Diễn đàn kinh tế Davos : Tập Cận Bình cảnh báo đụng độ giữa các cường quốc sẽ gây hậu quả thê thảm

Diễn đàn kinh tế Davos : Tập Cận Bình cảnh báo đụng độ giữa các cường quốc sẽ gây hậu quả thê thảm

Đăng ngày: 18/01/2022

Thùy Dương

Ngày 17/01/2022, trong bài diễn văn nhân Diễn đàn kinh tế thế giới Davos trực tuyến, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo sự đụng độ trên thế giới giữa các cường quốc lớn có thể gây ra « những hậu quả thê thảm »

AFP cho biết, trong bài phát biểu trực tuyến nhân Diễn đàn kinh tế thế giới Davos, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa đặt mình vào vị trí người bảo vệ chủ nghĩa đa phương và cảnh báo về các quan hệ căng thẳng trên thế giới. Không trực tiếp nhắc đến Mỹ, đối thủ số 1 của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh « Lịch sử đã nhiều lần chứng minh là sự đụng độ không giải quyết được các vấn đề mà chỉ dẫn đến các hậu quả thê thảm ».   

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm chi tiết : 

« Tập Cận Bình lại như quán quân về mậu dịch tự do trước các nhà lãnh đạo của những nước giàu có nhất tham gia trực tuyến cuộc họp tại Thụy Sĩ. Chủ tịch nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phát biểu tại cuộc họp với những số liệu mới nhất vừa được công bố sáng cùng ngày về tăng trưởng của Trung Quốc (GDP Trung Quốc năm 2021 tăng 8,2%) và hiệp định đối tác kinh tế toàn cầu quy tụ khoảng 15 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương quanh Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực hồi tháng trước. 

Đúng là từ 5 năm nay, các container hàng sản xuất tại Trung Quốc (made in China) đã được chuyển đi khắp nơi nhờ có các thỏa thuận kết nối trong khuôn khổ dự án Con đường tơ lụa  của Trung Quốc với các con đường bộ, tuyến đường sắt và đường biển mới. 

Nhưng ngoài các bài diễn văn, chưa bao giờ đất nước Trung Quốc lại khép kín như từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ cách nay 2 năm đến tận bây giờ, với vị nguyên thủ quốc gia trong thời gian qua chưa từng đặt chân ra nước ngoài và rất có thể là ông sẽ tiếp tục như vậy cho đến Đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ XX diễn ra vào mùa thu tới. 

Đó là một nước Trung Quốc mà tiêu dùng nội địa vẫn ở mức thấp hơn trước khi khủng hoảng y tế nổ ra và vẫn thường bị châu Âu chỉ trích là bảo hộ mậu dịch. Nhân vật số 1 Trung Quốc tuyên bố nhân Diễn đàn kinh tế thế giới : « Thế giới của chúng ta ngày này còn lâu mới được yên ổn, và có quá nhiều những phát biểu khoa trương kích động các định kiến. ». 

Bài Liên Quan