

Trung Quốc đang đặt mục tiêu vào các nguyên liệu thô mà họ thiếu: nông sản (đậu nành), nhiên liệu hóa thạch (dầu hỏa), quặng mỏ (sắt). Kể từ năm 2005, họ cũng đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng đường bộ, cảng và thủy điện.  

40 hải cảng nhìn ra hai đại dương trong tay Trung Quốc  

Kết quả là đế chế Trung Hoa kiểm soát hoặc sở hữu cổ phần tại bốn mươi cảng trên bờ biển của cả Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, và ở lối vào Kênh đào Panama. Một trong những cảng này nằm trong một phần của dự án lớn của Trung Quốc ở El Salvador, sẽ chiếm 1/10 diện tích của đất nước nhỏ bé này. 

Trên khắp vùng châu Mỹ Latinh, Trung Quốc còn có cơ sở hạ tầng khác, chẳng hạn như mười lăm cơ sở thủy điện lớn. Ở Chilê, họ kiểm soát 57% việc phân phối điện.  

Tài nguyên dưới lòng đất cũng bị Bắc Kinh nhòm ngó. Ngoài sắt ở Brazil, Trung Quốc còn nhắm đến loại khoáng sản “chuyển đổi năng lượng”: Lithium và đồng từ Bolivia, Chile và Achentina, những thứ cần thiết cho việc sản xuất pin. 

Nguy cơ dùng cơ sở dân sự cho mục tiêu quân sự 

Sự hiện diện của Trung Quốc tại Châu Mỹ Latinh dĩ nhiên đã khiến Hoa Kỳ lo ngại, đặc biệt là dưới góc độ chiến lược. Mối quan tâm đặc biệt của Lầu Năm Góc là viễn cảnh Bắc Kinh dễ dàng sử dụng các cảng thương mại và sân bay dân sự vào mục tiêu quân sự. 

Một vấn đề khác đáng quan ngại là công trình xây dựng một trạm liên lạc với vệ tinh của Trung Quốc vào năm 2017 ở tỉnh Neuquén, thuộc vùng Patagonia ở Achentina, do bộ Quốc Phòng Trung Quốc trực tiếp quản lý, mà không có quyền giám sát của Achentina.  

Washington cũng nghi ngờ Bắc Kinh đứng sau dự án xây dựng căn cứ hải quân ở vùng Tierra del Fuego của Achentina.  

Ngoài ra cũng có thể kể đến tuyến cáp Internet ngầm duy nhất kết nối châu Phi với Nam Mỹ do tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi triển khai vào năm 2018, nối Cameroon với Brazil. Phương Tây, đi đầu là Mỹ, coi đó là mối nguy hiểm đối với hệ thống liên lạc thông tin của họ.  

Brazil đã bị Trung Quốc “mua đứt” ? 

Không ở đâu dấu ấn của Trung Quốc lại đậm nét như ở Brazil. Tổng thống Bolsonaro từng tuyên bố: “Người Trung Quốc không mua sắm ở Brazil mà họ đang mua cả Brazil”.  

Kể từ đầu thế kỷ, khối lượng thương mại giữa hai bên đã tăng lên 75 lần: Từ 1,5 tỷ đô la năm 1999, trị giá giao dịch thương mại Brazil-Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 115 tỷ trong năm nay. 

Không bằng lòng với việc mua sắm tại “siêu thị Latinh”, Trung Quốc còn đang tung hàng tràn ngập khắp lục địa với các mặt hàng “made in China”, từ đồ gia dụng cho đến các sản phẩm công nghệ.  

Các loại camera giám sát (Hikvision) hoặc camera nhận dạng khuôn mặt (SenseTime) có mặt ở nhiều cảng và sân bay. Đây là một thị trường đầy hứa hẹn: Vùng châu Mỹ Latinh là nơi sinh sống của 8% dân số thế giới nhưng lại tập trung 1/3 số vụ sát nhân trên hành tinh. Do đó, ngành kinh doanh an ninh và giám sát có một tương lai tươi sáng phía trước. 

Lợi thế của Trung Quốc: Không cần quan tâm đến nhân quyền 

Theo L’Express, ở châu Mỹ Latinh, phương Tây bị thất thế so với Trung Quốc vì nguyên tắc tôn trọng quyền con người.  

Bà Geneviève des Rivières, một nhà ngoại giao Canada từng làm đại sứ tại Peru, Colombia và Bolivia, nhớ lại: “Khi các công ty khai thác mỏ của phương Tây đầu tư ra nước ngoài, họ đều cam kết có một thái độ có trách nhiệm, phù hợp với các tiêu chuẩn xã hội của Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc thì đặt mình bên trên” luật lệ quốc tế. 

Nợ nần chồng chất, một số quốc gia như Ecuador và Achentina có rất ít cơ hội để đối phó với chủ nợ Trung Quốc. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, vùng châu Mỹ Latinh còn bị Bắc Kinh gây áp lực thông qua ngoại giao vac-xin, dùng việc cung cấp thuốc chủng để bắt bí các đối tác  

Bài Liên Quan