Khủng hoảng Ukraina : Blinken đề nghị Lavrov “giảm căng thẳng ngay lập tức”
Đăng ngày: 02/02/2022
Thu Hằng
Cuộc khủng hoảng Ukraina vẫn bế tắc. Nga và Hoa Kỳ cùng với các nước đồng minh của Mỹ tiếp tục gây sức ép quân sự để giữ thế mạnh trong các cuộc đàm phán. Trả lời đài France 2 ngày 02/02/2022, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian xác nhận “mọi yếu tố đã hội tụ đủ để Nga can thiệp vào Ukraina” và mối nguy hiểm “rất rõ và tức thì”. Trong khi đó, ngoại trưởng Mỹ và Nga nối lại điện đàm ngày 01/02 về tình hình Ukraina nhưng không có tiến triển rõ rệt.
Thông tín viên RFI Guillaume Naudin tại Washington tường trình :
« Đây là lần đầu tiên hai ngoại trưởng nối lại đối thoại kể từ khi Mỹ trả lời Nga bằng văn bản và không chấp nhận những yêu cầu về bảo đảm an ninh mà Matxcơva đưa ra.
Ông Antony Blinken tiếp tục đề nghị Nga xuống thang ngay lập tức và rút quân khỏi biên giới với Ukraina. Ngoại trưởng Mỹ cũng nhắc lại rằng một cuộc xâm lược Ukraina do Nga tiến hành sẽ kéo theo những hậu quả tức thì và nghiêm khắc cho Matxcơva. Ông Blinken đề nghị Nga chọn con đường ngoại giao.
Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên giọng điệu và kết quả thì cũng thế. Theo một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ, ông Serguei Lavrov không đưa ra « bất kỳ dấu hiệu nào » tỏ thiện chí giảm căng thẳng ngay lập tức từ phía Nga.
Vẫn theo quan chức trên, bước tiếp theo sẽ là Nga trao cho Mỹ, nhưng chưa có ngày cụ thể, « câu trả lời chính thức », được tổng thống Vladimir Putin phê chuẩn, về văn bản mà Washington trả lời Matxcơva vào tuần trước.
Trong văn bản đó, Mỹ cũng đề xuất đàm phán về việc kiểm soát vũ khí. Chính vì điều này mà ngoại trưởng Nga nói rằng đồng nhiệm Mỹ thừa nhận là có những lý do để thảo luận về những quan ngại của Nga trong vấn đề an ninh. Đúng là việc trao đổi thông tin giữa hai bên không thực sự tiến triển nhưng cũng không bị cắt đứt ».
Các thành viên NATO ủng hộ Kiev
Theo AFP, ngoài Hoa Kỳ, lãnh đạo nhiều nước thành viên NATO cũng tỏ ra năng động để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraina. Trong cuộc điện đàm ngày 01/02 với ông Putin, thủ tướng Ý Mario Draghi đã yêu cầu nguyên thủ Nga « giảm căng thẳng ». Cùng ngày, tại Kiev, thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi Matxcơva « lùi bước và chọn con đường ngoại giao », đồng thời cảnh báo « một thảm họa cho cả Nga và cả thế giới » nếu Matxcơva can thiệp quân sự vào Ukraina. Anh và Ba Lan đề xuất hỗ trợ Ukraina.
Về phần thủ tướng Hungary Victor Orban, trong chuyến thăm Matxcơva ngày 01/02, cho rằng phương Tây và Nga có thể khỏa lấp « những bất đồng » trong vấn đề Ukraina và một thỏa thuận « chấp nhận được » cho các bên là « điều có thể ».
Theo dự kiến, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thăm Ukraina ngày 03/01. Ông Recep Tayyip Erdogan hy vọng sử dụng mối quan hệ để tác động đến đồng nhiệm Nga vì một cuộc xung đột Nga-Ukraina và NATO cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như cơ may tái đắc cử của ông.